Số lượng bò sữa bị chết tại Lâm Đồng tiếp tục tăng cao

Hơn 10 ngày xuất hiện bệnh tiêu chảy, sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục, tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận ít nhất 193 con bò sữa bị chết, số bò bị bệnh cũng vượt 4.400 con.

Theo ghi nhận, dù người dân đã làm nhiều biện pháp để cứu chữa những con bò bị bệnh nhưng số lượng bò suy giảm sức khỏe, bỏ ăn vẫn tăng mạnh trong những ngày qua.

 Người dân đưa bò sữa bị chết đi tiêu hủy trên địa bàn xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng

Người dân đưa bò sữa bị chết đi tiêu hủy trên địa bàn xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng

Đến chiều ngày 10-8, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng đã công bố phác đồ điều trị, hướng dẫn chăm sóc, điều trị bệnh tiêu chảy trên bò sữa, trong đó ngành chức năng khuyến cáo người dân dùng các loại thuốc tăng cường sức đề kháng, trợ tim, trợ lực Vitamin C, tiêm Vitamin tổng hợp để bổ sung cho bò, bê đã được tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục hoặc các vaccine khác trước đó.

 Những con bò sữa sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục lần lượt bị chết sau vài ngày

Những con bò sữa sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục lần lượt bị chết sau vài ngày

Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã đến Lâm Đồng kiểm tra, chỉ đạo phòng chống bệnh tiêu chảy tại huyện Đức Trọng và Đơn Dương. Tại đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan trung ương cùng địa phương nhanh chóng triển khai mọi giải pháp để cứu chữa gia súc bị tiêu chảy, hạn chế thấp nhất thiệt hại cũng như tránh để bệnh lan rộng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời nhanh chóng xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bò bị tiêu chảy hàng loạt. Trong đó, cần xác định nguyên nhân chính, nguyên nhân phụ để làm cơ sở đền bù hoặc hỗ trợ thiệt hại sau này.

Để đảm bảo tính chính xác, cơ quan chuyên môn cần lấy thêm mẫu xét nghiệm đối với bò đang còn khỏe, bò chưa tiêm vaccine viêm da nổi cục, bò đã tiêm nhưng chưa chết… Sau khi có kết luận chính thức, Bộ NN-PTNT sẽ công bố nguyên nhân.

 Số lượng bò sữa tại Lâm Đồng bị chết tăng cao khiến người dân lo lắng

Số lượng bò sữa tại Lâm Đồng bị chết tăng cao khiến người dân lo lắng

Như Báo SGGP thông tin, từ cuối tháng 7-2024, sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục NAVET-LPVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO (trụ sở tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) được khoảng 7-10 ngày, những con bò sữa đầu tiên tại hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng bắt đầu bỏ ăn, giảm sữa, sức khỏe giảm rồi lần lượt chết. Người dân phản ánh, những con bò dù nuôi chung một chuồng (chưa đủ tuổi tiêm) nhưng không tiêm loại vaccine này đều bình thường.

UBND tỉnh Lâm Đồng sau đó đã chỉ đạo hỏa tốc các địa phương kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm dịch giết mổ, không để xảy ra tình trạng bán chạy, vận chuyển gia súc bị bệnh hoặc giết mổ gia súc bị bệnh trên địa bàn có dịch bệnh.

Được biết, ngày 4-5-2024, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mua vaccine, hóa chất phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với tổng giá trị gói thầu 13,6 tỷ đồng do liên danh Navetco (Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương Navetco) - Amavet (Công ty Cổ phần kinh doanh Thuốc Thú Y Amavet) - IVRD (Phân viện Thú y miền Trung) - Vetvaco (Công ty Cổ phần Thuốc Thú Y Trung ương Vetvaco) - Cenpharco (Công ty Cổ phần Hóa dược Trung ương) trúng thầu.

Gói thầu gồm các loại vaccine phòng bệnh lở mồm long móng trâu bò; vaccine phòng bệnh tụ huyết trùng trâu, bò; vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trâu, bò; vaccine phòng bệnh lở mồm long móng lợn; vaccine phòng bệnh cúm gia cầm; vaccine phòng bệnh dại chó, mèo.

Trong số đó, tỉnh Lâm Đồng triển khai tiêm miễn phí vaccine NAVET-LPVAC cho hơn 30.000 con (có khoảng 10.000 bò sữa) trên địa bàn.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/so-luong-bo-sua-bi-chet-tai-lam-dong-tiep-tuc-tang-cao-post753584.html
Zalo