Số vụ phá sản doanh nghiệp tại Nhật Bản tăng kỷ lục
Ngày 14-1, truyền thông Nhật Bản dẫn số liệu của công ty nghiên cứu tín dụng Tokyo Shoko Research cho biết, số vụ phá sản của doanh nghiệp nước này năm 2024 lần đầu tiên sau 11 năm vượt mốc 10.000.
Theo đó, số vụ doanh nghiệp phá sản trong năm 2024 của Nhật Bản lên tới 10.006 vụ, tăng 15,1% so với năm 2023. Đây cũng là năm tăng thứ ba liên tiếp. Trong số này, có 10.004 vụ là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tổng nợ phải trả là 2,34 nghìn tỷ yên (tương đương khoảng 14,9 tỷ USD), giảm 2,4% so với năm 2023.
Việc doanh nghiệp Nhật Bản nộp đơn phá sản ngày càng đông được cho là hệ quả trực tiếp từ việc phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động ngày càng tồi tệ.
Trong khi đó, giá vật tư nhập khẩu ngày càng tăng cao do đồng yên mất giá. Thực tế, đồng yên đã giảm xuống mức yếu nhất trong 37 năm so với đồng USD vào mùa hè năm 2024, đẩy chi phí nhập khẩu lên cao.
Tình trạng thiếu lao động cũng ngày càng tồi tệ, một phần bởi dân số già của Nhật Bản và việc áp dụng các quy định làm thêm giờ nghiêm ngặt hơn. Xu hướng này khiến các ngành công nghiệp như xây dựng và dịch vụ đều chịu áp lực lớn.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc Nhật Bản chấm dứt các biện pháp hoãn thuế đặc biệt (vốn được áp dụng trong giai đoạn đại dịch Covid-19) khiến gánh nặng tài chính đối với các doanh nghiệp – đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ - càng nặng nề hơn.
Số liệu mới công bố cũng cho thấy, lĩnh vực dịch vụ, bao gồm cả nhà hàng, chứng kiến số vụ phá sản cao nhất trong năm 2024, với 3.329 vụ, tăng 13,2%. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1990 lĩnh vực này có số vụ phá sản vượt quá con số 3.000.
Lĩnh vực xây dựng, một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cải cách giờ làm việc, xếp hạng tiếp theo với 1.924 vụ phá sản trong năm 2024, tăng 13,6%.
Số vụ phá sản do thiếu lao động đã tăng mạnh lên mức kỷ lục 289 trường hợp từ 159 trường hợp, trong khi những vụ phá sản do không thể tìm được ai đó tiếp quản doanh nghiệp là 462 trường hợp, cũng là mức cao kỷ lục.
Số vụ phá sản do gánh nặng tài chính do chi phí an sinh xã hội và thuế tăng gần gấp đôi, từ 92 trường hợp lên 176 trường hợp.
Tokyo Shoko Research khuyến nghị, dù một số doanh nghiệp có thể tránh được tình trạng phá sản bằng cách tái cấp vốn cho vay, nhưng sẽ tiếp tục gặp khó khăn nếu không thể xoay chuyển được hoạt động kinh doanh.