Số ca mắc sởi ở Đà Nẵng có xu hướng tăng cao

Từ đầu năm 2025 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 3.700 ca nghi ngờ sởi, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, 973 trường hợp trong số này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi, chiếm 83,7% các ca xét nghiệm.

Ngày 6/4, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã có thông tin về tình hình bệnh sởi trên địa bàn Đà Nẵng.

Theo bác sĩ Võ Thu Tùng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, từ cuối năm 2024 đến nay, số ca nghi mắc và mắc sởi tại Đà Nẵng tăng liên tục, đặc biệt từ tháng 2/2025.

Từ đầu năm 2025 đến ngày 6/4, toàn thành phố ghi nhận 3.700 ca nghi sởi, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2024 (11 ca). Trong đó, 973 trường hợp trong số này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi, chiếm 83,7% các ca xét nghiệm.

 Dịch sởi vẫn đang là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với trẻ em chưa được tiêm phòng đầy đủ. (Ảnh minh họa)

Dịch sởi vẫn đang là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với trẻ em chưa được tiêm phòng đầy đủ. (Ảnh minh họa)

Dự báo tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp khi số lượng bệnh nhân sởi phải nhập viện gia tăng. Trong tháng 3/2025, Đà Nẵng ghi nhận trung bình 550 trường hợp nghi sởi nhập viện và hiện tại có 317 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Đáng chú ý, khoảng 20% bệnh nhân là từ các tỉnh khác đến Đà Nẵng điều trị, trong đó có 21 ca bệnh thuộc nhóm nguy cơ nặng.

Phân tích bệnh nhân dương tính trên địa bàn Đà Nẵng cho thấy, 58,6% bệnh nhân là trẻ em chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi. Tỉ lệ bệnh nhân theo độ tuổi cho thấy, tình trạng bệnh chủ yếu xuất hiện ở trẻ em, trong đó 57,1% là trẻ trong độ tuổi đi học, 12,7% trẻ dưới 9 tháng tuổi, 16,5% trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi, 21,8% trẻ trên 2 tuổi đến 5 tuổi và 27,2% từ 5 - 11 tuổi.

Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, ngành y tế TP Đà Nẵng đã triển khai mạnh chiến dịch tiêm vắc xin sởi. Đến ngày 31/3, đã có 21.560 trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 10 tuổi được tiêm bổ sung vắc xin sởi, đạt tỉ lệ tiêm chủng lên tới 96,23%, vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số trẻ chưa được tiêm do chống chỉ định hoặc tình trạng sức khỏe không cho phép.

Các cơ sở y tế trên địa bàn Đà Nẵng đã triển khai các biện pháp điều trị bệnh nhân sởi hiệu quả, với khả năng đáp ứng đủ giường bệnh cho khoảng 650-700 bệnh nhân điều trị nội trú, bao gồm khoảng 30 giường cho bệnh nhân sởi nặng.

Đặc biệt, các bệnh viện đã tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm tại các khu vực tiếp đón bệnh nhân và khu vực điều trị.

Ngoài ra, Đà Nẵng đã cấp phát gần 7.000 liều vitamin A cho các cơ sở y tế, đồng thời dự trữ khoảng 12.800 liều vitamin A để phục vụ điều trị cho bệnh nhân trong 6 tháng tới.

Dịch sởi vẫn đang là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với trẻ em chưa được tiêm phòng đầy đủ. Do đó, việc duy trì chiến dịch tiêm vắc xin rộng rãi, kết hợp với tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cơ sở y tế và cộng đồng, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch sởi trong thời gian tới.

Trước tình hình dịch sởi đang diễn biến phức tạp, các bậc phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ theo lịch và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Lê Tâm

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/so-ca-mac-soi-o-da-nang-co-xu-huong-tang-cao-175601.html
Zalo