Sổ Sức khỏe điện tử - Bức tranh tổng thể về sức khỏe của mỗi người

Sổ sức khỏe điện tử sẽ là một bức tranh tổng thể gồm thông tin hành chính, tiền sử như dị ứng, bệnh tật, tiêm chủng... Người dân mỗi lần đi khám, chữa bệnh sẽ được nhập các thông tin như khám chữa bệnh ở nơi nào, triệu chứng ra sao, mã chẩn đoán là gì...

Như Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, chiều 2/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nêu rõ, việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử có ý nghĩa rất lớn với sức khỏe người dân và ngành y tế. Chính vì vậy trong hai năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Y tế cố gắng tối đa cũng như tích cực phối hợp với Bộ Công an, BHXH Việt Nam và UBND TP Hà Nội để triển khai.

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức cho biết, Bộ Y tế đã ban hành các Quyết định 4026/QĐ-BYT thí điểm 48 trường thông tin trên địa bàn Hà Nội. Sau 6 tháng triển khai, TP Hà Nội đã thí điểm thành công.

Có được kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của các ban ngành UBND TP Hà Nội, sự chỉ đạo quyết liệt của Tổ công tác 06. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt của Cục C06 Bộ Công an, các quyết định chính xác của Bộ Y tế, sự phối hợp hỗ trợ tận tình của BHXH Việt Nam và các ban ngành khác.

"Sau khi thí điểm thành công, Bộ Y tế đã điều chỉnh và ban hành Quyết định số 1332/QĐ-BYT ngày 21/5/2024 về Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Tổng số có 46 trường thông tin cơ bản, bao trùm các thông tin cần thiết để biết về tình hình sức khỏe, khám chữa bệnh của mỗi người"- Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Bức tranh tổng thể về sức khỏe của mỗi người sẽ được tích hợp trên Sổ Sức khỏe điện tử.

Bức tranh tổng thể về sức khỏe của mỗi người sẽ được tích hợp trên Sổ Sức khỏe điện tử.

Bức tranh tổng thể về sức khỏe của mỗi người

Sổ sức khỏe điện tử gồm thông tin hành chính, tiền sử như dị ứng, bệnh tật trước đây và tiền sử về phòng bệnh như tiêm chủng. Người dân khi đi khám, chữa bệnh thì mỗi lượt sẽ được nhập các thông tin như khám chữa bệnh ở nơi nào, triệu chứng ra sao, mã chẩn đoán là gì... Trong đợt khám đó các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp, nội soi, siêu âm… có giá trị cũng sẽ được nhập. Phương pháp điều trị như thế nào, dùng thuốc gì và tóm tắt kết quả điều trị cũng sẽ được nhập.

"Như vậy bức tranh tổng thể về sức khỏe của mỗi người và mỗi đợt điều trị sẽ được thu thập những thông tin cơ bản nhất. Đặc biệt còn tích hợp được giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn tái khám trên ứng dụng VNeID giúp người dân rất thuận lợi khi được chuyển lên tuyến trên"- Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nói.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Y tế, nếu chỉ nhập và lưu trữ thông tin thì ý nghĩa đối với đời sống chúng ta sẽ còn giới hạn. Quan trọng là dữ liệu này được cập nhật, khai thác, sử dụng như thế nào thì mới đem lại hiệu quả.

"Để các địa phương triển khai tốt, Bộ Y tế đã gấp rút xây dựng và ban hành được một văn bản rất quan trọng là QĐ số 2733/QĐ-BYT ngày 17/9/2024 vừa mới đây hướng dẫn thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID. Qua theo dõi thấy nhiều địa phương đã triển khai ngay hướng dẫn này. Bộ Y tế rất trân trọng các ý kiến phản hồi tích cực của các địa phương"- Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức bày tỏ.

Ngoài ra, khi các thông tin sức khỏe của mỗi người dân đều được thể hiện trên Sổ sức khỏe điện tử sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách có được cơ sở dữ liệu lớn, chính xác, giúp phân tích, bàn luận và đưa ra các chính sách phù hợp hơn, hiệu quả hơn trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ hy vọng, chỉ trong thời gian không xa, Sổ sức khỏe điện tử sẽ được triển khai rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, giúp cho nhiều xã đạt tiêu chí nông thôn mới, giúp cho người dân thuận tiện trong khám, chữa bệnh, chuyển viện, tái khám, tra cứu lịch sử, biết tình trạng sức khỏe của mình, phòng tránh bệnh tật và nhiều tiện ích lớn khác nữa...

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ. Ảnh: Nhật Bắc

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ. Ảnh: Nhật Bắc

Tham luận tại hội nghị này, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ thông tin, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và tiến tới bệnh án điện tử sẽ mang lại hiệu quả, tác động rất to lớn.

Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai ước tính mỗi năm cần 50 tỷ đồng để mua phim cho chiếu chụp, vừa tốn kém, ảnh hưởng môi trường, khó lưu giữ lâu. Ngoài ra, với Sổ sức khỏe điện tử, các bệnh viện có thể căn cứ dữ liệu liên thông để đưa ra các quyết định như bệnh nhân có cần chuyển tuyến không.

Mặt khác, nguồn dữ liệu của các bệnh viện tuyến đầu cả nước là rất lớn, nhưng hiện lưu trữ giấy nên rất khó ứng dụng vào nghiên cứu.

"Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá các bệnh viện lớn của Việt Nam như Bạch Mai đang nằm trên kho dữ liệu, nhưng là dữ liệu chết, phải số hóa để làm sống lại khu dữ liệu đó. Làm được điều này, sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng để ngành y Việt Nam có những nghiên cứu công bố quốc tế"- ông Cơ nói.

Giám đốc cho biết Bệnh viện Bạch Mai muốn tiến tới thí điểm bệnh án điện tử và nếu thành công sẽ hướng dẫn các bệnh viện khác.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/so-suc-khoe-dien-tu-buc-tranh-tong-the-ve-suc-khoe-cua-moi-nguoi-16924100222532675.htm
Zalo