Sở Công Thương bứt phá trong cải cách thủ tục hành chính

Năm 2024, Sở Công Thương đã triển khai hàng loạt giải pháp cải cách hành chính (CCHC) hiệu quả, khẳng định nỗ lực bứt phá trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ công hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Người dân làm thủ tục hành chính lĩnh vực công thương tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh.

Người dân làm thủ tục hành chính lĩnh vực công thương tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh.

Chuyển đổi số làm đòn bẩy

Để đáp ứng yêu cầu chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh, Sở đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý. 100% văn bản đi được chuyển qua hệ thống đối với các đơn vị có liên kết liên thông; 100% văn bản đến đều được giải quyết trên môi trường điện tử, tiết kiệm thời gian, nhân lực trong việc xử lý thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu tình trạng sai sót trong quá trình xử lý. Sở cũng triển khai hệ thống ISO 9001:2015 để duy trì và nâng cao chất lượng công tác hành chính. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai hiệu quả, kết nối tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để mọi thông tin, dữ liệu được trao đổi thông suốt. Sở đã số hóa toàn bộ TTHC và chuyển sang hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, 100% hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến; 100% hồ sơ có trả kết quả được ký số và gửi điện tử đến các cơ quan liên quan. Sở cũng đã triển khai thanh toán trực tuyến đối với 100% hồ sơ có phát sinh phí, lệ phí; trong đó đã tích hợp các mô hình như tài khoản định danh điện tử, QR code cho giải quyết TTHC, tạo thuận lợi trong giao dịch. Trong năm 2024, Sở đã triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, trong đó chú trọng đến việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của một nền kinh tế số. Cùng với đó thực hiện 2 mô hình điểm thuộc Nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội và Nhóm tiện ích phục vụ công dân số, đóng góp vào việc xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số tại địa phương.

Trong năm 2024 Sở đã tăng cường rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực của ngành, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp. Điều này không chỉ giúp giảm bớt sự chồng chéo mà còn nâng cao tính minh bạch trong quản lý hành chính. Cụ thể, đã đề xuất cắt giảm thành phần hồ sơ trong 3 TTHC quan trọng liên quan đến cấp phép và thu hồi giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp; đề xuất gộp 1 TTHC về kiểm tra năng lực sản xuất hàng may mặc, giúp đơn giản hóa quy trình giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu; các đề xuất đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2528/QĐ-UBND ngày 18/11/2024. Sở trình UBND tỉnh ban hành 10 quyết định công bố TTHC mới, sửa đổi trong các lĩnh vực như: Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, xúc tiến thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụm công nghiệp, nghề thủ công mỹ nghệ, tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư và điện lực. Tất cả TTHC được cập nhật nhanh chóng trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, Trang tin điện tử của Sở Công Thương và tại Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh. Tính đến tháng 12/2024, Sở đã đăng tải trên 400 bài viết về các quy định pháp luật mới trên Trang thông tin điện tử của Sở giúp doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận, nắm bắt kịp thời.

Sở chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo minh bạch và hiệu quả trong thực thi công vụ của các phòng, ban; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa xung đột lợi ích thông qua các chương trình kiểm tra và chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định. Sở đã bố trí đội ngũ cán bộ thường trực tại Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh để hỗ trợ trực tiếp và kịp thời mọi thắc mắc của người dân và doanh nghiệp. Những đổi mới toàn diện trong tổ chức và nhân sự, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức, giảm thiểu các hành vi sách nhiễu, đảm bảo công bằng và minh bạch trong công tác giải quyết TTHC đã giúp nâng cao hiệu quả thực thi công vụ và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Đến tháng 12/2024, gần 38 nghìn hồ sơ đã được tiếp nhận, trong đó hơn 37.700 hồ sơ được giải quyết đúng hạn, đạt tỷ lệ 100%. Không có phản ánh, khiếu nại nào từ người dân và doanh nghiệp về việc thực hiện TTHC, minh chứng cho sự cải thiện rõ rệt trong công tác phục vụ.

Hướng đến nền hành chính hiện đại

Theo đồng chí Vũ Thị Kim, Giám đốc Sở Công Thương: “Bước sang năm 2025, Sở Công Thương tiếp tục đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả CCHC, với trọng tâm là chuyển đổi số và hiện đại hóa quản lý”. Các kế hoạch bao gồm: Nâng cấp hạ tầng công nghệ, mở rộng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và số hóa toàn bộ hồ sơ. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Nam Định, Chỉ số Quản trị hành chính công, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số CCHC cấp tỉnh. Ưu tiên nâng cấp hệ thống máy chủ, máy tính, đường truyền kết nối internet tốc độ cao, kết nối mạng WAN; tăng cường đầu tư theo hướng tập trung, thống nhất ưu tiên các tiêu chí về xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung dữ liệu của UBND tỉnh với các sở, ngành, địa phương. Nâng cấp, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh và các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tăng cường sử dụng, trao đổi văn bản điện tử, báo cáo điện tử, chữ ký số giữa các cơ quan hành chính Nhà nước. Ứng dụng có hiệu quả hệ thống báo cáo cấp tỉnh trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Nam Định phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử, hồ sơ giải quyết TTHC theo quy định; đẩy mạnh hậu kiểm, từ đó, tạo điều kiện để triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đồng thời, Sở sẽ đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gắn với việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Đề án 06 của Chính phủ, chú trọng phát triển dữ liệu về dân cư và định danh điện tử, tạo nền tảng cho nền kinh tế số.

Để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đúng tiến độ, có chất lượng, hiệu quả, Sở Công Thương sẽ phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp trong việc chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; trong đó, Giám đốc sở, lãnh đạo sở làm trung tâm, trưởng các đơn vị là người kế tiếp, từ đó lan tỏa đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, Sở Công Thương quyết tâm góp phần cùng tỉnh xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, đưa Nam Định trở thành điểm sáng trong cải cách và phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202501/so-cong-thuong-but-phatrong-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-8232f3b/
Zalo