Số hóa chăn nuôi giảm phát thải
Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để phát triển chăn nuôi bò thịt bền vững, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chăn nuôi bò thịt ở Việt Nam đang phát triển mạnh góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đồng thời tạo ra lượng lớn khí thải nhà kính, đặc biệt là khí metan, gây ảnh hưởng đến môi trường. Để thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi, Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để phát triển chăn nuôi bò thịt bền vững, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Phát triển chăn nuôi bò thịt nói riêng phải tính đến kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, đưa ra phát thải ròng về 0 vào năm 2025. Theo đó, phải đảm bảo tổng lượng phát thải khí mê tan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2 tương đương. Phát thải khí nhà kính trong ngành chăn nuôi giảm 18%; trong đó, phát thải khí metan trong chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn năm 2025 và 15,2 triệu tấn năm 2030 và đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện.
Mỗi năm sản lượng bò chăn nuôi trong nước đạt khoảng 500.000 tấn, chỉ mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng của người dân, phần còn lại phải nhập khẩu. Ước tính mỗi năm ngành chăn nuôi tại Việt Nam thải ra 61 triệu tấn phân, trên 304 triệu m³ nước thải và gần 15 triệu tấn CO2. Vì vậy, cần khuyến khích chăn nuôi phát triển theo hướng chuyên nghiệp, áp dụng các mô hình chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính…
Để giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi bò thịt, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, ngành chăn nuôi đang tăng cường nhiều biện pháp kiểm soát môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi trong chăn nuôi bò thịt.
Cụ thể, Cục Chăn nuôi đang khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng các loại công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ và sản xuất năng lượng tái tạo. Đồng thời, nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò thịt theo kinh tế tuần hoàn. Các trang trại chăn nuôi cũng được ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát môi trường chăn nuôi bò cũng như theo dõi các chỉ số sinh lý, sinh hóa của vật nuôi nhằm tối ưu hóa môi trường chăn nuôi.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, gần đây, phương thức chăn nuôi bò thịt đã chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi bán thâm canh và thâm canh áp dụng công nghệ cao.
Nhờ đó, năng suất của đàn bò thịt cũng như chất lượng thịt bò, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò ngày càng tăng cao. Công nghệ áp dụng trong hệ thống chuồng trại cũng rất đa dạng; trong đó, đàn bò thịt tại các trang trại chăn nuôi được nuôi nhốt có kiểm soát đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường chăn nuôi.
Nhiều trang trại chăn nuôi bò thịt vỗ béo có quy mô hàng nghìn con trở lên được tập trung ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nội, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai và các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Tại Củ Chi - nơi có đàn bò sữa lớn nhất Tp. Hồ Chí Minh, địa phương đang thực hiện chương trình phát triển bền vững đàn bò; trong đó, chú trọng giảm tổng đàn bò song vẫn nâng cao năng suất chăn nuôi, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.
Theo đó, UBND huyện đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh xác định khu vực bố trí cơ sở chăn nuôi bò sữa tập trung đến xã; điều tra, xây dựng lộ trình ổn định cũng như di dời đối với các cơ sở chăn nuôi bò sữa tập trung đến khu vực chăn nuôi tập trung.
Qua đó, tận dụng nguồn khí sinh học thay thế chất đốt, hoặc có thể sử dụng cho chạy máy phát điện, tạo ra điện phục vụ sinh hoạt gia đình và điện phục vụ trang trại. Sử dụng phân tử phụ phẩm khí sinh học thay thế phân bón hóa học...
Các chuyên gia cho rằng nên cho phép phát điện biogas để nối mạng điện lưới, nhằm khuyến khích các chủ trang trại đầu tư máy phát điện biogas công suất lớn để tận dụng hết khí gas sinh ra. Điều này nhằm đem lại lợi nhuận cho chủ trang trại, giảm thiểu tình trạng xả khí CH4 trực tiếp ra môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các công nghệ thu gom, vận chuyển chất thải chăn nuôi. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, trang trại, nông hộ thu gom chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ để bán và sử dụng.