Sở Giao thông vận tải Hà Nội lý giải về 'đèn đỏ 120 giây nhưng đèn xanh chỉ 20 giây'
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội lý giải thắc mắc của người dân về việc đèn đỏ dài 120 giây nhưng đèn xanh chỉ 20 giây.
Sau nửa tháng Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực và được áp dụng trên thực tế đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức người tham gia giao thông Thủ đô; tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay hàng đoàn xe “rồng rắn” trên vỉa hè… giảm rõ rệt. Tuy nhiên, điệp khúc ùn tắc giao thông tiếp tục lặp lại trên địa bàn Hà Nội trong những ngày gần đây khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã cận kề.
“Nhiều trục đường như: Láng, Trường Chinh, Tây Sơn, Khuất Duy Tiến, Hoàng Minh Giám, đại lộ Thăng Long… phương tiện nhích từng chút, dù không phải trong khung giờ cao điểm, thậm chí ngay cả một số tuyến phố nội đô trước đây thông thoáng giờ cùng ùn ứ vào các khung giờ cao điểm, dường như tắc đường ngày càng trầm trọng hơn”, anh Lê Hùng (quận Hai Bà Trưng) phàn nàn.
Những ngày qua, nhiều người dân phản ánh, tại các nút giao thông lớn thường xảy ra ùn ứ, người dân phải đợi tới cả vài nhịp đèn xanh mới có thể đi qua một ngã tư, mà nguyên nhân là do đèn tín hiệu. Điển hình như: đèn tín hiệu nút giao Xã Đàn với Đại Cồ Việt, hướng Xã Đàn qua gần đường ray để đèn đỏ 180 giây, xanh 15 giây hay đèn tín hiệu tại ngã 3 Hoàng Đạo Thúy và Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), thời gian đèn đỏ tại đây có lúc lên tới 160 giây nhưng đèn xanh lại chưa tới 60 giây; đèn tín hiệu ở đường Nguyễn Hữu Thọ giao với vành đai 3 Khu đô thị Linh Đàm người tham gia giao thông cũng mệt mỏi vì đếm từng giây đèn đỏ,.. khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn, tạo xung đột, thậm chí gây hỗn loạn giao thông.
“Ý thức của người tham gia giao thông đã chuyển biến rõ rệt sau khi có Nghị định 168 nhưng tại sao tình trạng ùn tắc giao thông không giảm, thậm chí nhiều điểm ùn ứ mới phát sinh, các cơ quan chức năng cần xem lại biện pháp tổ chức giao thông và hạ tầng giao thông đã hợp lý chưa”, chị Nam Giang, phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng đề nghị.
Lý giải thắc mắc của người dân về việc đèn đỏ dài 120 giây nhưng đèn xanh chỉ 20 giây, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, việc pha đèn dài hay ngắn tại các nút giao đều liên quan đến kỹ thuật và lưu lượng phương tiện tại khu vực đó. Nhiều nút giao thông tại Hà Nội lưu lượng xe vượt rất nhiều so với khả năng đáp ứng, đặc biệt trong khung giờ cao điểm. Do vậy, phải ưu tiên tuyến chính, tuyến có lưu lượng lớn hơn, giải phóng lưu lượng nhanh nhất. Khi có thông tin về đèn tín hiệu gặp vấn đề, Sở Giao thông vận tải ngay lập tức cho sửa chữa.
Theo ông Trần Hữu Bảo, Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an thành phố sẽ rà soát để điều chỉnh phù hợp với thực tế vào từng thời điểm; đồng thời, áp dụng công nghệ, dần đưa vào điều chỉnh đèn thích ứng theo lưu lượng các hướng.
Phân tích nguyên nhân gia tăng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô những ngày gần đây, đại diện Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an thành phố Hà Nội cho biết, đây là thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao khiến lưu lượng phương tiện trên địa bàn tăng khiến nhiều tuyến đường ùn tắc ngay cả vào ngày cuối tuần. Lực lượng Cảnh sát Giao thông không chỉ phải điều tiết giao thông vào các giờ cao điểm sáng, chiều và giữa trưa cũng phải làm việc. Đặc biệt, kế hoạch phân luồng phải liên tục thay đổi.
Trong năm 2024, ngành giao thông Hà Nội đã nỗ lực xử lý được 13/33 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thành phố lại có nguy cơ phát sinh thêm 16 điểm ùn tắc, nâng tổng số lên 36 điểm, tuyến đường ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tốc độ gia tăng xe cá nhân ở Hà Nội hiện nay nhanh gấp hơn 10 lần tốc độ phát triển hạ tầng giao thông gây áp lực lớn cho hạ tầng giao thông và là nguyên nhân chính làm gia tăng ùn tắc giao thông ở Thủ đô.
“Ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện các điểm ùn tắc mới. Nguyên nhân là do, lượng xe cá nhân tăng cao, hạ tầng chưa theo kịp với sự phát triển của đô thị, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng còn hạn chế…”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường đánh giá về tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc trên, thành phố Hà Nội đẩy mạnh thực hiện 8 nhóm giải pháp; trong đó, có phát triển vận tải hành khách công cộng, đầu tư kết cấu hạ tầng… Về giải pháp cấp bách trước mắt, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an thành phố lập 5 tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp giải quyết ùn tắc.
Cùng với đó, Tổ công tác sẽ nghiên cứu, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhằm điều tiết lưu lượng, điều chỉnh pha đèn phù hợp với lưu lượng phương tiện; rà soát các bất cập tại các nút giao có mật độ giao thông cao để điều chỉnh tổ chức giao thông; sắp xếp, bố trí lại các điểm dừng, đỗ xe buýt một cách hợp lý. Đồng thời, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội cũng tăng mức xử phạt và tăng cường phạt “nguội” theo quy định, nhằm điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất xây dựng 5 cầu vượt kết cấu thép, nhằm giải quyết ùn tắc và tăng khả năng kết nối giao thông tại các nút giao: Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm); Cổ Linh - Thạch Bàn (quận Long Biên); Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân); Cổ Bi – Ngô Xuân Quảng (huyện Gia Lâm); Nguyễn Huy Nhuận – Lý Thánh Tông (huyện Gia Lâm).
Tại nút giao Thanh Xuân, Sở Giao thông vận tải sẽ thực hiện phương án điều chỉnh, tổ chức lại giao thông nút giao Thanh Xuân nhằm giảm tình trạng ùn tắc kéo dài như đã thực hiện với nút giao Ngã Tư Sở. Còn đối với đường Vành đai 3 trên cao, do là đường đối ngoại nên lượng xe tải, xe kinh doanh lưu thông tại đây rất lớn.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, biện pháp hiệu quả nhất lúc này là phải giảm bớt lượng xe tải, xe kinh doanh hoạt động ở đường Vành đai 3 trên cao; đồng thời, giao cho cơ quan tham mưu khảo sát, lập phương án cụ thể, báo cáo Sở Giao thông vận tải chấp thuận thực hiện.
Để giải quyết mâu thuẫn giữa sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân với hạ tầng giao thông gây ra vấn nạn ùn tắc giao thông ở Thủ đô, các cấp, các ngành đang nỗ lực thực hiện các giải pháp; trong đó, có nhiều giải pháp đang phát huy tác dụng.
Việc áp dụng theo Nghị định 168 tăng mạnh mức phạt đối với các vi phạm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, từ đó, góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc và tình trạng coi thường pháp luật, “nhờn luật” hiện nay đang còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng rõ ràng ý thức của người tham gia giao thông đã chuyển biến đến ngạc nhiên.
“Mức phạt cao như thế này nhiều người sợ vi phạm nên cân nhắc chuyển sang đi vận tải công cộng. Tuy nhiên, để giao thông công cộng thuận lợi cho người dân thì cơ quan chức năng phải tính toán đến việc kết nối xe buýt thuận lợi”, người đàn ông kinh doanh quần áo trên phố Kim Giang chia sẻ.
Giải quyết ùn tắc giao thông là một bài toán khó, nhưng khi ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên thì các giải pháp khác triển khai trong thực tế mới phát huy hiệu quả góp phần giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông cho Thủ đô.