Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành 134/158 nhiệm vụ năm 2024
Sáng 22/12, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tổng kết công tác chuyên môn năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.
Theo báo cáo, năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành 134/158 nhiệm vụ được giao; 16/158 nhiệm vụ đang thực hiện; 2/158 nhiệm vụ đề nghị chuyển sang thực hiện năm 2025 do chưa bố trí nguồn kinh phí để thực hiện. Đặc biệt, trong năm, Sở đã tham mưu tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu (năm 2024) của cấp huyện; hoàn thiện và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm (2021-2025); đôn đốc tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) dự án đo đạc địa chính, đăng ký quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSD đất khu dân cư trên địa bàn 11 xã thuộc huyện Bình Lục và thành phố Phủ Lý. Thông báo kết quả kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, công trình đã xây dựng và điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 7 dự án ( Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị sinh thái và dịch vụ thương mại Lam Hạ, thành phố Phủ Lý; Dự án đầu tư dựng hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm; Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Nam thành phố Phủ Lý, tại phường Thanh Tuyền; Dự án Đầu tư xây dựng Khu trung tâm thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở thuộc khu đô thị Bắc Châu Giang, thành phố Phủ Lý; Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở phía Đông thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân (giai đoạn 2); Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2 Khu đô thị thương mại Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên; Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở đô thị tại lô đất 1.3.DT10 theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Duy Tiên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030).
Riêng về lĩnh vực cấp GCNQSDĐ, năm 2024, Sở đã thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận lần đầu 7.143 giấy; đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất 35.941 hồ sơ; đăng ký giao dịch bảo đảm 24.416 hồ sơ; đo đạc 7.719 thửa đất phục vụ cấp GCNQSDĐ, đăng ký biến động đất đai cho các hộ gia đình, cá nhân; cung cấp thông tin địa chính cho các tổ chức cá nhân được 483 lượt... Cùng với đó, công tác đo đạc, bản đồ; công tác thống kê, kiểm kê đất đai; công tác tham gia ý kiến đề xuất dự án, các đồ án quy hoạch cũng được triển khai thực hiện hiệu quả. Hiện, Sở đã thực hiện cập nhật đất nông nghiệp 31 xã lên hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai; thực hiệp cập nhật xong 115.875/138.743 thửa đất.
Năm 2024, bám sát chỉ đạo của tỉnh về công tác giao đất, định giá đất, tạo nguồn thu cho ngân sách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, sở đã thẩm định và trình UBND tỉnh quyết định 64 hồ sơ giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất với tổng diện tích là 9.984.091 m2. Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quyết định gia hạn đưa đất vào sử dụng đối với 7 dự án, diện tích 99.469 m2. Ký 61 hợp đồng thuê đất với các tổ chức kinh tế được thuê đất, đăng ký biến động. Bàn giao đất trên thực địa cho các tổ chức được UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất.
Thực hiện chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Sở đã phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; tham mưu với UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát các vị trí tham mưu với tỉnh đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản để phục vụ nhu cầu vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo; tổ chức Hội đồng thẩm định/tổ thẩm định/đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường đối với 20 dự án; cấp Giấy phép môi trường cho 24 dự án; tham gia hội đồng thẩm định/tổ thẩm định/đoàn kiểm tra cấp Giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ban quản lý các KCN tỉnh đối với 37 dự án; tổ chức Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường 46 dự án; trình phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường 44 dự án; tham gia Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với 23 dự án đầu tư; tăng cường giám sát hoạt động của các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; phối hợp với Chi cục Hải quan Hà Nam giám sát tiêu hủy phế liệu đối với 03 cơ sở; giám sát quan trắc môi trường định kỳ đối với KCN Đồng Văn II và KCN Đồng Văn II mở rộng...
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính tiếp tục được tập thể lãnh đạo sở đặc biệt quan tâm. Kết quả đánh giá CCHC năm 2024 của sở đạt 90,99 điểm, xếp thứ 8/19 sở, ngành, vượt 10 bậc so với năm 2023. Chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp xếp thứ 5/19 sở, ngành.
Năm 2025, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các lĩnh vực quản lý, gồm: Quản lý đất đai, đo đạc bản đồ, quản lý khoáng sản; bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và quan trắc; công tác thanh tra và các nhiệm vụ khác. Ngành đã đề ra những giải pháp chủ yếu: Tích cực bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch năm và các nhiệm vụ phát sinh; phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo của cá nhân, tập thể các đơn vị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm yêu cầu thực tiễn của địa phương theo hướng giảm dần thời gian giải quyết các thủ tục về đất đai, môi trường để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng biểu dương, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực và kết quả đạt được trong năm 2024 của ngành Tài nguyên và môi trường. Năm 2025, ngành cần tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, bám sát nhiệm vụ được giao… Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng chức năng, nhiệm vụ khi sát nhập để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật, nhất là Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước các lĩnh vực về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường…; giải quyết quyết liệt vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, môi trường các khu, cụm công nghiệp, môi trường vùng Tây Đáy; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính…