Số phận các game show
Sự đổ bộ của hơn 100 anh trai, chị đẹp trong 2023-2024 tạo sự sôi động cho thị trường truyền hình thực tế. Tuy nhiên, chưa ai dám chắc số phận của game show khi thị hiếu khán giả thay đổi liên tục.
Từ việc dừng sản xuất Anh trai, Chị đẹp năm 2025
Sau gần chục năm bội thực với hàng loạt game show na ná trên sóng truyền hình, sự xuất hiện của Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, Anh trai say hi cho đến Anh trai vượt ngàn chông gai thành công níu chân khán giả.
Chưa bao giờ thị trường game show tác động mạnh đến giới giải trí như hiện tại. Trong năm 2024, cơn sốt Anh trai chông gai vực dậy tên tuổi hàng loạt nghệ sĩ gần như mất hút khỏi bản đồ showbiz. Trong khi đó, Anh trai say hi thành công đưa dàn anh trai "hát mãi không nổi" vụt sáng, kín lịch chạy show dịp Tết.
Game show dù hot đến mấy, phần lớn không thoát khỏi quy luật thị trường là chỉ hot được mùa một. Từng được chuyên gia nhận định là show vực dậy thị trường truyền hình thực tế nhiều năm bội thực game show, Chị đẹp đạp gió không duy trì được độ hot.
Từ những ca sĩ gạo cội như Phương Thanh, Ngọc Ánh cho đến sao nữ đông fan như Tóc Tiên, Minh Hằng... Chị đẹp mùa 2 lép vế với mùa một, từ lượng tương tác, độ thảo luận của khán giả.
Không phủ nhận tài năng của các chị đẹp mùa hai, sự đầu tư của chương trình, nhưng khán giả bắt đầu chán "món ăn" cũ. Show đạp gió mùa 2 đi theo hướng "chị ngã em nâng", chị em tương trợ giống show Anh trai. Ê-kíp vô tình đánh mất sự hấp dẫn của show toàn nữ giới, điều mà khán giả đặc biệt ấn tượng với mùa một.
Tại buổi tổng kết cuối năm, đại diện nhà sản xuất chương trình tạm gọi là hot nhất 2024 thông báo tạm dừng sản xuất Anh trai và Chị đẹp. Đơn vị này tập trung vào dự án mới được mua bản quyền từ nước ngoài.
Rút kinh nghiệm từ sự thụt lùi của Chị đẹp mùa 2, nhà sản xuất tạm dừng khai thác tài nguyên Anh trai. Đây là nước đi vừa giữ danh tiếng chương trình, giúp công ty khai thác triệt để tiềm năng của 33 anh tài.
Một người hâm mộ lớn của Anh trai chông gai chia sẻ với Tiền Phong rằng họ không thiết tha xem mùa 2, nếu có. "Kiếm được 30 nghệ sĩ nam tham gia đã khó, vượt qua những cái bóng như NSND Tự Long, Bằng Kiều, Soobin, BB Trần... càng không thể. Khán giả như tôi lại ấn tượng quá mạnh với dàn cast mùa một, không dễ để tiếp nhận thêm 33 anh tài nữa", người này nói.
Khán giả này cũng cho rằng đội hình 33 anh tài cứ giữ nguyên, đủ sức bán vé concert. Thực tế, nếu học hỏi mô hình của nghệ sĩ nước ngoài (tiêu biểu là Taylor Swift, ca sĩ nữ luôn tạo bất ngờ khi mang những bản nhạc hoàn toàn mới ở các concert), các anh trai vẫn giúp nhà sản xuất kiếm được tiền, không mạo hiểm, bất chấp rủi ro thực hiện mùa hai.
"Show nào hot bằng Rap Việt?", câu nói chuẩn từ bốn năm trước, nhưng đã lỗi thời.
Rap Việt dù hot, là bàn đạp giúp rapper hoạt động underground trở thành người của công chúng không thoát được quy luật khắc nghiệt của thị trường game show.
