'Số hóa' di sản làng nghề thêu áo long bào duy nhất ở Hà Nội
Làng nghề thêu Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) nức tiếng gần xa với nghề 'thêu rồng phượng', hay còn được gọi là nghề 'may áo cho vua'. Trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, người dân làng nghề thêu áo long bào duy nhất ở Hà Nội không đứng ngoài thời cuộc, vừa dày công giữ gìn vốn cổ, vừa đưa công nghệ số hóa vào sản xuất.
Độc đáo lối thêu bắt nét kim tuyến
Một chiếc kim không chỉ, một đồng xu, đâm liên tục cho đến khi thành thạo không phải nhìn mũi kim dưới. Đấy là thử thách đầu tiên khi chúng tôi muốn học món nghề thêu hàng trăm tuổi. Lỗ đồng xu to vừa bằng hạt đậu, người học vừa phải căn tay liên tục để không đâm kim chệch phạm vi cho phép, vừa phải nhớ kỹ thuật thêu truyền thống của làng. Dần dần khi đã quen tay sau nhiều giờ luyện tập, người học mới bắt đầu được tập thêu có chỉ với những chi tiết đơn giản như lá cỏ.
Nghệ thuật thêu giúp làng Đông Cứu trở nên trứ danh như hiện tại là lối thêu cổ với chỉ ngũ sắc và bắt nét kim tuyến. Theo nghệ nhân Nguyễn Nhận, đời thứ 4 của dòng họ Nguyễn làm nghề thêu cho hay, bắt nét kim tuyến được hiểu là đường nét bao quanh họa tiết trước đó. Nếu như người thêu nét trước đó không được nhẵn chân chỉ thì kỹ thuật “bắt nét” lúc này giúp cho đường nét được chính xác và đẹp lên.
Ngoài lối thêu bắt nét kim tuyến, “ngôn ngữ thêu” của làng còn đặc sắc với nhiều kỹ thuật mà không phải nơi nào cũng có như nhồi vòng quanh kim tuyến, thêu quắn… tạo ra chênh lề, ghệch độn khiến rồng cuộn, phượng bay như có linh hồn. Theo nghệ nhân Nguyễn Nhận, thợ thêu nào cũng tài hoa và khéo léo, nhưng để trở thành một nghệ nhân đòi hỏi ở người học cần có sự tôn trọng đối với đường châm, kiểu mẫu. Cái khó của nghề thêu không phải là thêu hoa văn đẹp, mà phải thêu làm sao cho đúng, mũi chỉ phải đều tăm tắp về khoảng cách, độ dài, chưa kể khi thêu, mũi thêu phải cùng một hướng nhất định.
Nghề thêu cung đình đòi hỏi mỗi người thợ tính tỉ mẩn, cẩn thận và kiên nhẫn. Tính cách ấy được thể hiện ngay từ khâu chọn vải và chọn chỉ. Muốn phục dựng một long bào vua, mỗi sợi không những phải đúng với cung cách thời ấy mà còn phải nhuốm màu thời gian, để người thưởng thức vừa cảm nhận được cái đẹp, vừa thấy được câu chuyện lịch sử trong chiếc áo.
“Thông thường, đuôi rồng được thêu 5 hoặc 9 đuôi, vì trùng với chữ “sinh”. Nhiều nơi khác họ sẽ giảm bớt từ 9 đuôi xuống còn 7 đuôi để khi thêu dễ hơn, nhưng người làng thêu Đông Cứu vẫn thêu đủ 9 đuôi, nội hàm ý nghĩa tôn trọng vốn cổ” - nghệ nhân Nguyễn Nhận chia sẻ.
Theo tư liệu tại làng nghề thêu Đông Cứu, nghề “May áo cho vua” có từ thời vua Lê Cảnh Hưng, năm 1746, long bào triều vua nào cũng có tay thợ làng Đông Cứu, thế nhưng từng có thời gian nghề này gần như bị thất truyền bởi hoàn cảnh đất nước. Mỗi giai đoạn xoay vần của nước nhà, khi triều đại vua chúa cuối cùng sụp đổ, người dân làng Đông Cứu cũng dần tìm cho mình hướng đi mới, chỉ có số ít còn bám trụ với nghề.
Các thợ thêu trong làng kể lại, nhiều già làng lúc ấy trong đó có nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi, tập hợp mày mò, quyết phục dựng lại lối thêu cho ông hoàng, bà chúa năm xưa.
Nương vào sự “dẫn lối chỉ đường” tâm linh của vua chúa, thế là cái danh làng nghề cũng được theo đó mà tiếp tục phất lên, người làng bắt đầu bảo nhau giữ vững, phát triển thêm nhiều trang phục khác.
Năm 2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của Việt Nam được UNESCO vinh danh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dựa vào bề dày lịch sử có trước, các xưởng may Đông Cứu có thêm nghề may khăn chầu, áo ngự. Nếu như long bào vua phải mất ít nhất ba tháng cho đến một năm để hoàn thành thì áo chầu chỉ mất vỏn vẹn 15 ngày. Đáp ứng thị trường thương mại, các thợ giỏi trong làng Đông Cứu chủ yếu chọn may đồ chầu để ổn định thu nhập, đem lại tinh thần phấn khởi cho người dân.
Áo chầu đại diện cho linh hồn của người diễn, là cách thức để các thánh “nhận diện” mà ngự vào. Vì vậy, người thợ không chỉ đặt cái tâm tĩnh hay dốc sức thêu mà còn phải giữ cho bộ đồ được “sạch sẽ”, không dính bụi bẩn. “Pho tượng từ đất mà lên, sau đó mới được khai quang điểm nhãn, nhưng bản chất người thợ thêu đã tự phải có trách nhiệm như vậy, vừa là tâm linh, vừa để tôn trọng sản phẩm mình làm ra” - nghệ nhân Nguyễn Nhận chia sẻ.
Phát huy giá trị di sản làng nghề trong thời đại 4.0
Ông Nguyễn Thế Du - Chủ tịch Hội Nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu cho biết, làng nghề có 572 hộ thì có 90% số hộ làm nghề thêu, trong đó có hơn 100 cơ sở thêu lớn. Trước đây, thêu thùa là nghề tay trái thì từ năm 1995 đến nay, nghề thêu đã giúp nhiều hộ gia đình đổi đời, trở thành nghề chính truyền lại qua bao đời của gia đình.
Học cầm kim từ thủa ấu thơ, rồi chính thức may vá từ thủa thiếu thời, những đứa trẻ được truyền lại nghề từ chính lời dặn của cha, của mẹ. Mới đầu chỉ đơn giản là soạn, phân chia quần áo chầu để giúp con được tiếp xúc và phân biệt họa tiết, dần dần ngày nào cũng được nhìn và va chạm như một cách “học lý thuyết sống”.
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Nhận đã truyền lối thêu cổ đến đời thứ 5, thế hệ con trai của ông. Bản thân mỗi “hạt giống sau” phải có trách nhiệm áp dụng lề lối đã có từ ông cha để tiếp tục nối nghiệp gia đình, phát triển hơn nữa tinh hoa vốn có. “Mình cũng phải tạo ý chí và mục tiêu cho con mình, tạo bề dày truyền thống cho gia đình” - nghệ nhân Nguyễn Nhận bày tỏ.
Nhận thức được trách nhiệm của người trẻ trong kế thừa và nâng tầm giá trị văn hóa nghề thêu Đông Cứu, anh Vũ Thi, con trai của nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi cho biết: “Tôi mong muốn mở ra các khóa học trực tuyến hoặc livestream, người thầy vừa chỉ bảo, vừa thao tác thì người học sẽ tiếp cận dễ hơn. Ngoài ra, tại làng nghề vừa sản xuất vừa gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm cho các em học sinh, sinh viên”.
Đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều xưởng trong làng nghề thêu Đông Cứu áp dụng công nghệ hiện đại, máy thêu chuyên nghiệp vào sản xuất. Mỗi mét vải sẽ được người thợ tính toán họa tiết trên máy tính, sau đó in bản vẽ và chuyển sang hệ thống thêu tự động.
Theo nghệ nhân Nguyễn Nhận, nếu không phải người trong nghề cũng khó phân biệt được đâu là thợ thêu và đâu là máy thêu bởi chất lượng sản phẩm không có nhiều điểm khác biệt.
Hiện nay, các hộ làm nghề vừa áp dụng thêu thủ công, vừa thêu máy, vừa đảm bảo cung ứng thị trường, vừa đảm bảo vẫn giữ được vốn cổ nghề thêu truyền thống.
Dịp cuối năm, làng nghề thêu Đông Cứu bước vào giai đoạn nhộn nhịp nhất, phục vụ cho hàng Tết. Trải qua hàng trăm năm tuổi, nghề thêu Đông Cứu vẫn được giữ gìn qua nhiều thế hệ.
Đối với nghệ nhân Nguyễn Nhận, thợ thêu Vũ Thi quá trình tìm lại “hồn cốt” của làng nghề không dễ, giữ vững nó càng khó hơn. Năm 2016, nghề thêu truyền thống ở Đông Cứu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để giữ vững danh hiệu, làng nghề thêu Đông Cứu đang cố gắng từng ngày “số hóa” di sản làng nghề thông qua việc nâng cao chất lượng tay nghề kết hợp cùng công nghệ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chú trọng phát triển các dự án du lịch trải nghiệm, thu hút khách tham quan.