Số liệu đáng chú ý về hành vi tiêu dùng xanh của người Việt
Động lực chính thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng sản phẩm xanh là tốt cho sức khỏe, giảm thiểu tác hại môi trường. Tuy nhiên có tới 78% người tiêu dùng khi được hỏi, cho biết rào cản lớn nhất đối với họ hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao. Ngay tại Hà Nội và TP.HCM - hai trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất cả nước nhưng tỷ lệ người tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến chỉ chiếm khoảng 12%-18%...
Trên đây là số liệu cừ cuộc khảo sát “Nhận thức và Hành vi tiêu dùng xanh 2024” do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao công bố vào chiều 30.10 tại sự kiện họp báo thông tin về Vòng chung kết Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững lần 10 năm 2024.
Cuộc khảo sát được thực hiện trong 2 tháng (8 và 9 năm 2024) tại Hà Nội và TP.HCM với gần 400 mẫu khảo sát. Kết quả co thấy, người tiêu dùng trong nước hiện nay có nhận thức và thái độ khá tích cực đối với tiêu dùng xanh, hầu hết những người được hỏi biết đến khái niệm và có sự hiểu biết về các khía cạnh cơ bản của khái niệm “tiêu dùng xanh”.
Tuy nhiên, từ ý thức tới hành động vẫn còn một khoảng cách khá lớn bởi lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay. Bức tranh tiêu dùng xanh trong các cộng đồng dân cư còn khá “tối màu”. Ngay tại Hà Nội và TP.HCM, là hai trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất cả nước nhưng kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng 12% - 18%.
Khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng biết đến sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh nhiều nhất từ các thông tin trên không gian mạng (69%), các nguồn thông tin (kinh nghiệm bản thân, người thân, người bán…) được tiếp cận với một tỷ lệ nhất định (dưới 40%). Một vài khảo sát trước đó cũng đều cho thấy khi tham khảo thông tin về sản phẩm, người tiêu dùng thường dựa vào kinh nghiệm bản thân, hoặc tham khảo ý kiến người thân, bạn bè, hay người bán… là chủ yếu, rồi mới đến các thông tin từ không gian mạng. Thông qua việc tiếp cận các kênh thông về tiêu dùng xanh cho thấy, đối với hầu hết người tiêu dùng vấn đề tiêu dùng xanh vẫn còn là vấn đề khá mới, với tâm thức chưa có nhiều trải nghiệm tiêu dùng nên thông tin từ không gian mạng đã trở thành nguồn thông tin chủ đạo.
Khi chọn mua sản phẩm xanh, bên cạnh các tiêu chí (chất lượng, an toàn, tốt cho sức khỏe) được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu như khi họ chọn mua sản phẩm thông thường thì yếu tố sản phẩm thân thiện môi trường cũng rất được họ quan tâm khi chọn mua sản phẩm xanh (63%). Tiêu chí thân thiện môi trường trở thành thước đo của người tiêu dùng đối với sản phẩm, là nhân tố tạo dấu ấn và niềm tin nơi người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm xanh.
Ngoài các tiêu chí trên, người tiêu dùng hiện nay cũng rất quan tâm đến yếu tố giá thành khi chọn mua sản phẩm xanh. Hai tiêu chí quan trọng được coi là thành phần tạo nên sản phẩm xanh là sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc có thành phần được làm từ nguyên liệu tái chế lại chỉ được một bộ phận nhỏ người tiêu dùng quan tâm khi chọn mua sản phẩm xanh. Điều này cho thấy người tiêu dùng còn khá e ngại khi chọn mua các sản phẩm có thành phần tái chế do chưa hiểu được những lợi ích đối với môi trường mà sản phẩm tái chế mang lại.
Tỷ lệ người tiêu dùng chọn nơi mua sản phẩm xanh tùy thuộc vào đặc trưng tiêu dùng sản phẩm và mức độ cung ứng tại các kênh phân phối. Trên bình diện chung kết quả khảo sát cho thấy các kênh GT (General Trade – phương pháp phân phối hàng hóa theo mô hình truyền thống nhiều cấp) và MT (Modern Trade- kênh phân phối bán hàng hiện đại) chiếm tỷ lệ khá tương đồng trong hoạt động cung ứng các loại sản phẩm xanh (67% và 66%).
