Số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao không quá 27 người là phù hợp
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, chiều 19-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành về việc cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, trong đó có quy định tổ chức mô hình Viện Kiểm sát nhân dân 3 cấp; bỏ Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện.
Góp ý thêm vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, trong dự thảo Luật quy định Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân khu vực do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Với quy định này, kiến nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét trách nhiệm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý cán bộ. Bởi, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là cơ quan theo dõi, đánh giá trực tiếp đội ngũ cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân khu vực.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu thảo luận. Ảnh Quochoi.vn
“Vì vậy, trong quá trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân khu vực cần xem xét đến trách nhiệm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh”, đại biểu Việt Nga bày tỏ.
Cũng quan tâm đến quy định tại dự thảo luật về nhiệm vụ, quyền hạn bổ nhiệm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định việc bổ nhiệm Viện trưởng và Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân khu vực phải được thống nhất ý kiến của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng cấp nhằm bảo đảm thống nhất về quy trình thực hiện công tác cán bộ theo quy định.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nhìn nhận, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho kiểm sát viên cần quy định chặt chẽ, tránh bố trí vào các việc làm công tác văn phòng, tài chính, kế toán, tổ chức cán bộ...; và cần giao cho Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quy định cụ thể cho ngạch “kiểm sát viên khác”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu thảo luận. Ảnh Quochoi.vn
Về tuyển chọn kiểm sát viên, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình việc dự thảo luật quy định bỏ thi ngạch kiểm sát viên và chỉ quy định kiểm sát viên lần đầu là qua kỳ thi tuyển. Thực tế trong thời gian qua, việc thi tuyển ngạch kiểm sát viên rất tốn kém và hầu hết các kỳ thi không thấy ai trượt nên bỏ đi là cần thiết.
Trong khi đó, hầu hết các đại biểu đều tán thành về số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quy định tại dự thảo luật là không quá 27 người.
Đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc) phân tích, theo chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng và Nhà nước, dự thảo luật quy định không tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, công việc của cơ quan này chuyển lên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, do vậy, việc tăng số lượng kiểm sát viên tương ứng như trong dự thảo luật là phù hợp.
Đại biểu Lê Tất Hiếu cũng góp ý cần thiết phải bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng cho Viện Kiểm sát nhân dân là rất cần thiết.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh Quochoi.vn
Thay mặt cơ quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến đã tiếp thu các ý kiến và giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và công tác tuyển chọn kiểm sát viên; bổ nhiệm các chức danh Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao...
* Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Nghị quyết quy định việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công khi không có người khởi kiện. Nghị quyết áp dụng đối với các đối tượng sau đây: Viện Kiểm sát nhân dân, người tiến hành tố tụng thuộc Viện Kiểm sát thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn để khởi kiện vụ án dân sự công ích; Tòa án nhân dân, người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án dân sự công ích theo quy định tại Nghị quyết này; người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự công ích; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan...