Số hóa y tế: Tạo bước tiến mới trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Trong năm qua, ngành y tế tỉnh đã chú trọng thực hiện tốt công tác chuyển đổi số (CĐS), qua đó từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành và công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Triển khai Kế hoạch số 130 ngày 6/6/2023 của UBND tỉnh về Thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), ngành y tế tỉnh đã chủ động thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, 9 chỉ tiêu cụ thể, trong đó năm 2024 được xác định là năm bản lề để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: Trong năm 2024, Sở Y tế đã quyết liệt chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên địa bàn chủ động khắc phục khó khăn, rà soát, đẩy nhanh tiến độ CĐS trong quy trình KCB như: đăng ký làm thủ tục KCB bằng thẻ căn cước thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, kê đơn thuốc điện tử, tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử… Đặc biệt, tập trung triển khai thí điểm 2 mô hình: “KCB sử dụng thẻ căn cước có gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID” và “KCB sử dụng sinh trắc học, Ki-ốt tự phục vụ”.
Để triển khai mô hình “KCB sử dụng thẻ căn cước có gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID”, Sở Y tế đã chỉ đạo 100% cơ sở KCB BHYT trang bị đầy đủ thiết bị đọc thẻ căn cước có gắn chíp đồng thời thực hiện KCB bằng thẻ căn cước có gắn chíp và ứng dụng VNeID thay cho thẻ BHYT giấy.
Đơn cử như tại huyện Văn Quan, đến nay, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện và 17/17 trạm y tế xã, thị trấn đều được trang bị đầy đủ thiết bị đọc thẻ căn cước có gắn chíp, qua đó góp phần thực hiện tốt quy trình làm thủ tục KCB bằng thẻ căn cước thay thế thẻ BHYT. Cùng với đó, tỷ lệ thanh toán viện phí trên địa bàn tăng từ 10% (tháng 3/2024) lên trên 70% (tháng 11/2024). Bác sĩ Lương Đình Huy, Giám đốc TTYT Văn Quan cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, chúng tôi đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai từng bước thực hiện CĐS. Đặc biệt trong năm 2024, trung tâm đã chỉ đạo các khoa, phòng, trạm y tế các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và làm thủ tục KCB bằng thẻ căn cước có gắn chíp, nhờ đó kết quả đạt được rất khả quan.
Năm 2024, các TTYT tuyến huyện còn lại và 4/4 bệnh viện tuyến tỉnh đều đã triển khai việc đăng ký làm thủ tục KCB bằng thẻ căn cước có gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID. Kết quả, tỷ lệ làm thủ tục đăng ký KCB BHYT bằng thẻ căn cước trên tổng số lượt khám chữa bệnh BHYT chiếm tới 81%.
Thêm một điểm nhấn trong công tác CĐS năm 2024 của ngành y tế tỉnh là từ trung tuần tháng 10/2024, Sở Y tế triển khai thí điểm mô hình “KCB sử dụng sinh trắc học, Ki-ốt tự phục vụ” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ki-ốt này có các tính năng như: đăng ký KCB qua xác thực thẻ căn cước gắn chip, ứng dụng tài khoản định danh điện tử VNeID, tích hợp sổ sức khỏe điện tử; tạo tài khoản ngân hàng, cung cấp các sản phẩm tín dụng cho khách hàng theo quy định; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt. Chỉ cần vài thao tác bấm nút trên hệ thống Ki-ốt tự phục vụ, ngay lập tức hệ thống sẽ truy vấn thông tin, đối soát với cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội và xác thực người dùng bằng sinh trắc học qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thông qua hệ thống Ki-ốt tự phục vụ, người bệnh có thể đến thẳng các khoa, phòng khám theo yêu cầu mà không cần phải chờ lấy số thứ tự và gọi tên. Anh Nông Văn Hoan, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc kể lại: Vợ tôi bị đau bụng âm ỉ mấy ngày không khỏi, tôi đưa vợ vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám. Thay vì xếp hàng vào làm thủ tục, tôi đã thao tác 5 bước trên Ki-ốt tự phục vụ được đặt ngay trong phòng chờ. Trên Ki-ốt, tôi có thể tra cứu kết quả, giá dịch vụ y tế, thông tin bệnh viện, lựa chọn dịch vụ, bác sĩ. Đến lúc khám xong, tôi lại qua Ki-ốt quét mã thanh toán không cần tiền mặt, không cần phải xếp hàng chờ đợi, vừa nhanh vừa tiện lợi.
