Số hóa dữ liệu tại Hà Nội: Nhiều lợi ích thiết thực
Hà Nội đang quyết liệt số hóa dữ liệu nhằm đặt nền móng cho việc xây dựng chính quyền điện tử, xã hội số, công dân số. Từ đó đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Hiệu quả từ mô hình số hóa dữ liệu

Số hóa dữ liệu thủ tục hành chính cho người dân đến thực hiện thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội.
Theo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 thành phố Hà Nội, hiện nay đã số hóa, cập nhật vào phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp hơn 7,6 triệu dữ liệu hộ tịch; gần 8 triệu người đã được cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội; xác minh, làm sạch dữ liệu hồ sơ sức khỏe gần 6,45 triệu người dân trên toàn thành phố.
Việc số hóa thông tin các dữ liệu đất đai, cán bộ, công chức, viên chức, quản lý dữ liệu về cơ sở hạ tầng vận tải hành khách công cộng (lĩnh vực giao thông - vận tải), quản lý trật tự xây dựng, thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ công tác quản lý dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy trên toàn địa bàn thành phố đã được triển khai, duy trì và hoạt động hiệu quả, đồng bộ, thống nhất.
Nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô đã số hóa về các di tích lịch sử, văn hóa, thực hiện tốt việc số hóa dữ liệu hộ tịch - tư pháp, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung..., phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn cơ sở.
Đáng chú ý, nhiều mô hình chuyển đổi số đã được các địa phương chủ động triển khai linh hoạt, sáng tạo như quận Hai Bà Trưng xây dựng được dữ liệu kinh tế tập trung về các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc, quận đã số hóa 11.603 doanh nghiệp và 11.349 hộ kinh doanh phục vụ công tác quản lý thuế, phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an toàn thực phẩm, giấy phép hành nghề đặc thù của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận. “Việc số hóa đã cung cấp dữ liệu tập trung, đầy đủ, chính xác mọi lúc, mọi nơi phục vụ cho công tác quản lý và chỉ đạo điều hành phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn quận”, ông Phan Văn Phúc nói.
Tại quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long cho biết, quận đã duy trì thực hiện mô hình số hóa, xây dựng, cải tiến các quy trình ISO về giải quyết thủ tục hành chính và giải quyết công việc nội bộ trên môi trường điện tử tại UBND quận. Từ đó, toàn bộ 100% quy trình ISO cấp quận đã được cập nhật trên phần mềm ISO điện tử quận, đối với các thủ tục hành chính mới được ủy quyền, quận tiếp tục cập nhật, số hóa trên hệ thống để bảo đảm 100% thủ tục hành chính đều quản lý trên môi trường điện tử.
Biến dữ liệu thành tài nguyên số
Bên cạnh kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 thành phố Hà Nội nhận định, trong giai đoạn vừa qua, việc số hóa dữ liệu chuyên ngành của một số cơ quan, ban, ngành, địa phương chưa bảo đảm tiến độ, hệ thống dữ liệu phân tán. Để khắc phục tồn tại nêu trên nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cũng như ứng dụng, chia sẻ dữ liệu, biến dữ liệu thành tài nguyên phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt.
Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, UBND thành phố đã yêu cầu số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực theo quy định, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025; song song với số hóa trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, thành phố sẽ tái sử dụng 100% dữ liệu đã được số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu theo phương châm “một việc một lần làm; hồ sơ nộp một lần”.
Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, đến hết năm 2025, thành phố cũng sẽ số hóa 100% di tích trên địa bàn. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực lớn, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, nhờ tích cực triển khai, một số địa phương đã “về đích” sớm. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng cho biết, quận đã xây dựng trang thông tin và ứng dụng số hóa các di tích từ năm 2020. Hiện quận đã số hóa hơn 80% trong tổng số 76 di tích trên địa bàn, từ đó cung cấp các địa chỉ du lịch bằng ứng dụng công nghệ ảnh 360, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá, tìm hiểu. Qua đó giúp thu hút du khách tham quan, tạo thuận lợi phát triển công nghiệp văn hóa.
Số hóa dữ liệu thiết yếu cũng như dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu địa phương, dữ liệu mở để hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung một cách hiệu quả sẽ giúp Hà Nội xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiện đại, an toàn, đáp ứng nhu cầu quản lý đô thị thông minh, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo hướng bền vững. Từ đó sẽ hướng đến việc tối ưu hóa quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu, tăng cường hiệu quả của dịch vụ công và nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho Hà Nội trở thành một thành phố tiên phong về chuyển đổi số, phát triển bền vững trong nước và khu vực.
Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết:
Số hóa dữ liệu phục vụ người dân

