Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận: 'Mở lối' cho dân tra cứu thông tin đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thực hiện lùi lại 5 tháng so với kế hoạch ban đầu khiến việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Đất đai năm 2024 thuộc thẩm quyền của địa phương để có cơ sở áp dụng trên địa bàn tỉnh trở nên gấp gáp hơn. Trong khi đó, nhu cầu cần biết thông tin về đất đai trong dân cũng lên cao…Kết năm 2024, nhìn lại thấy Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, thực hiện để có kết quả mở được những lối ra.

Nằm trong top đầu toàn quốc

Trong guồng quay hối hả hoàn thành việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Đất đai 2024 theo thẩm quyền của địa phương, đến ngày 22/11/2024, Trung ương có thống kê, đánh giá. Trên bảng tổng hợp báo cáo của các địa phương về tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thì Bình Thuận nằm trong top đầu các tỉnh, thành của cả nước, khi ban hành 17 văn bản quy định 20 nội dung theo Luật Đất đai 2024 và 23 nội dung được giao trong 5 nghị định quy định chi tiết.

Đât hai bên đường Võ Nguyên Giáp, Phan Thiết. Ảnh: N.Lân

Đât hai bên đường Võ Nguyên Giáp, Phan Thiết. Ảnh: N.Lân

Tất cả các nội dung trên đều có ý nghĩa, vì bảo đảm kịp thời để triển khai những vấn đề vốn luôn nóng, từ an sinh xã hội cho đến đáp ứng những yêu cầu thiết thực khác trong cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh. Ví dụ như trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo khoản 6 Điều 16; bồi thường thiệt hại về nhà, nhà ở, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất theo khoản 4 Điều 102; bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi tại khoản 6 Điều 103; xác định diện tích đất ở khi công nhận quyền sử dụng đất tại khoản 5 Điều 141; đất ở tại nông thôn tại khoản 2 Điều 195; tách thửa đất, hợp thửa đất theo khoản 4 Điều 220... Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định 68/2024/QĐ-UBND ngày 22/12/2024 điều chỉnh Bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, áp dụng từ ngày 01/01/2025 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất.

Nhờ vậy, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh không bị ách tắt, nhưng cũng có vướng mắc nổi lên. Rõ nhất là việc triển khai Dự án Tổng thể đối với 33 xã, phường, thị trấn còn lại phải tạm dừng, vì phải điều chỉnh lại thiết kế kỹ thuật – dự toán theo quy định của Luật Đất đai năm 2024. Do đó, cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh hiện chưa đầy đủ nhưng tại địa bàn các xã, phường, thị trấn đã có cơ sở dữ liệu đất đai, người dân, doanh nghiệp có thể truy cập thông tin đất đai theo nhu cầu, khi chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh qua ứng dụng iLand Bình Thuận.

Minh bạch thông tin đất đai

Giữa cuối tháng 12/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan về công bố các ứng dụng cung cấp thông tin về đất đai trên địa bàn tỉnh. Để có kết quả này, từ tháng 10/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2193 về việc phê duyệt dự án “Xây dựng ứng dụng công bố thông tin quy hoạch sử dụng đất và tra cứu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Qua đó, xây dựng một ứng dụng phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin đầy đủ về lô đất như số tờ, số thửa hoặc tọa độ hay thông tin quy hoạch mới nhất... Đó là ứng dụng iLand Bình Thuận.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường Bình Thuận, những năm qua, hệ thống thông tin đất đai của tỉnh được quản lý, vận hành thông qua phần mềm Elis Cloud, đây là phần mềm dạng webform nên để truy cập được, bắt buộc phải có tài khoản, máy tính, đường truyền và một số phần mềm đi kèm tương đối phức tạp mà người ngoài ngành Tài nguyên và Môi trường không thể tiếp cận. Thế nên, khi muốn thực hiện tra cứu, kiểm tra, người dân, doanh nghiệp phải đến hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai gây mất thời gian, công sức…

Còn bây giờ, qua ứng dụng iLand Bình Thuận, người dân, doanh nghiệp và du khách có thể dễ dàng tra cứu thông tin về đất đai trên điện thoại thông minh, trên ứng dụng web. Điều rất quan trọng là cơ sở dữ liệu được truy xuất trực tiếp đến cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn toàn tỉnh Bình Thuận thông qua Internet nên đảm bảo tính đồng bộ nguồn dữ liệu

Ông Trần Nguyên Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho biết, thời gian tới sẽ chỉ đạo hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai làm sạch, làm giàu cơ sở dữ liệu, đảm bảo nguyên tắc hệ thống cơ sở dữ liệu luôn “Đúng, đủ, sạch, sống”. Song song đó, sẽ tiếp tục bổ sung thêm nhiều tính năng mới như: tiếp tục tích hợp nhiều ứng dụng như công bố các khu đất đấu giá; danh sách các khu đất công; phản hồi sai phạm đất đai… Hy vọng iLand Bình Thuận sẽ trở thành một công cụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Qua iLand Bình Thuận, người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin về sổ đỏ, quy hoạch đất đai, tình trạng pháp lý của các khu đất. Ngoài ra, có thể đăng nhập tài khoản để tra cứu nhanh thông tin thửa đất gồm tờ, thửa, diện tích, loại đất, tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất; định vị trí thửa đất trên bản đồ khi đi ra ngoài thực địa trên địa bàn Bình Thuận; tìm đường đi tới thửa đất trực tiếp trên iLand Bình Thuận hoặc chuyển qua ứng dụng bản đồ khác…

NAM LONG

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/so-tai-nguyen-va-moi-truong-binh-thuan-mo-loi-cho-dan-tra-cuu-thong-tin-dat-dai-127439.html
Zalo