Số hóa di sản gắn với phát triển du lịch về nguồn

Với 126 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 105 di tích cấp tỉnh, Long An đang quan tâm phát triển du lịch về nguồn.

Long An

là tỉnh có bề dày lịch sử khai phá và truyền thống, với nguồn di sản văn hóa phong phú và đa dạng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 126 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 105 di tích cấp tỉnh. Với những tiềm năng đó, Long An đang quan tâm phát triển du lịch về nguồn, để những thế hệ sau như còn thấy cha ông ta qua từng trang sử.
*Những nơi ghi dấu lòng yêu nước

Tọa lạc tại ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, Di tích lịch sử cấp quốc gia Khu nhà ông Bộ Thỏ là nơi đồng chí Võ Văn Tần triệu tập cuộc họp bí mật, thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn vào ngày 6/3/1930. Khu di tích là tư gia của ông Nguyễn Văn Thỏ, tên thật là Nguyễn Văn Thới. Ông giữ chức Hương bộ - một chức vụ trong Ban hội tề của làng, nên người dân trong vùng thường gọi là ông Bộ Thỏ.

Ngày nay, ngôi nhà ông Bộ Thỏ đã được phục dựng lại nguyên bản trên một mảnh đất rộng 10.342m2 với lối kiến trúc ba gian, hai chái, có hàng hiên bao bọc xung quanh cùng kết cấu khung sườn bằng gỗ; ao nước bên trái ngôi nhà được tái hiện lại cuộc họp bí mật với hình tượng 7 đồng chí đảng viên, do đồng chí Võ Văn Tần chủ trì cuộc họp.

Tấm bia trong Khu nhà ông Bộ Thỏ ghi: “Sự kiện thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn đánh dấu bước ngoặt quan trọng. Từ đây, phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng ở địa phương bước sang thời kỳ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.”

Anh Lê Khắc Huy, Bí thư Đoàn xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa cho biết, đoàn viên, thanh niên huyện Đức Hòa thường xuyên dọn vệ sinh, thắp hương trước bia để tưởng niệm và bày tỏ lòng tri ân, ghi nhớ công ơn của các vị anh hùng, những người cộng sản kiên trung. Đến nơi đây, mỗi người như được nhắc nhớ về một thời kỳ đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc.

Du khách tham quan Di tích quốc gia Lăng Quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Du khách tham quan Di tích quốc gia Lăng Quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Là huyện công nghiệp của Long An - Đức Hòa cũng là cái nôi của cách mạng với nhiều địa điểm gắn với những câu chuyện lịch sử của quê hương. Theo lịch sử Chùa Pháp Minh (tọa lạc tại ấp Giồng Dứa, nay là ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) ghi, chùa do Hòa thượng Thích Liễu Lạc, thế danh Trương Văn Trình (1878 - 1937) lập nên từ năm 1933 và làm trụ trì đời thứ nhất. Trong suốt những tháng năm kháng chiến, chùa Pháp Minh là nơi chở che cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Khoảng năm 1948, chùa là địa điểm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng. Khi mật thám dò biết, chúng cho lính đến cướp phá chùa, chở cột, kèo, mè... về huyện. Đến năm 1950, chiến tranh tạm lắng xuống, chùa được bà con trong thân tộc họ Trương dựng lại bằng cây lá còn sót lại của chùa cũ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chùa là trạm cứu thương, tiếp tế, che giấu cán bộ và nuôi dưỡng thương binh. Hiện chùa còn lưu lại những căn hầm bí mật mà các vị lãnh đạo của ta thường đến họp và trú ngụ khi có những trận bố càn của quân địch. Năm Mậu Thân (1968), chùa bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhiều cán bộ chiến sĩ đã hy sinh ngay trên đất chùa nhưng không để lại tên tuổi cũng như quê quán. Nhà chùa và bà con thân tộc đã an táng các chiến sĩ vô danh này trong nghĩa trang dòng tộc họ Trương bên cạnh chùa. Nay những ngôi mộ ấy vẫn còn, nằm cách chùa 80m về hướng Đông.

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, chùa được con cháu trong họ tộc dựng lại bằng cây và lợp lá. Năm 1997, được sự giúp đỡ của gia đình ông bà Trần Thiện Ngôn (cháu ngoại của Hòa thượng Liễu Lạc), chùa được xây lên ba gian, tường gạch quét vôi, mái tôn đơn sơ để dân làng đến cầu nguyện lễ Phật.

Tới năm 2010, chùa Pháp Minh được con cháu dòng họ Trương phục dựng bằng gỗ như xưa. Các căn hầm bí mật được giữ nguyên hiện trạng. Các kỷ vật như 8 pho tượng bằng gỗ do Hòa thượng Liễu Lạc tự tay tạc, được thỉnh lên thờ tại chánh điện; 8 viên đá tảng hình vuông của nền chùa năm xưa, nay được đặt lại dưới hàng cột phía trước cửa chánh điện, để con cháu nhớ tới công đức của Tổ tiên và mong đền đáp công ơn Tiền hiền liệt tộc.