Huyện Ứng Hòa đã triển khai số hóa cơ sở dữ liệu chuyên ngành; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính và lưu trữ điện tử bảo đảm theo quy định; triển khai thuê dịch vụ cảnh báo, giám sát an toàn thông tin cho hệ thống thông tin huyện và các xã, thị trấn theo hướng dẫn mô hình bảo mật 4 lớp. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh từng bước sử dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hành chính.
Các cơ quan, đơn vị chủ động số hóa dữ liệu, tạo lập cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối, chia sẻ dữ liệu để tích hợp, đồng bộ dữ liệu dùng chung, cung cấp dữ liệu mở phục vụ cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Việc cập nhật dữ liệu căn cước công dân với thẻ bảo hiểm y tế, đã có 159.398 người đang có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện đã được đồng bộ, có thể sử dụng thẻ căn cước để đi khám chữa bệnh; có 33/33 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng thẻ căn cước tra cứu khám chữa bệnh.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh:
Từng bước triển khai thực hiện số hóa các lĩnh vực

Thời gian qua, trong các lĩnh vực, việc số hóa dữ liệu trên địa bàn quận Tây Hồ được đẩy mạnh. Nhờ vậy, tất cả 90/90 nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng quận Tây Hồ thông minh năm 2024 đều được hoàn thành, đánh dấu mốc trong công cuộc xây dựng chính quyền điện tử. Từ việc số hóa 157.727 dữ liệu hộ tịch đến hệ thống cơ sở dữ liệu 100 điểm đến về di tích lịch sử xếp hạng, danh lam thắng cảnh tiêu biểu, nhà hàng, khách sạn… được số hóa bằng công nghệ thực tế ảo VR360 với hình ảnh tương tác và tích hợp các nội dung thuyết minh, phụ đề tiếng Anh, tiếng Trung, quận Tây Hồ đã có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, quận từng bước triển khai thực hiện số hóa từng lĩnh vực, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của quận và phục vụ công tác điều hành, hòa chung theo yêu cầu của thành phố để kết nối và chia sẻ dữ liệu, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.
Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) Lê Tất Thành:
Nền tảng cho chuyển đổi xanh

Là địa bàn có nhiều du khách đến tham quan, lưu trú, phường Trúc Bạch tập trung phát triển du lịch trở thành ngành công nghiệp văn hóa, nguồn lực cho sự phát triển bền vững, dựa trên việc khai thác hiệu quả yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của địa phương. Do vậy, phường đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các công trình văn hóa, di tích lịch sử sản phẩm làng nghề của địa bàn trên mạng internet và các nền tảng truyền thông số. Hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng sau khi được số hóa sẽ phục vụ quản lý và quảng bá, phát triển văn hóa, du lịch có chất lượng cao, có thương hiệu và uy tín đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Số hóa dữ liệu cũng là nền tảng cơ bản để phường xây dựng và cho ra mắt “Tổ chuyển đổi số Xanh” thuộc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của phường Trúc Bạch - mô hình đầu tiên của thành phố Hà Nội trong lĩnh vực chuyển đổi số kết hợp với chuyển đổi xanh.
Mai Hữu ghi