Đặc biệt, các kênh online (mới nổi những năm gần đây) nhưng cũng chiếm một tỷ lệ đáng ngạc nhiên với khoảng 45%. Trong các kênh GT thì đại lý và cửa hàng chuyên là nơi người tiêu dùng ưng đến nhiều nhất (58%) khi có nhu cầu mua hầu hết các loại sản phẩm xanh. Ngoại trừ đại lý/ cửa hàng chuyên, hai kênh tạp hóa và sạp chợ khá lép vế trong hoạt động cung ứng sản phẩm xanh. Đối với các kênh MT thì siêu thị vẫn là điểm đến được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất (49%). Sàn thương mại điện tử hiện là kênh chiếm tỷ lệ chủ đạo trong các kênh online.
Khảo sát cho thấy động lực chính thúc đẩy người tiêu dùng tiêu dùng sản phẩm xanh là tốt cho sức khỏe (83%), giảm thiểu tác hại môi trường (82%). Ngoài ra, các yếu tố bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao ý thức cộng đồng, và tiêu dùng có trách nhiệm cũng là những nhân tố tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng xanh. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối người tiêu dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao (78%), kế đến là sự sẵn có (độ phủ) sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh.
Ngoài ra, sự phàn nàn của người tiêu dùng đối với chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất cũng là trở ngại làm giảm lòng tin với đối với sản phẩm xanh lưu thông trên thị trường (18% người tiêu dùng cho rằng sản phẩm xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ). Rào cản cuối cùng phải kể đến là nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, đặc biệt họ ở khu vực nông thôn vẫn chưa có đầy đủ nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng và mức độ hiểu biết của họ về tiêu dùng xanh còn khá hạn chế (với 7% người tiêu dùng cho biết họ cảm thấy chưa cần thiết phải tiêu dùng xanh).
Tuy nhiên, điều tích cực là tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu và sẽ ngày càng trở nên phổ biến, kết quả khảo sát xu hướng tiêu dùng xanh cho thấy đa số người tiêu dùng (59%) cho biết họ sẽ gia tăng sử dụng sản phẩm xanh, và tiêu dùng xanh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, họ cũng cho biết họ sẵn sàng chi trả tăng thêm để có thể sử dụng sản phẩm xanh ở những mức độ khác nhau. Trong đó, mức độ chi trả tăng thêm được người tiêu dùng hưởng ứng nhiều nhất là chi tăng thêm từ 5% đến 10% so với sản phẩm thông thường để tiêu dùng sản phẩm xanh, đặc biệt có khoảng 20% người được hỏi chấp nhận chi trả tăng thêm trên 10%.
36 ý tưởng, dự án tranh tài tại chung kết Khởi nghiệp Xanh 2024
Cũng trong ngày 30.10, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), đã thông tin về Vòng chung kết Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững lần 10 năm 2024.
Ban tổ chức cho biết, sau gần 8 tháng phát động và triển khai chương trình Khởi nghiệp Xanh và Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024, đã chọn được 36 dự án sẽ tranh tài tại Vòng chung kết cuộc thi.
Các dự án trải dài khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, tập trung ở 26 tỉnh, thành. Trong đó, nhiều bạn trẻ, thanh niên nông thôn là đồng bào các dân tộc (Dao, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái, Raglai…) tham gia với các dự án từ tài nguyên bản địa quê nhà.
Ở vòng thi này sẽ được chia thành 2 bảng, gồm bảng A là các dự án của cá nhân, nhóm có ý tưởng, đang trong quá trình nghiên cứu và đã có sản phẩm mẫu, sản phẩm đã ra thị trường, thời gian triển khai hoạt động dự án dưới 1 năm. Bảng B là dự án cá nhân, tập thể thuộc tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 1 năm (căn cứ theo thời gian cấp giấy chứng nhận, giấy thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã).
Vòng chung kết Cuộc thi sẽ diễn ra trong 2 ngày 9 và 10.11.2024 tại Hội trường Dinh Thống Nhất (TP.HCM).
Bài, ảnh: Trà My