Tại xã Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, người dân và du khách có thể đến thăm Khu di tích Vàm Nhựt Tảo - nơi ghi dấu chiến công của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đốt cháy tàu L’Esperance của Pháp. Nơi đây có đền thờ người anh hùng dân chài, áo vải, lòng son - người con của quê hương Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Đây cũng là nơi con cháu trong và ngoài tỉnh tề tựu về dâng hương tưởng nhớ ông. Đặc biệt, với tình cảm thiêng liêng của nhân dân, lễ tưởng nhớ ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh được long trọng tổ chức vào ngày 11 và 12/9 âm lịch hàng năm tại 2 địa điểm của tỉnh Long An là Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo và nơi ông sinh ra - xóm Nghề, xã Thạnh Đức (huyện Bến Lức).

* Nơi lịch sử còn mãi với thời gian

Nằm ở cửa ngõ vào thành phố Tân An hướng về từ Thành phố Hồ Chí Minh về, bên Quốc lộ 1A là Khu công viên Tượng đài “Long An trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”. “Cây” số hóa di sản được đặt trong khuôn viên Khu Công viên Tượng đài, tạo thuận lợi cho người dân, du khách đến tham quan có cái nhìn toàn cảnh trước khi đi tham quan từng hạng mục, không gian trưng bày đặc sắc của Khu công viên Tượng đài.

“Cây” số hóa di sản được đặt trong khuôn viên Khu Công viên Tượng đài Long An. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

“Cây” số hóa di sản được đặt trong khuôn viên Khu Công viên Tượng đài Long An. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2 được tổ chức vào ngày 17/9/1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã phong tặng tỉnh Long An danh hiệu “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Đây là một trong những điểm son tô thắm cho truyền thống cách mạng vẻ vang của dân và quân Long An trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày nay, lá cờ thêu 8 chữ vàng được treo trang trọng trong Khu Công viên Tượng đài. Bên cạnh đó là các tiểu khu tái hiện sự kiện lịch sử, giúp khách tham quan hiểu và cảm nhận rõ ràng, trọn vẹn hơn những chiến công của quân và dân tỉnh Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhằm tạo sức sống mới cho các di sản, phục vụ bảo tồn, nghiên cứu và phát triển du lịch, Long An đang thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể trên nền tảng số ở tỉnh Long An”. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An Nguyễn Tấn Quốc khẳng định, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể, bảo vật quốc gia gắn với chuyển đổi số không những phát huy giá trị, giáo dục truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch mà còn góp phần tăng trải nghiệm, mang đến cảm xúc mới mẻ cho người dân và du khách. Đây là hướng đi nhất quán để phát triển văn - du lịch tỉnh Long An, từng bước đóng góp vào phát triển kinh tế du lịch - một trong các ngành công nghiệp văn hóa nhiều tiềm năng của tỉnh.

Với bề dày lịch sử khai phá và truyền thống văn hóa, Long An có Di tích quốc gia Lăng Quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Quận công Nguyễn Huỳnh Đức (1748-1819) sinh trưởng tại giồng Cái Én, làng Trường Khánh, châu Định Viễn, dinh Long Hồ (nay thuộc phường Khánh Hậu, thành phố Tân An). Ông là một trong “Ngũ hổ tướng của Gia Định,” là danh tướng và là công thần khai quốc của nhà Nguyễn. Khu Di tích lăng mộ của ông hiện tọa lạc tại phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, là một trong những lăng mộ cổ nhất ở Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến nay.

Quận công Nguyễn Huỳnh Đức là người có lòng trung quân, ái quốc, có tài năng và tinh thần thượng võ tiêu biểu cho một vùng đất đầy hào khí của miền Nam xưa. Theo lời truyền tụng của các bô lão ở Khánh Hậu, gia đình Nguyễn Huỳnh Đức là những người đầu tiên khai phá vùng giồng Cái Én. Hiện tại Khu di tích còn lưu giữ rất nhiều cổ vật của Quận công Nguyễn Huỳnh Đức, có giá trị cao về lịch sử và văn hóa, được các thế hệ của dòng tộc gìn giữ cẩn thận.

Những điểm đến có bề dày lịch sử, những khu di tích ở Long An đều ẩn chứa những câu chuyện lịch sử, văn hóa và truyền thống khai hoang mở cõi, đấu tranh hào hùng của ông cha ta. Ở đó, người dân và du khách có thể tìm về với cội nguồn để thêm yêu và tự hào về truyền thống lịch sử quê hương mình.

Đức Hạnh

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/so-hoa-di-san-gan-voi-phat-trien-du-lich-ve-nguon/356874.html
Zalo