Sò huyết - Vật nuôi phù hợp và bền vững
Về ấp Cái Su, xã Hòa Tân, TP Cà Mau, nghe bà con bàn chuyện nuôi sò huyết trong vuông tôm với vẻ đầy phấn khởi. Nhiều hộ dân tăng thu nhập từ mô hình kinh tế phụ này.
Theo người dân nơi đây, sò huyết chịu được độ mặn cao, phù hợp với vùng vuông lấy được nước ra vào. Ðặc biệt, vùng đất Hòa Tân gần cửa sông lớn nên lượng phù sa dồi dào, đây là nguồn thức ăn chính của sò. Sò huyết ít bệnh, đỡ tốn công chăm sóc, do thức ăn từ tự nhiên trong đất, nên người dân nơi đây rất chuộng nuôi.
Lớp học ứng dụng nhân rộng mô hình nuôi sò huyết tại ấp Cái Su như tiếp thêm sức mạnh để người dân nơi đây làm kinh tế. Lớp gồm 30 người, mỗi học viên sau khi học lý thuyết được thực địa trên vuông nuôi. Có 3 hộ được đầu tư mô hình trình diễn để bà con tham quan học hỏi.
Bà Lê Thị Thùy Linh, cán bộ Phòng Kinh tế TP Cà Mau (Chủ nhiệm lớp học ứng dụng nhân rộng mô hình nuôi sò ở ấp Cái Su), cho biết: “Nếu như cách học truyền thống ngày xưa chỉ dạy lý thuyết thì với mô hình này, giảng viên hướng dẫn cả lý thuyết lẫn thực hành nên người dân dễ dàng tiếp cận. Sau lớp học, không chỉ học viên trong lớp thực hiện mà nhiều người dân lân cận cũng làm theo”.
3 học viên lớp học đã thả 7 triệu đồng tiền sò giống và thu hoạch, trừ chi phí còn lãi trên 30 triệu đồng, sau 7 tháng thả nuôi thí điểm. Mỗi vuông thả nuôi 72 kg sò giống (do là mô hình thí điểm nhân rộng), bình thường người dân thả tầm khoảng 100-200 kg sò giống/ha.
“Tỷ lệ sống của con sò đạt trên 50%; sò chỉ hao hụt do thời tiết và môi trường đất từng vuông nuôi. Nuôi sò không cần cho ăn, giá cả lại ổn định. Ðây là vật nuôi phù hợp và bền vững, kể cả đối với những hộ ít đất và ít lao động”, bà Thùy Linh chia sẻ.
Hiện nay, trên địa bàn ấp có hơn 50 hộ nuôi sò huyết. Người người nuôi, nhà nhà nuôi, tinh thần của bà con rất hăng say, phấn khởi với loại hình nuôi này vì có giá trị kinh tế cao.
Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn thả nuôi hơn 200 kg sò giống, sau gần 7 tháng cho thu hoạch, lãi gần 40 triệu đồng. Anh Sơn cho biết: “Sò huyết có thể nuôi lâu dài trong vuông tôm, không cần phải thu hoạch đúng vụ như con tôm, đặc biệt là không tốn chi phí thức ăn và công chăm sóc. Nếu gặp thời điểm giá sò huyết sụt giảm, người nuôi hoàn toàn có thể trữ lại chờ giá tăng để nâng cao thu nhập. Tôi nuôi sò đã 6 năm nay rồi, chưa thất vụ nào. Mỗi vụ lời ít hay nhiều tùy thuộc vào thời tiết và con giống thôi”.
Mỗi hộ dân nuôi ít nhất cũng 0,2 ha, nhiều nhất trên 0,6 ha. Thu nhập từ nuôi sò huyết tuy là kinh tế phụ nhưng cũng vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị Hồ Thị Quýt (vợ anh Sơn) cho biết: “Tôm, cua còn có lúc trúng, lúc thất, chớ con sò này lúc nào cũng cầm chắc có thu hoạch, lại không bị rớt giá, dội chợ”.
Mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đang mang lại hiệu quả tích cực cho đời sống người dân xã Hòa Tân cũng như một số địa phương vùng ven TP Cà Mau, tạo động lực để phát triển mô hình kinh tế quy mô lớn, đem lại nguồn thu nhập khá ổn định để dần xóa thế độc canh con tôm như hiện tại./.