Số hóa quản lý hộ, cá nhân kinh doanh

Với mục tiêu đẩy mạnh việc công khai, minh bạch trong công tác quản lý hộ, cá nhân kinh doanh, đúng ngành nghề, doanh thu phù hợp với thực tế kinh doanh, tạo chuyển biến mạnh mẽ việc nộp thuế theo phương thức điện tử, Cục Thuế tỉnh quyết liệt triển khai nộp thuế điện tử qua ứng dụng eTax Mobile và hiện mang lại nhiều kết quả tích cực.

Ông Nguyễn Minh Vương, Trưởng phòng Quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác, Cục Thuế tỉnh, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, ngành thuế tỉnh quyết liệt thực hiện chuyển đổi số và hiện đại hóa trong quản lý thuế, hướng dẫn hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh nộp thuế điện tử qua ứng dụng eTax Mobile, song song với việc nộp thuế qua ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, tiến tới 100% hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế điện tử qua ứng dụng eTax Mobile”.

Với kết quả trên, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chi cục thuế (CCT) khu vực tăng cường hướng dẫn hộ, cá nhân kinh doanh liên kết ngân hàng và nộp thuế điện tử qua eTax Mobile. Ngành thuế quyết tâm đạt 100% hộ, cá nhân kinh doanh liên kết ngân hàng và nộp thuế điện tử qua eTax Mobile vào cuối tháng 9/2024, góp phần tạo công khai, minh bạch trong công tác quản lý hộ, cá nhân kinh doanh, hiện đại hóa trong công tác quản lý của ngành thuế.

Với ứng dụng eTax Mobile người nộp thuế có thể cài đặt trên thiết bị di động giúp người nộp thuế, hộ kinh doanh tra cứu các vấn đề liên quan đến thuế, nộp thuế.

Với ứng dụng eTax Mobile người nộp thuế có thể cài đặt trên thiết bị di động giúp người nộp thuế, hộ kinh doanh tra cứu các vấn đề liên quan đến thuế, nộp thuế.

Ông Nguyễn Minh Vương chia sẻ: “eTax Mobile là nền tảng để thực hiện chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh. Cùng với các hình thức công khai đang áp dụng hiện hành thì chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh sẽ hỗ trợ cơ quan thuế quản lý người nộp thuế một cách trực quan, nắm bắt tốt địa bàn, chống sót hộ, chống thất thu ngân sách. Chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh cũng hỗ trợ tốt hơn cho hộ kinh doanh, người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức khác phản hồi thông tin đến cơ quan thuế về công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh của cơ quan thuế địa phương, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuế”.

Do đó, ngành thuế đã chỉ đạo quyết liệt các CCT rà soát, hiệu chỉnh dữ liệu của hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế trên địa bàn quản lý (kể cả hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện không phải nộp thuế). Tiến hành rà soát đối tượng tại địa bàn để tránh bỏ sót hộ, tổ chức khảo sát doanh thu và các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh thực tế của hộ kinh doanh; cập nhật “Cơ sở dữ liệu riêng” của CCT về quản lý hộ kinh doanh theo hướng dẫn tại Quy trình quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh, trong đó chú trọng các ngành nghề trọng điểm của hộ kinh doanh tại địa bàn.

“Ðối với “Cơ sở dữ liệu riêng”, cần được triển khai trên nền tảng công nghệ thông tin để đảm bảo việc khai thác, chỉ đạo, kiểm soát tập trung xác định doanh thu và mức thuế khoán của hộ kinh doanh tại các CCT. Trên cơ sở đó, đảm bảo việc lập Bộ thuế khoán năm 2024 đối với hộ kinh doanh sát thực tế”, ông Vương nhấn mạnh.

Ngoài ra, ngành thuế còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, hộ kinh doanh như: truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, đăng ký thuế điện tử, khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến... bao gồm cả việc tra cứu và phản hồi thông tin trên chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh của cơ quan thuế, nhằm giúp người dân, hộ kinh doanh tham gia toàn diện vào lộ trình chuyển đổi số theo định hướng của Chính phủ.

Ngành thuế đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng số cơ bản: sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, đăng ký/khai/nộp thuế điện tử... giúp người dân, hộ kinh doanh tham gia toàn diện vào lộ trình chuyển đổi số. (Trong ảnh: Nhân viên một cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng).

Ngành thuế đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng số cơ bản: sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, đăng ký/khai/nộp thuế điện tử... giúp người dân, hộ kinh doanh tham gia toàn diện vào lộ trình chuyển đổi số. (Trong ảnh: Nhân viên một cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng).

Ông Nguyễn Minh Vương thông tin, thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; tuyên truyền chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh và tiện lợi của việc nộp thuế qua ứng dụng eTax Mobile.

Triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân, hướng tới mục tiêu sử dụng mã số định danh cá nhân làm mã số thuế theo Ðề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Ðề án 06) của Chính phủ. Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh thu khoán, mức khoán theo các tiêu chí ngành nghề, địa bàn, số lượng lao động theo từng địa bàn. Từ đó phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng hộ kinh doanh cùng ngành nghề, quy mô nhưng có mức doanh thu chênh lệch lớn, góp phần tạo sự công bằng, minh bạch cho công tác quản lý và khai thác nguồn thu.

Ngoài ra, phát huy vai trò công tác phối hợp với các ngành, các cấp để cùng vào cuộc quản lý hoạt động của hộ, cá nhân kinh doanh, xem việc quản lý hoạt động của hộ kinh doanh là trách nhiệm chung, không phải chỉ riêng ngành thuế. Theo đó, tiến hành kiểm tra, giám sát diễn biến hoạt động của các hộ, qua đó sắp xếp, phân loại các hộ kinh doanh theo ngành nghề kinh doanh, mặt hàng, quy mô kinh doanh và theo phương pháp tính thuế./.

Hồng Nhung

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/so-hoa-quan-ly-ho-ca-nhan-kinh-doanh-a34375.html
Zalo