Sơ kết 5 năm thực hiện Luật Thư viện: Thư viện ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển

Ngày 15/11, tại Đà Lạt, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện.

Hội nghị với sự tham dự của bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Vụ Thư viện, lãnh đạo sở văn hóa, các thư viện chuyên ngành, thư viện công cộng từ 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Cách đây 5 năm, Luật Thư viện được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, đánh dấu mốc quan trọng mở ra thời kỳ mới trong phát triển thư viện và văn hóa đọc của đất nước.

Luật Thư viện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng khẳng định vai trò vị trí của ngành thư viện trong truyền bá tri thức, truyền bá giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho Nhân dân xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Sự vào cuộc quyết liệt, sự chỉ đạo tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận hưởng ứng của toàn xã hội trong 5 năm qua đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trên mọi mặt trong hoạt động thư viện.

Bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị

Bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị

Với nguyên tắc “Lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm”, các thư viện đã chủ động đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh các loại hình đưa sách báo, thông tin đến tận nơi cho người dân thông qua các hoạt động luân chuyển, phục vụ lưu động, trực tuyến. Các sản phẩm, dịch vụ thông tin – thư viện ngày càng bám sát đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Đại biểu tham dự Hội nghị

Hoạt động thư viện được chuẩn hóa, hiện đại hóa, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số, tăng cường liên kết giữa các thư viện, đáp ứng nhu cầu sử dụng của mọi đối tượng. Phát triển văn hóa đọc đạt được kết quả đáng khích lệ, cộng đồng xã hội cùng chung tay mở rộng môi trường đọc, phong trào đọc sách và các hoạt động khuyến học phát triển rộng khắp từ công sở, trường học đến thôn xóm, bản làng.

Luật Thư viện đã tạo điều kiện để người dân trở thành chủ thể chính được quyền thành lập, hoạt động lưu trữ và sử dụng thư viện. Hoạt động xã hội hóa lan rộng, thư viện, phòng đọc, không gian đọc sách ngoài công lập phát triển.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu chào mừng

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu chào mừng

Hội nghị đã đánh giá kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và bất cập cần tháo gỡ trong quá trình triển khai Luật Thư viện.

Theo đó, mạng lưới thư viện nhanh chóng được kiện toàn, củng cố, duy trì. Cả nước có Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện cấp tỉnh, 647 thư viện cấp huyện, gần 22.000 thư viện cấp xã, thư viện cộng đồng, phòng đọc, không gian đọc cơ sở; gần 400 thư viện đại học và tương đương, 27.000 thư viện trường học/tổng số 40.000 cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non; 100 thư viện chuyên ngành thuộc các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu khoa học; gần 2.700 thư viện, phòng đọc, tủ sách của lực lượng công an nhân dân; 490 thư viện và 2.668 tủ sách phòng đọc sách Hồ Chí Minh trong hệ thống thư viện quân đội; 115 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng.

Đại diện lãnh đạo thư viện công cộng từ các tỉnh, thành về dự Hội nghị

Đại diện lãnh đạo thư viện công cộng từ các tỉnh, thành về dự Hội nghị

Điều kiện thành lập thư viện theo quy định tại Luật nhằm đảm bảo các thư viện có không gian, cơ sở vật chất và trang thiết bị để thực hiện đầy đủ các chức năng, hoàn thành vai trò phục vụ bạn đọc và lưu trữ, gìn giữ thư tịch của dân tộc. Từ đó, hệ thống thư viện được đảm bảo nguồn kinh phí để hoạt động; một số thư viện được tiếp nhận sách tài trợ từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, sách cho xe ô tô thư viện lưu động…

Nguồn nhân lực làm công tác thư viện cũng được chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ. Hiện nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam có 117 người (96% đại học và trên đại học), thư viện cấp tỉnh 1.333 người (trung bình 23 người/thư viện, 93% có trình độ đại học, 54% được đào tạo chuyên ngành thư viện, 46% đào tạo chuyên ngành khác), thư viện cấp huyện có 800 người (1,3 người/thư viện, 86% trình độ đại học, 50% được đào tạo chuyên ngành thư viện).

