So sánh học phí ngành Hải dương học tại 2 Trường Đại học Khoa học tự nhiên

Tại Việt Nam mới có 2 cơ sở đào tạo đại học hệ chính quy ngành Hải dương học, thuộc hai trường Đại học Quốc gia.

Ngành Hải dương học là một nhánh của các Khoa học về Trái Đất nghiên cứu về đại dương. Tại Việt Nam mới có 2 cơ sở đào tạo đại học hệ chính quy mã ngành Hải dương học, là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Theo phần giới thiệu ngành này của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có nêu, hải dương bao gồm nhiều chủ đề như sinh vật biển và động học sinh thái; hải lưu, sóng biển, và động lực chất lỏng; kiến tạo mảng và địa chất đáy biển; và thông lượng của nhiều chất hóa học và tính chất vật lý trong đại dương và các ranh giới mà nó vận chuyển qua.

Những nội dung này phản ánh mối liên hệ đa ngành mà các nhà hải dương học cần kết hợp nhiều kiến thức về đại dương và có sự hiểu biết về các quá trình diễn ra bên trong nó như: sinh học, hóa học, địa chất học, khí tượng học, và vật lý học cũng như địa lý.

 Sinh viên ngành Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đi thực tập trên biển. Ảnh: NTCC

Sinh viên ngành Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đi thực tập trên biển. Ảnh: NTCC

Các nhà hải dương học thực hiện các nghiên cứu về đại dương. Họ nghiên cứu về các nguồn tài nguyên, các loại đất và các tầng đất cát, quần thể động vật và thực vật. Mục đích của họ rất đa dạng: nghiên cứu về nguồn gốc sự sống, phòng chống động đất, tìm kiếm phương pháp điều trị bệnh…

Công việc của một nhà hải dương học liên quan đến nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng. Họ tập trung vào môi trường ven biển bằng cách quan sát và giám sát sự ô nhiễm hóa chất. Họ quản lý tài nguyên liên quan việc đánh bắt cá và nghiên cứu hệ sinh thái hoặc phân phối các loài trong vùng biển.

Nhà hải dương học làm nghiên cứu về lĩnh vực dầu mỏ và đảm bảo rằng các hình thái dưới biển được bảo tồn. Cuối cùng, sự phát triển ngày càng tăng của các liệu pháp biển cho phép các nhà khoa học tiến hành các nghiên cứu về đại dương nhằm phục vụ cho mục đích y tế, dược học.

Đây là lĩnh vực nghiên cứu đa ngành, liên quan đến toán học, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học về địa chất và môi trường, phục vụ trực tiếp cho các lĩnh vực: giao thông vận tải biển, công nghiệp dầu khí, đánh bắt hải sản, xây dựng công trình biển, kiểm soát và bảo vệ môi trường biển, kinh tế - sinh thái và quản lý biển, đảm bảo thông tin khí tượng hải văn cho các hoạt động kinh tế, quốc phòng trên biển [1].

Về mục tiêu đào tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có viết: “Đào tạo cử nhân Hải dương học có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe tốt và những kiến thức cốt lõi về khoa học cơ bản, kiến thức chuyên nghiệp chủ yếu của Ngành hải dương và ngoại ngữ để làm việc tại các cơ quan nghiên cứu biển, giảng dạy chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước về biển, các doanh nghiệp, dịch vụ, nghiên cứu, tư vấn trong các lĩnh vực liên quan tới biển".

Cũng theo nhà trường, sau khi tốt nghiệp sinh viên có đủ năng lực của một cử nhân ngành Hải dương học có thể làm việc tại các Viện nghiên cứu, các Trung tâm dự báo và các Đài, Trạm Khí tượng - Thủy văn - Hải văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các Sở, Ban, Ngành chức năng của các tỉnh trong cả nước, phục vụ các ngành kinh tế, xã hội và quốc phòng. Sinh viên tốt nghiệp có đủ khả năng để tiếp tục được đào tạo các bậc sau đại học. [2].

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm học 2025 - 2026, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minhdự kiến tuyển sinh qua 3 phương thức: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả thi trung học phổ thông. Còn Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chưa công bố phương thức xét tuyển năm 2025.

Về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp, năm 2024, Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ công bố thống kê chung khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) có tỷ lệ việc làm là 84.7%.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm của ngành Hải dương học là 66.67%.

Ngành Hải dương học của Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có mức học phí năm học 2024 - 2025 là 1.520.000 đồng/tháng (tương đương hơn 15 triệu đồng/năm).

Theo lộ trình tăng học phí đại học tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, năm học 2025 - 2026, mức trần học phí của ngành là 1.710.000 đồng/tháng (tương đương hơn 17 triệu/năm đồng); năm học 2026 - 2027 là 1.930.000 đồng/tháng (tương đương hơn 19 triệu đồng/năm).

 Mức học phí năm học 2024-2025 của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.

Mức học phí năm học 2024-2025 của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.

Trong khi đó, ngành Hải dương học của Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có học phí năm học 2024 - 2025 là 24.700.000 đồng, sau đó tăng dần theo lộ trình từng năm. Ngành Hải dương học có mức học phí thấp so với các ngành khoa học khác.

 Mức học phí của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình.

Mức học phí của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình.

[4]https://giaoduc.net.vn/nganh-cntt-dat-100-chi-tieu-nganh-hai-duong-hoc-dia-chat-khong-tuyen-duoc-sv-post233314.gd

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/so-sanh-hoc-phi-nganh-hai-duong-hoc-tai-2-truong-dai-hoc-khoa-hoc-tu-nhien-post247445.gd
Zalo