Sở GD TPHCM đang khảo sát tiếng Anh, GV đã nhận lịch mở lớp bồi dưỡng ngoại ngữ

Các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục TPHCM kéo dài từ cuối tháng 4 đến tháng 12 năm 2025.

Ngày 15/4/2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 1879/KH-SGDĐT về việc tổ chức khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh của công chức, viên chức ngành giáo dục và Đào tạo Thành phố.

Theo kế hoạch, giáo viên làm bài trong khoảng thời gian từ 08 giờ 00 phút đến 21 giờ 00 phút từ ngày 23 đến ngày 29/4/2025. Được biết, có hơn 47.000 giáo viên từ bậc học tiểu học đến trung học phổ thông tại toàn bộ các trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tham gia một đợt khảo sát năng lực tiếng Anh.

Đáng nói, việc khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh chưa xong, thì vừa qua, nhiều giáo viên Thành phố lại nhận được thông báo bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố khiến không ít thầy cô giáo cảm thấy băn khoăn.

Cụ thể, giáo viên một số trường phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được Thông báo số 1897/TB-SGDĐT ngày 15/4/2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố về các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục và đào tạo.

 Ảnh chụp một phần nội dung Thông báo số 1897/TB-SGDĐT. (Ảnh: Cao Nguyên)

Ảnh chụp một phần nội dung Thông báo số 1897/TB-SGDĐT. (Ảnh: Cao Nguyên)

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố thông tin đến các đơn vị về các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố năm 2025 như sau:

Đối tượng bồi dưỡng

Công chức đang làm việc tại Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp (công lập và ngoài công lập); sinh viên, học sinh, học viên tự do có nhu cầu.

Các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học

Riêng đối với lớp bồi dưỡng chuyển đổi số (cơ bản, nâng cao) ngành giáo dục và đào tạo: các đơn vị thực hiện theo Văn bản số 1814/SGDĐT-VP ngày 11 tháng 4 năm 2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phát triển năng lực, kỹ năng số cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên thực hiện chương trình chuyển đổi số - Nội dung nâng cao năm 2025.

Địa điểm và thời gian học/dự thi

Địa điểm: Trung Tâm Ngoại ngữ - Tin học Sở Giáo dục và Đào tạo (địa chỉ: số 94 đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.)

Thời gian: Buổi tối các ngày trong tuần: từ 18 giờ 00 đến 21 giờ 00. Thứ bảy và Chủ nhật: 8 giờ 00 đến 11 giờ 00; 14 giờ 00 đến 17 giờ 00; 18 giờ 00 đến 21 giờ 00.

Học viên, đơn vị hoàn tất việc thực hiện thủ tục đăng ký theo các bước trên trước ngày khai giảng ít nhất 07 ngày. Số lượng học viên/lớp: 20 - 25 học viên.

Kinh phí bồi dưỡng

Kinh phí bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo năm 2025 thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC; Thông tư số 06/2023/TT-BTC.

Cần biết thêm, Điều 2 Thông tư số 36/2018/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định kinh phí đào tạo, bồi dưỡng như sau:

1. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được đảm bảo từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đóng góp của viên chức và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Còn Điều 2 Thông tư số 06/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định kinh phí đào tạo, bồi dưỡng như sau:

1. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được đảm bảo từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức đóng góp, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.

a) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách Nhà nước được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách Nhà nước được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

c) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, kinh phí do đơn vị tự đảm bảo từ các nguồn tài chính của đơn vị; từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Trường hợp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nguồn kinh phí thực hiện theo các Chương trình, Đề án đó.

Giáo viên có cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay không?

Liên quan đến việc giáo viên có cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay không, người viết cung cấp hành lang pháp lí quy định về trình độ ngoại ngữ và tin học để bạn đọc tham khảo.

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có nêu:

Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Sửa đổi điểm đ khoản 4 Điều 3, điểm d khoản 4 Điều 4, điểm d khoản 4 Điều 5 như sau: “Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp; có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm".

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập.

Sửa đổi điểm g khoản 4 Điều 3, điểm g khoản 4 Điều 4, điểm đ khoản 4 Điều 5 như sau: “Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp; có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm".

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập.

Sửa đổi điểm h khoản 4 Điều 3, điểm h khoản 4 Điều 4, điểm h khoản 4 Điều 5 như sau: “Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp; có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm".

Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập.

Sửa đổi điểm k khoản 4 Điều 3, điểm g khoản 4 Điều 4, điểm g khoản 4 Điều 5 như sau: “Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp; có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm”.

Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo không yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.

Tuy nhiên, việc bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không đồng nghĩa sẽ “xem nhẹ” việc sử dụng ngoại ngữ, tin học của các giáo viên khi giảng dạy cho học sinh. Thầy cô giáo có thể tự học để bổ trợ chuyên môn, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy của mình.

Bạn đọc có thể xem toàn văn Thông báo số 1897/TB-SGDĐT của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố TẠI ĐÂY.

Minh Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/so-gd-tphcm-dang-khao-sat-tieng-anh-gv-da-nhan-lich-mo-lop-boi-duong-ngoai-ngu-post250906.gd
Zalo