Sở GD-ĐT TPHCM: Yêu cầu trường tư thục không được thu học phí gộp nhiều năm

Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản chấn chỉnh tình hình hoạt động giáo dục tại các trường phổ thông ngoài công lập, bao gồm các trường tư thục, trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu nhà trường khi tổ chức thu học phí phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ. Các trường chỉ được thu tối đa 9 tháng/năm học và không được phép thu gộp cho nhiều năm hay toàn cấp học.

Nhà trường phải công khai học phí và các khoản thu khác theo từng tháng, học kỳ, năm học và toàn cấp học. Việc công khai học phí phải thể hiện qua trang thông tin điện tử (website) của đơn vị và niêm yết công khai để dễ theo dõi.

Học sinh TPHCM trong giờ học Stem. Ảnh minh họa.

Học sinh TPHCM trong giờ học Stem. Ảnh minh họa.

Các trường cần tách bạch quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng trường, ban kiểm soát, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo đúng quy định tại Thông tư 40 của Bộ GD-ĐT.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT TPHCM cũng yêu cầu các trường treo biển tên phải đúng với tên được ghi trong quyết định cho phép thành lập của UBND TPHCM. Tương tự, website của trường cũng phải ghi đúng với tên ghi trong quyết định cho phép thành lập.

Đối với lao động là người nước ngoài, trường phải quản lý giấy phép lao động chặt chẽ. Khi nghỉ việc hoặc hết hạn giấy phép, lao động nước ngoài phải thực hiện trả giấy phép trong thời gian quy định. Khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động, nhà trường phải thực hiện ký hợp đồng lao động.

Đối với các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục có vốn trong nước, nhà trường phải bảo đảm tỷ lệ ít nhất 40% giáo viên cơ hữu so với tổng số giáo viên toàn trường theo quy định.

Khi xây dựng kế hoạch giáo dục, phải phân biệt giữa chương trình phổ thông 2006 và chương trình phổ thông 2018 tùy theo khối lớp. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc và có số tiết theo quy định là 3 tiết/tuần với tổng số 105 tiết/năm học.

Khi tuyển sinh, nhà trường đảm bảo phải có đủ 3 quyết định: Quyết định cho phép hoạt động giáo dục, quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh 10 và quyết định thành lập hội đồng tuyển sinh 10 do Sở GD-ĐT cấp, không được tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép hàng năm.

Đối với trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có giấy phép lao động theo quy định. Trường hợp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là người biệt phái từ các nước phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định.

Được biết, TPHCM hiện có 961 trường ngoài công lập, từ mầm non đến THPT với 274.000 học sinh. Hơn 20 trường dạy chương trình phổ thông của Anh, Mỹ, Canada, Australia, thường được gọi là trường quốc tế. Theo chương trình này, học sinh thi tốt nghiệp để nhận bằng tú tài Anh (A-level) hoặc tú tài quốc tế (IB), tú tài bang Ontario, Canada (OSSD). Học phí các trường này dao động từ 100 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

Trước khi có yêu cầu của Sở, một số trường thu học phí gộp nhiều năm hoặc dưới dạng gói đầu tư, hợp đồng góp vốn với một số ưu đãi. Tuy nhiên, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu chủ trường mất khả năng chi trả. Điển hình như sự việc diễn ra tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN). Phụ huynh cho biết, trường vay hàng chục tỷ đồng không lãi suất để con được học miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay con đã ra trường nhưng vẫn chưa được hoàn lại.

PV

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/so-gd-dt-tphcm-yeu-cau-truong-tu-thuc-khong-duoc-thu-hoc-phi-gop-nhieu-nam-d3722.html
Zalo