Trong tháng đầu tiên đưa vào sử dụng, Ki-ốt đã phục vụ hơn 300 lượt người đăng ký KCB. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết sau thời gian thí điểm, mô hình Ki-ốt tự phục vụ sẽ được triển khai, nhân rộng tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để tạo thuận lợi cho người dân khi đi KCB, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới xây dựng mô hình bệnh viện thông minh.
“Tại Lạng Sơn, năm 2024, công tác CĐS trên địa bàn tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo sát sao và đạt một số kết quả tích cực. Đặc biệt đối với CĐS trong lĩnh vực y tế được cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện, đã chứng minh được tính hiệu quả, hữu ích. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, thách thức nhất định. Do đó, Sở Y tế cần chủ động nghiên cứu, đánh giá toàn diện, kết quả của quá trình triển khai các chủ trương, chính sách về CĐS trong lĩnh vực y tế với nhiều khía cạnh gồm: công tác lãnh đạo, chỉ đạo; thể chế hóa; phân công, phối hợp; tập huấn; truyền thông; kiểm tra; đánh giá; bố trí nguồn lực tài chính, nhân lực, hạ tầng số… Trong đó tập trung phân tích, nhận diện những khó khăn, điểm nghẽn trong quá trình triển khai, khả năng tiếp cận và năng lực thích ứng của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm dễ bị tổn thương. Trên cơ sở phân tích, đánh giá toàn diện thực trạng, các yếu tố tác động để tham mưu, đề xuất giải pháp phù hợp và khả thi với quá trình CĐS y tế trên địa bàn”.
Tăng hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị
Không chỉ đơn giản hóa quy trình KCB, mang đến nhiều tiện ích cho người dân, CĐS trong lĩnh vực y tế còn góp phần làm tăng hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh. Đến nay, 100% cơ sở KCB công lập duy trì thực hiện bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, kê đơn thuốc điện tử theo quy định...
Khi ứng dụng các phần mềm, cán bộ, y, bác sĩ dễ dàng truy cập lịch sử bệnh án, đơn thuốc bệnh nhân đã và đang dùng để chẩn đoán bệnh chính xác hơn cũng như rà soát danh mục thuốc hiện có của đơn vị để cân nhắc, kê đơn phù hợp. Trong năm 2024, toàn tỉnh có hơn 1,4 triệu đơn thuốc đã gửi lên hệ thống đơn thuốc quốc gia và hơn 24.000 đơn thuốc đã bán.
Bác sĩ Vi Minh Đức, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TTYT huyện, chúng tôi đã tham dự đầy đủ các buổi tập huấn, cập nhật các phần mềm bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử… Đến nay, 100% người dân trên địa bàn xã có hồ sơ sức khỏe điện tử. Thông qua các hệ thống phần mềm được ứng dụng tại trạm, chúng tôi dễ dàng truy cập và lịch sử bệnh án của từng người, biết họ đã và đang điều trị bệnh gì, thuốc gì, từ đó nắm bắt và chẩn đoán, xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả hơn.
Thêm vào đó, việc sử dụng bệnh án điện tử là phương pháp giảm đến mức thấp nhất việc rò rỉ thông tin của bệnh nhân, hỗ trợ và phòng ngừa bệnh án giấy bị rách, ướt, nhòe chữ gây khó khăn trong quá trình điều trị bệnh. Không chỉ là lưu trữ hồ sơ bệnh án, các bệnh viện còn sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh.
Cùng đó, việc thực hiện Đề án “KCB từ xa” cũng góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán điều trị bệnh, nhất là những ca bệnh khó. Hiện nay 100% bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện có cầu truyền hình trực tuyến và thực hiện kết nối qua nền tảng số để phục vụ KCB.
Trong năm 2024, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã kết nối, hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện tuyến Trung ương được 40 cuộc, giữa các cơ sở KCB tuyến tỉnh và tuyến huyện được 80 cuộc. Qua đó, nhiều ca bệnh được hội chẩn trực tuyến, đưa ra hướng xử trí kịp thời, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người bệnh và cũng là dịp để người bác sĩ năng cao tay nghề, trình độ chuyên môn...
Việc thực hiện CĐS trong lĩnh vực y tế đã từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến nhiều tiện ích với tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế hằng năm đạt trên 80%, đặc biệt năm 2024 đạt trên 85%, vượt 5% so với chỉ tiêu đề ra. Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục xác định CĐS là một những những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện Chương trình CĐS quốc gia, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm chi phí y tế.