Ngoài ra, có gần 10.000 người làm công tác thư viện cấp xã, thư viện cộng đồng, phòng đọc cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, phần lớn không được đào tạo chuyên ngành. Các thư viện đại học, thư viện chuyên ngành, thư viện lực lượng vũ trang, thư viện cơ sở giáo dục trung bình có từ 1 – 5 người/thư viện…

Từ quy định của Luật về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, người làm công tác thư viện từng bước được chuẩn hóa, việc đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ được quan tâm đáp ứng với yêu cầu chuyển đổi số.

Chủ trì Hội nghị

Chủ trì Hội nghị

Hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc được nâng lên một bước mới. Số lượng tài nguyên thông tin thư viện không ngừng được bổ sung, các bộ sưu tập tài liệu cổ quý hiếm, tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học được phát huy giá trị.

Tính đến nay, Thư viện Quốc gia có 2,5 triệu bản sách; hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh có hơn 15,6 triệu bản; thư viện cấp huyện, xã, thư viện cộng đồng, phòng đọc cơ sở có gần 30 triệu bản; các thư viện chuyên ngành có hơn 1,2 triệu bản và gần 2 triệu tài liệu học thuật khác; thư viện lực lượng vũ trang có hơn 4 triệu bản; các cơ sở giáo dục đại học có hơn 5 triệu bản.

Các loại hình thư viện đã có nhiều chuyển biến để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đảm bảo các nguyên tắc hoạt động, hướng tới chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, thực hiện chuẩn hóa các dây chuyền hoạt động thông tin tư liệu, cung ứng dịch vụ cho người sử dụng. Ứng dụng mạnh mẽ toàn diện công nghệ số, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ: phục vụ tại chỗ, phục vụ lưu động, phục vụ qua không gian mạng.

Trưng bày kết quả hoạt động sau 5 năm thực thi Luật Thư viện bên lề Hội nghị

Trưng bày kết quả hoạt động sau 5 năm thực thi Luật Thư viện bên lề Hội nghị

5 năm thực hiện Luật, hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức nghề nghiệp, các nước cũng được đẩy mạnh như: Trao đổi tài liệu, tổ chức hội thảo khoa học, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, thực hiện dự án đầu tư phát triển…

Việc xã hội hóa hoạt động thư viện cũng được khuyến khích, mô hình thư viện tư nhân với 115 thư viện đã huy động vốn tài liệu trong Nhân dân, bình quân 2500 – 3500 cuốn sách/thư viện đã góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Cùng với kết quả đạt được, Hội nghị đã thẳng thắn nêu lên những hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Hệ thống văn bản chưa đồng bộ, một số quy định chồng chéo, chính sách chưa rõ ràng, một số quy định còn định tính, chưa định lượng, chưa đầy đủ; một số thư viện công cộng cấp tỉnh chưa có trụ sở riêng, hạ tầng cơ sở xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu; hiệu quả phục vụ thư viện cấp xã, phòng đọc cơ sở chưa như mong muốn do nguồn tài nguyên thông tin nghèo nàn, vị trí địa điểm không thuận lợi cho việc tiếp cận bạn đọc; việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất không đồng đều, không phù hợp, một số thư viện cơ sở xuống cấp không đủ điều kiện để hoạt động, có nơi thư viện mới được đầu tư nhưng không đúng công năng, không đáp ứng được yêu cầu về không gian, kỹ thuật nên không phát huy được giá trị; chính sách cho người làm công tác thư viện còn nhiều bất cập về chế độ độc hại, đãi ngộ, kiêm nhiệm.

Hoạt động thư viện không kịp thời thay đổi thói quen và phương thức tiếp cận thông tin của bạn đọc, nhiều thư viện hiện đại ở ngay thành phố lớn nhưng không có người đến sử dụng, và bạn đọc chỉ tăng lên vào mùa thi khi học sinh, sinh viên cần một chỗ ngồi học yên tĩnh…

Trưng bày kết quả hoạt động sau 5 năm thực thi Luật Thư viện bên lề Hội nghị

Trưng bày kết quả hoạt động sau 5 năm thực thi Luật Thư viện bên lề Hội nghị

Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai; qua đó gợi mở, đề xuất những vấn đề cần hoàn thiện nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thực thi Luật Thư viện; đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra để nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện và phát triển văn hóa đọc như: Nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tài liệu, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu của sự phát triển; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong hoạt động thư viện.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202411/so-ket-5-nam-thuc-hien-luat-thu-vien-thu-vien-ngay-cang-hien-dai-dap-ung-yeu-cau-cua-su-phat-trien-4870594/
Zalo