Số người học nghề ở TPHCM tăng

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TPHCM, trong 7 tháng đầu năm 2024, các hệ đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tuyển mới 134.151 người học, tăng 12% so với cùng kỳ.

Thông tin do ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp - Sở LĐTB&XH TPHCM cho biết tại buổi sơ kết công tác 7 tháng đầu năm và định hướng công tác 5 tháng cuối năm 2024 lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM trao đổi tại hội nghị

Lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM trao đổi tại hội nghị

Theo ông Thành, hiện TPHCM có 380 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 62 trường cao đẳng, 60 trường trung cấp, 22 Trung tâm GDNN-GDTX, 55 Trung tâm GDNN, 181 doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Về quy mô đào tạo, các trình độ giáo dục nghề nghiệp hiện nay khoảng 430.690 người học (trình độ cao đẳng: 194.310 người học; trung cấp: 131.358 người học; sơ cấp: 105.022 người học). Tổng số lao động đã qua đào tạo đến tháng 7/2024 là 4.312.342/4.905.886 người, đạt tỉ lệ 87,90%, tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2023.

Về tuyển sinh, ông Thành cho hay, các hệ đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tính đến 30/6 tuyển mới 134.151 người học, tăng 12% (năm 2023 96.328 người học). Trong đó, trình độ cao đẳng: 4.624 người; trình độ trung cấp: 3.821 người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng: 125.706/250.000 người.

Mặc dù tổng thể kết quả tuyển sinh các hệ đào tạo tăng nhưng theo ông Thành, các nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng chiếm tỉ trọng lớn, các trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỉ trọng thấp.

Sinh viên Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn trong giờ học thực hành

Sinh viên Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn trong giờ học thực hành

Nguyên nhân được ông Thành chỉ ra là trong thời gian 7 tháng đầu năm là thời điểm tuyển sinh của các trường đại học, các trường trung học phổ thông ngoài công lập nên việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị cạnh tranh và kết quả tuyển sinh các trình độ cao đẳng, trung cấp thấp là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, thông tin của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT nên học sinh tốt nghiệp THPT và phụ huynh không có điều kiện để tiếp cận, tìm hiểu hoặc tạo ra tâm lý băn khoăn về chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

“Mặt khác, còn có đơn vị thực hiện công tác tuyển sinh không hiệu quả, chưa thu hút người học; công tác theo dõi, đánh giá hiệu quả sau đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa tốt; Tình hình đội ngũ người lao động, nhân viên các bộ phận theo dõi, quản lý quá trình đào tạo tại các cơ sở còn nhiều biến động, nhất là ở các trường tư thục nên dẫn đến còn để xảy ra thiếu sót, sai phạm trong việc tổ chức quá trình đào tạo như: thi hộ; kỷ luật người học không đúng quy trình; phân công khối lượng giảng dạy cho nhà giáo vượt định mức quy định; không đảm bảo quy trình biên soạn, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo…”, ông Thành phân tích.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chia sẻ những khó khăn và thách thức trong quá trình tuyển sinh, đặc biệt là sự khác biệt giữa hai hệ thống (đại học thuộc bộ GD&ĐT, trường cao đẳng, trường nghề thuộc Bộ LĐTB&XH) nên chưa thống nhất. Đặc biệt là sau khi được tự chủ, nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu đột biến, hút hết nguồn tuyển của các trường cao đẳng, trung cấp, trường nghề…

Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/so-nguoi-hoc-nghe-o-tphcm-tang-post1662459.tpo
Zalo