Số hóa di tích để phát huy giá trị lịch sử
Nêu cao tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong chuyển đổi số, Huyện đoàn Đồng Hỷ đã thực hiện số hóa nhiều di tích lịch sử trên địa bàn. Qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa; giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch của huyện Đồng Hỷ.

Đoàn viên thanh niên huyện Đồng Hỷ tìm hiểu về Di tích lịch sử đình Vân Hán, xã Văn Hán, thông qua mã QR.
Đến với đền Long Giàn, di tích lịch sử cấp tỉnh ở xã Khe Mo, thay vì phải có người giới thiệu về di tích chúng tôi chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là có ngay thông tin. Với việc sử dụng nền tảng số hóa hiện đại, những thông tin về đền Long Giàn được mô tả rất đầy đủ, đem lại cảm giác chân thực cho người xem qua các video có âm thanh và hình ảnh 3D sống động.
Đền Long Giàn đã có từ lâu đời, trong giai đoạn 1956-1947, đền là nơi hoạt động của nhiều chiến sĩ, cán bộ cách mạng. Tháng 10-1947, trên đường đi công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân và thắp hương tại đền. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, một phần của ngôi đền và nhiều tư liệu, hiện vật đã bị phá hủy, chỉ còn sót lại một vài di vật quý như: bát hương cổ, hòm sắc, pho tượng cổ, 1 bộ phận của khám thờ Hai Bà Trưng...
Sau này, nhân dân địa phương đã tập trung xây dựng lại ngôi đền để ghi nhớ công ơn, tài đức của 2 vị nữ Anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Hàng năm, chính quyền và người dân xã Khe Mo đều tổ chức lễ hội tại đền Long Giàn vào các ngày 14 và 15 tháng Giêng để cầu mong một năm mới nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...
Hiện nay, huyện Đồng Hỷ có 45 di tích, trong đó có 13 di tích đã được xếp hạng các cấp và 32 di tích đã được thực hiện kiểm kê, đưa vào danh mục. Toàn huyện có 5 di tích xếp hạng cấp tỉnh đã được số hóa gồm: Đền Hích, ở xã Hòa Bình; đền Long Giàn, đình Khe Mo, ở xã Khe Mo; đình Vân Hán, đình Thịnh Đức, ở xã Văn Hán. Những công trình số hóa di tích này đều là các công trình thanh niên do Huyện Đoàn Đồng Hỷ thực hiện.
Đồng chí Nông Quốc Huy, Bí thư Huyện đoàn Đồng Hỷ cho biết: Với tinh thần tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số, Huyện Đoàn Đồng Hỷ đã chủ động phối hợp với các đơn vị như Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; đơn vị dịch vụ viễn thông; chính quyền các địa phương có di tích được số hóa... để tìm hiểu, tổng hợp thông tin và quay chụp lại những hình ảnh liên quan, phục vụ cho việc số hóa di tích.

Huyện đoàn Đồng Hỷ tổ chức khánh thành công trình số hóa Di tích lịch sử đền Long Giàn, xã Khe Mo.
Các thông tin về di tích như: Lịch sử hình thành, quá trình xây dựng; điển tích của di tích; quy mô diện tích; ý nghĩa, giá trị lịch sử... đều được Huyện Đoàn Đồng Hỷ biên tập, thiết kế rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu. Sau khi sử dụng công nghệ thực tế ảo 360 độ, di tích sẽ được lưu trữ, trình diễn trên nền tảng số. Các hình ảnh thực tế được số hóa sẽ được bảo tồn rất lâu, dù sau này di tích có thể sẽ có những thay đổi theo thời gian.
Cùng với việc thực hiện số hóa di tích lịch sử, Huyện Đoàn Đồng Hỷ còn tích cực đẩy mạnh việc giới thiệu mã QR trên các trang Fanpage, hộ,i nhóm... của tổ chức Đoàn, Đội. Qua đó nhằm giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện và tuyên truyền, quảng bá các di tích của địa phương. Chỉ cần có mã QR để dùng điện thoại thông minh quét mã, người dân có thể truy cập và trải nghiệm không gian thực tế ảo ngay cả khi chưa có điều kiện đến với những di tích này.
Trò chuyện với một số du khách khi được trải nghiệm những tiện ích của việc số hóa di tích lịch sử tại các di tích của huyện Đồng Hỷ, chúng tôi thấy đa số mọi người đều cho rằng đó là một bước phát triển trong công tác lưu giữ, truyền bá các giá trị về di tích. Nhất là trước thách thức của thời gian, những hình ảnh, tài liệu liên quan đến di tích vẫn sẽ được bảo tồn, chia sẻ cho thế hệ mai sau một cách dễ dàng, đầy đủ. Số hóa di tích lịch sử còn tạo điều kiện thuận lợi để mỗi du khách tự tìm hiểu mà không cần phải mất quá nhiều thời gian hay phải có người hướng dẫn, giới thiệu.
Chị Nguyễn Vân Anh, ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ) cho biết: Tôi đã tự tìm hiểu thông tin qua mã QR khi đến thăm quan một số di tích lịch sử được số hóa trên địa bàn huyện. Tôi thấy việc làm này rất ý nghĩa và thuận tiện cho du khách. Sau khi thăm quan, tôi còn chụp lại mã QR để về nhà mở ra cho người thân cùng xem.
Với mục tiêu số hóa lần lượt tất cả các di tích được xếp hạng trên địa bàn huyện và phát huy mạnh mẽ vai trò của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số, thời gian tới, Huyện Đoàn Đồng Hỷ sẽ tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm như: Xây dựng kế hoạch số hóa di tích lịch sử; nêu cao tinh thần tiên phong, sáng tạo của tuổi trẻ trong công cuộc chuyển đổi số; tích cực vận dụng, ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn; nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ các giá trị lịch sử mà cha ông ta đã để lại...