Sợ thang máy, cư dân Linh Đàm luyện sức leo thang bộ | Hà Nội tin mỗi chiều
Mấy ngày qua, nhiều người dân sinh sống tại một khu chung cư giữa Thủ đô lại không dám sử dụng thang máy, vì lo ngại sự cố tai họa.
Câu chuyện tưởng như đùa lại diễn ra ngay tại khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Theo thông tin từ một số người dân nơi đây, cùng ngày, ba lần xảy ra sự cố thang máy. Một lần thang rơi tự do 18 tầng. Lần hai có người vào thang sau chui ra suýt bị kẹp đầu. Lần ba thang tụt xuống tận đáy.
Liên quan sự cố thang máy tại chung cư HH2C Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai đã có công văn hỏa tốc yêu cầu chủ đầu tư khắc phục triệt để. Chính quyền sở tại đánh giá sự việc không gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản song đã gây hoang mang, nguy cơ mất an toàn cho người dân sống trong chung cư.
Nguyên nhân được xác định là nhân viên kỹ thuật công ty đã sơ ý bấm vào nút sự cố cứu hỏa cấp 2 của thang máy, dẫn đến sự cố này. UBND quận Hoàng Mai yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành phải kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống thang máy tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm đồng thời khắc phục ngay, triệt để các sự cố thang máy tại các tòa nhà.
Thang máy là phương tiện di chuyển phổ biến trong các tòa nhà cao tầng; việc gặp sự cố trong thang máy không phải là điều hiếm gặp. Trước đó, tháng 1/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, 54 Hai Bà Trưng, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, xảy ra vụ kẹt thang máy. Phía trong có 7 người mắc kẹt không thể ra ngoài. Công an quận Hoàn Kiếm đã phải cử đội cứu nạn cứu hộ đến giải cứu.
Ngay gần đây, chiều 24/8, lực lượng Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã kịp thời giải cứu 9 người, trong đó có trẻ nhỏ, mắc kẹt trong thang máy tại một ngôi nhà trên đường Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Anh Nguyễn Tuấn, 37 tuổi, sống tại tầng 24, chung cư HH1A Linh Đàm cho biết, trước khi xảy ra các sự cố, đại diện các tổ dân phố thuộc tổ hợp chung cư HH Linh Đàm đã gửi đơn đề nghị đến Tập Đoàn Mường Thanh, Ban quản lý dịch vụ nhà ở Linh Đàm về những bức xúc trong vận hành thang máy.
Theo anh Tuấn, hai tháng gần đây, thang máy liên tục hỏng hóc, không được sửa chữa kịp thời, hoặc có thợ đến sửa chữa nhưng vẫn không khắc phục được. Điều này ảnh hưởng cuộc sống và công việc của hàng chục nghìn cư dân.
Sự cố kép trong ngày 26/8 cũng đã khiến nhiều người dân vô cùng lo lắng, không dám sử dụng thang máy. Nhiều gia đình chọn giải pháp thang bộ. Những hộ ở tầng cao hàng ngày đi bộ lên, xuống ba lượt, xấp xỉ 90 tầng.
Chị Nguyễn Thị Thanh, khu HH Linh Đàm cho biết: "Chúng tôi đóng phí dịch vụ không thiếu tháng nào, nhưng thang máy hỏng liên tục không rõ lý do. Leo thang bộ xuống đến nơi mệt muốn ngất xỉu mà đi thang máy lại lo thang rớt."
Đây được xem là khủng hoảng thang máy, gây tổn thất về tinh thần, đảo lộn cuộc sống bình thường của nhiều cư dân. Việc liên tục xảy ra các sự cố về thang máy đang gióng hồi chuông cảnh báo về việc lựa chọn, bảo trì, bảo dưỡng loại hình phương tiện vận chuyển trong các tòa chung cư.
Theo yêu cầu về quản lý và sử dụng thang máy, thời hạn bảo trì thang máy cho các tòa nhà cao tầng và chung cư là không quá 2 tháng/lần. Bảo trì phải do một đơn vị có chuyên môn thực hiện, có giấy phép Nhà nước và được nhà sản xuất ủy quyền. Bên cạnh việc bảo trì thì sau 3 năm sử dụng thang máy phải được kiểm định lại để đánh giá mức độ an toàn. Quy định là vậy, nhưng thực tế không phải đơn vị nào cũng tuân thủ.
Không bảo trì định kỳ đã đành, khi bảo trì, duy tu nhiều ban quản lý lại thuê các đơn vị bảo trì không đủ năng lực chuyên môn và uy tín. Không hiếm tình trạng nhân viên bảo trì sử dụng các bo mạch, thiết bị, linh kiện, hàng nhái giá rẻ thay vì sử dụng phụ tùng chính hãng.
Tệ hơn là đấu tắt mạch an toàn khiến thang máy trở thành cái bẫy cho người sử dụng như trường hợp thang máy khu HH Linh Đàm suýt nuốt chửng người mà dư luận quan tâm những ngày qua. Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam lưu ý: Trường hợp thang bị đấu tắt rất nguy hiểm, tai nạn chết người xảy ra không biết lúc nào.
Theo các chuyên gia kỹ thuật, thang máy được cấu thành từ hệ thống thiết bị phức tạp, có liên quan mật thiết và hỗ trợ, ảnh hưởng lẫn nhau. Vì vậy để thang máy vận hành tốt thì tất cả các bộ phận trong hệ thống cũng phải trong tình trạng hoạt động ổn định. Mặc dù trước khi được cấp phép sử dụng, thang máy đã phải trải qua khâu kiểm định an toàn, chất lượng rất nghiêm ngặt nhưng nếu không được kiểm tra, bảo dưỡng đúng cách thì vẫn có thể gặp phải trục trặc, sự cố gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của con người.
Anh Nguyễn Hoàng Quân, nhân viên kỹ thuật công ty bảo trì thang máy Kalea cho rằng: "Chăm sóc thang máy cũng giống như chăm sóc sức khỏe cho con người vậy. Cần được thăm khám, kiểm tra thường xuyên và định kỳ chứ không phải chờ đến lúc hỏng mới sửa chữa. Hoạt động bảo trì là phát hiện sớm những hư hại, những nguy cơ tiềm ẩn của thang máy để có biện pháp kịp thời xử lý giúp hạn chế tai nạn có thể xảy ra. Đồng thời sẽ giúp tăng độ bền và nâng cao tuổi thọ cho thang máy."
Những chiếc thang máy dành cho những hộ gia đình hay ở chung cư có vận hành an toàn hay không, hoàn toàn có thể kiểm soát được. Đó là trách nhiệm của chủ đầu tư. Việc đảm bảo an toàn cho hệ thống thang máy tại các khu dân cư cao tầng phải được đề cao, thường xuyên và kịp thời; phải gắn trách nhiệm của chủ đầu tư với sự an toàn của hệ thống.
Từ sự cố thang máy khu đô thị Linh Đàm, người dân khi mua căn hộ chung cư, trong những tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, không thể không chú ý quan tâm hệ thống thang máy, từ thương hiệu, chủng loại, nhà cung cấp cho tới nhà bảo trì…