Số liệu đáng chú ý về người nhập cư tại TP HCM, Đồng Nai

Trong một hội thảo khoa học vừa được tổ chức tại TP HCM, đại diện Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP đã đưa ra một nhận xét vô cùng đáng lưu ý: 'TP HCM không còn là điểm đến lý tưởng của người nhập cư từ các tỉnh, thành'.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đại diện Chi cục dẫn số liệu cho thấy bắt đầu từ 2021, sau đại dịch COVID-19, lần đầu tiên TP HCM chứng kiến số lượng suy giảm về người nhập cư. Năm 2023, số lượng người nhập cư chỉ còn 0,67%, lần đầu tiên tỉ lệ phát triển dân số cơ học thấp hơn tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên. Những năm trước đó, như 2022, hai tỉ lệ này đã ngang bằng nhau là 0,7%.

Năm 2020, tỉ lệ phát triển dân số cơ học của TP là 1,7%, trung bình đón nhận gần 170.000 - 180.000 dân nhập cư. Nhưng đến 2023, số lượng người nhập cư chỉ khoảng 65.000 người.

Cùng thời điểm, xu hướng tương tự cũng diễn ra ở địa phương sát cạnh TP HCM là Đồng Nai, địa phương được mệnh danh “thủ phủ công nghiệp”, có số lao động ngoại tỉnh chiếm khoảng 60% trong tổng số 1,3 triệu lao động. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, từ sau đại dịch COVID-19, khoảng 50.000 - 60.000 lao động ở Đồng Nai đã đi về quê ở các tỉnh. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tỉ suất di cư thuần (phản ánh tình trạng nhập cư của dân số vào một đơn vị lãnh thổ) của Đồng Nai cũng giảm dần trong những năm gần đây.

Những số liệu trên cho thấy rõ ràng TP HCM, Đồng Nai… không còn là “điểm đến lý tưởng” của người nhập cư. Nhưng đứng ở một góc độ khác, danh hiệu “điểm đến lý tưởng” lại có hai mặt của một vấn đề.

Các đô thị lớn như TP HCM, Đồng Nai… người đã quá đông, đất đã quá chật, thậm chí ở một số lĩnh vực không còn dư địa phát triển. Sự thay đổi của khoa học kỹ thuật kéo theo yêu cầu thay đổi với các nhà máy doanh nghiệp, “nhân công giá rẻ” không còn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Sức ép cuộc sống lên những người nhập cư ngày càng lớn, từ thu nhập ra sao, ăn ở thế nào, con cái học ở đâu… kéo theo áp lực lên chính quyền địa phương trong quản lý xã hội ngày càng nhiều nhân khẩu, nhu cầu về hạ tầng cơ sở điện - đường - trường - trạm ngày càng lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường và kẹt xe ngày càng trầm trọng… Trước thực tế đó, bản thân những người có ý định di cư đến các đô thị lớn để lập nghiệp, cũng cân nhắc nhiều hơn trước khi ra quyết định.

Đứng ở góc độ vĩ mô, những số liệu trên cho thấy những chủ trương, chính sách vĩ mô của Đảng và Nhà nước đã phát huy hiệu quả rõ ràng. Đó là chính sách xuất khẩu lao động; là chủ trương phát triển thế mạnh của các địa phương tạo ra nhiều việc làm, nhiều khu công nghiệp ngay tại các tỉnh, thành…

Không còn là “điểm đến lý tưởng” của người nhập cư, cũng là một cơ hội để TP HCM, Đồng Nai… phát triển lên một tầm cao mới. Đó là tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân về đời sống vật chất, chất lượng giáo dục, chế độ chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần, môi trường, văn hóa văn minh; dồn nguồn lực phát triển kinh tế vào những lĩnh vực mới; cải thiện hệ thống hạ tầng…

Trên đất nước mình đâu cũng là quê hương, người lao động có thể đi đến bất cứ đâu để sinh sống, làm việc; nhưng điều tốt nhất là tạo ra các nền tảng, cơ hội để người lao động có thể làm việc ở gần nhà mình nhất, có điều kiện làm việc và kiếm tiền hợp pháp đúng theo khả năng của mình; có thể “ly nông mà không ly hương”. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đồng đều tất cả các tỉnh, thành, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên mọi miền đất nước.

Huỳnh Ngọc Hiếu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/so-lieu-dang-chu-y-ve-nguoi-nhap-cu-tai-tp-hcm-dong-nai-post528822.html
Zalo