Từ game show thống lĩnh Top Trending lúc mới ra mắt, sức hút Rap Việt giảm dần. Chương trình mùa bốn thậm chí bị chính "gà nhà" là Anh trai say hi đè bẹp. Nguồn thí sinh eo hẹp, huấn luyện viên, giám khảo nhẵn mặt khiến Rap Việt tụt hậu so với cơn sốt Anh trai.
Nhìn lại thị trường game show từ lúc manh nha, trải qua thời hoàng kim và rơi vào thoái trào, chưa có chương trình nào đủ sức đi đường dài. Từng có một thời huy hoàng trên sóng truyền hình, loạt chương trình như The Voice, Vietnam's Next Top Model (7 mùa), game show hài Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm dần mất hút.
Vừa qua, nhà sản xuất Bước nhảy hoàn vũ thử nghiệm đưa chương trình từng "làm mưa làm gió những năm 2010" trở lại. Dù nỗ lực thay đổi format, mời nghệ sĩ nổi tiếng tham gia, game show chưa thực sự bùng nổ.
Một chuyên gia nhận định khó trách nhà sản xuất Rap Việt, Chị đẹp hay nhiều chương trình khác. Họ vẫn đảm bảo sự chỉn chu trong khâu tổ chức, hình ảnh. Tuy nhiên, ê-kíp không đủ khả năng kiểm soát gu của khán giả, nhất là fan show giải trí luôn tò mò với những thứ mới lạ.
Nhưng game show về kiến thức vẫn sống?
Chậm mà chắc là nhận định chung của nhiều người khi nói về sự bền bỉ của game show thiên về kiến thức như Ai là triệu phú, Đường lên đỉnh Olympia.
Không có (hoặc rất ít) nghệ sĩ tham gia, Ai là triệu phú vẫn sống đến 20 năm. Trong khi chương trình hoàn toàn dành cho sinh viên tiến vào năm thứ 25.
Sự nhất quán trong format, cân bằng vừa phải giữa tính giải trí và giá trị kiến thức là cứu cánh của hai chương trình lâu đời trên sóng truyền hình.
Hiện, rất ít chương trình thuần trí thức làm được điều này. Khán giả vẫn có nhu cầu xem show bổ sung kiến thức bên cạnh việc xả stress từ chương trình giải trí.
Gần đây, VTV sản xuất Vũ trụ đồng tiền, với mô tả là chương trình thực tế đầu tiên tại Việt Nam về giáo dục tài chính kết hợp giải trí cho sinh viên.
Phía nhà sản xuất khẳng định họ bám sát sứ mệnh trong đề án của Chính phủ về nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Chương trình tạo thị trường khán giả riêng với ý tưởng hợp tác cùng Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng cục Thuế, công ty chứng khoán lâu đời nhất Việt Nam và chuyên gia đầu ngành.
Format của Vũ trụ đồng tiền xoay quanh cách kiếm, tiêu, tích lũy, đầu tư và bảo toàn dòng tiền. Đây cũng là lần đầu khán giả xem game show học được khả năng quản lý tài chính, chi tiêu cá nhân thông qua quá trình thi thố của người chơi.
BTV Dương Ngọc Trinh, đại diện đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất chương trình, cho rằng game show nỗ lực mang kiến thức hữu ích về tiền tệ đến người trẻ, góp phần làm thay đổi tư duy người trẻ.
Đơn vị sản xuất cho rằng họ là lính mới, không "đủ tầm" để đọ với Ai là triệu phú, Đường lên đỉnh Olympia. Tuy nhiên, thành tích Top 1 rating toàn quốc, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM trong khung giờ phát sóng 14-17h (số liệu từ Kantar Media) giúp chương trình có thêm động lực.
Mùa đầu tiên của Vũ trụ đồng tiền kết thúc với sự tham gia của 25.000 người trẻ từ 27 đại học, cao đẳng toàn quốc cho thấy game show thuần kiến thức vẫn có sức hút riêng. Còn quá sớm để đánh giá sự thành công của chương trình, nhưng số liệu cho thấy show kiến thức có lối đi riêng khi so với game show giải trí.