Sở Nội vụ hướng dẫn tiêu chí khi sáp nhập cấp xã tại TP.HCM
Sở Nội vụ TP.HCM đề nghị UBND quận 1 cân nhắc có một ĐVHC cấp xã mới tên là Sài Gòn, quận 5 có ĐVHC tên Chợ Lớn.
Sở Nội vụ TP.HCM vừa có văn bản gửi TP Thủ Đức và 22 quận, huyện về triển khai xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) phường, xã theo Kết luận 127, 137 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Trong đó, Sở Nội vụ có thông tin về nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn phải đảm bảo khi xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Nguyên tắc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã phải tính đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bổ và tổ chức các không gian kinh tế... Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Nguyên tắc sắp xếp cấp xã
Theo Sở Nội vụ, về nguyên tắc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã phải tính đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bổ và tổ chức các không gian kinh tế nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của ĐVHC sau sắp xếp.
Đồng thời, giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc của mỗi địa phương; bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư.
“Lựa chọn phương án để xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, bảo đảm giảm khoảng 60% đến 70% tổng số ĐVHC cấp xã trước sắp xếp trên địa bàn, phù hợp với đặc điểm của địa phương” – Sở Nội vụ nhấn mạnh.
Theo Sở Nội vụ, về quy mô dân số của ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp bao gồm dân số thường trú và dân số tạm trú do cơ quan công an có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Số liệu làm cơ sở cho việc sắp xếp ĐVHC được tính đến thời điểm ngày 31-12-2024.
Việc đặt tên đối với ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ.
“Tên của ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp không được trùng với tên của ĐVHC cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, TP trực thuộc trung ương hoặc phạm vi tỉnh, TP trực thuộc trung ương dự kiến hình thành theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt” – văn bản nêu rõ.
Sở Nội vụ cũng khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các ĐVHC trước khi sắp xếp; tên gọi của ĐVHC có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.
Cân nhắc có phường Sài Gòn, Chợ Lớn
Nói rõ hơn về việc đặt tên đối với ĐVHC cấp xã mới, Sở Nội vụ đề nghị UBND quận 1 cân nhắc có một ĐVHC mới tên Sài Gòn, quận 5 có ĐVHC tên Chợ Lớn. Quận Tân Bình và huyện Củ Chi cân nhắc việc đặt tên ĐVHC mới gắn với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và sử dụng các tên của xã, thị trấn hiện hữu trước khi sắp xếp.
Về tên gọi của các ĐVHC cấp xã mới đang dự kiến lấy tên của các nhân vật lịch sử, Sở Nội vụ đề nghị các đơn vị xem xét, cân nhắc, nghiên cứu trước khi thực hiện lấy ý kiến người dân. Chẳng hạn như phường Võ Thị Sáu, Lê Văn Sĩ ở quận 3 và phường Nguyễn Tri Phương ở quận 10.
Về việc điều chỉnh ranh địa giới hành chính để hoàn chỉnh sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp xã mới, có thể thực hiện đối với các đơn vị cảm thấy cấp thiết cần điều chỉnh, mở rộng để hoàn chỉnh quy hoạch, phát triển trong tương lai.