Số ca mắc COVID-19 vượt 262,6 triệu, thế giới tăng cường đối phó với biến thể Omicron

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 30/11 (theo giờ Việt Nam), trên toàn thế giới ghi nhận 262.640.323 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.228.834 ca tử vong. Số ca hồi phục là 237.170.721 ca.

Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho bệnh nhân tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho bệnh nhân tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, khiến nhiều nước siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, áp đặt lệnh cấm nhập cảnh, tăng cường tiêm vaccine ngừa COVID-19... Có thêm một số nước phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron là Nhật Bản, Tây Ban Nha.

Tại châu Âu, Ủy viên Y tế của Liên minh châu Âu (EU) Stella Kyriakides kêu gọi chính phủ các nước thành viên EU tăng cường nỗ lực phát hiện các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh biến thể Omicron đã lây lan ở 10 nước thành viên. Biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên ở miền Nam châu Phi và nay đã lan ra nhiều quốc gia châu Âu, song vẫn khó truy vết sự lây lan của biến thể này do nhiều nước không thực hiện giải trình tự gene đầy đủ của các mẫu xét nghiệm dương tính.

Bà Kyriakides cũng khuyến nghị nhà chức trách các nước xét nghiệm trên diện rộng hơn nữa bằng phương pháp xét nghiệm nhanh và xét nghiệm phân tử, nhấn mạnh xét nghiệm để phát hiện ca nhiễm và cũng là bước đầu tiên để giải trình tự gene.

Chủ tịch Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) Andrea Ammon ngày 30/11 thông báo đã có 42 ca nhiễm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 là Omicron được ghi nhận tại 10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Bỉ, thủ đô Brussels bắt đầu chiến dịch tiêm chủng tăng cường trước sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Thành phố tiếp tục áp dụng phương thức không tập trung tiêm chủng tại những trung tâm lớn mà mở lại các trạm tiêm chủng tại các quận, triển khai xe buýt tiêm chủng và tổ chức tiêm tại 19 hiệu thuốc thuộc 19 quận của thủ đô.

Trong khi đó, Cơ quan quản lý y tế Pháp thông báo ủng hộ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những trẻ em từ 5-11 tuổi có nguy cơ bệnh trở nặng nếu mắc COVID-19 hoặc sống cùng những người có nguy cơ mắc COVID-19.

Tại Anh, người dân vùng England đã phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng hay khi đến các cửa hàng, ngân hàng và tiệm làm tóc theo quy định bắt buộc mà chính quyền địa phương ban hành để phòng ngừa nguy cơ lây lan của biến thể Omicron. Ngoài quy định trên, chính quyền vùng England cũng yêu cầu tất cả du khách quốc tế phải tiến hành xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ 2 sau khi tới và tự cách ly cho đến có kết quả xét nghiệm. Đây là quy định bổ sung mà chính quyền vùng England ban hành cùng với quy định bắt buộc cách ly đối với người đến từ 10 nước miền Nam châu Phi. Anh đến nay đã ghi nhận 11 ca nhiễm Omicron và dự báo con số này sẽ còn tăng.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 29/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 29/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, Hàn Quốc đã phát hiện ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron ở nước này. Giới chức y tế Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm giải trình tự gene đối với một cặp đôi mới tới Hàn Quốc từ Nigeria và cho xét nghiệm dương tính. Kết quả xét nghiệm chính thức sẽ được thông báo vào chiều 1/12.

Ngay sau khi có thông tin về ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron, Thủ tướng Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát nhập cảnh chặt chẽ hơn, nhanh chóng phát triển bộ kít xét nghiệm biến thể Omicron và đưa ra chiến lược mới kiểm soát biến thể mới này. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã quyết định áp dụng thời hạn 6 tháng đối với "thẻ thông hành phòng dịch" (thẻ vaccine), mở rộng đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi bổ sung cho tất cả người trưởng thành và siết chặt một số quy tắc phòng dịch.

Còn Singapore đã quyết định thắt chặt các biện pháp kiểm soát đường biên, tăng cường xét nghiệm PCR và dừng kế hoạch nới lỏng hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội để có thêm thời gian chuẩn bị đối phó với biến thể Omicron.

Từ ngày 3/12, các biện pháp kiểm soát mới đối với người nhập cảnh sẽ được kích hoạt, theo đó, tất cả những người nhập cảnh qua Làn đi lại cho người đã tiêm đủ vaccine (VTL) sẽ phải xét nghiệm nhanh ART tại các trung tâm xét nghiệm vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7 sau khi có mặt tại Singapore. Trước đó, những người này chỉ phải xét nghiệm PCR sau khi nhập cảnh. Bên cạnh đó, tất cả những người nhập cảnh hoặc quá cảnh tại Singapore bằng đường hàng không đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính (có thể xét nghiệm PRC hoặc ART) trong vòng 2 ngày trước khi lên chuyến bay tới Singapore.

Quy định này áp dụng cả với du khách từ Trung Quốc đại lục cũng như Đài Loan, Hong Kong và Macau (Trung Quốc), vốn trước đó chỉ phải xét nghiệm PCR một lần khi nhập cảnh vào Singapore. Những du khách nhập cảnh vào Singapore không sử dụng làn VTL sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR.

Ngoài ra, Singapore sẽ thông báo xét nghiệm đối với toàn bộ những người đã nhập cảnh vào nước này từ ngày 12 - 27/11 và có lịch sử đi lại trước đó tới các khu vực/nước bị ảnh hưởng của biến thể Omicron. Singapore cũng sẽ triển khai xét nghiệm PCR định kỳ hằng tuần bắt đầu từ ngày 2/12 cho lực lượng làm việc tại sân bay và khu vực đường biên giới, thay vì xét nghiệm nhanh ART như hiện nay...

Tương tự, Campuchia đã quyết định áp đặt hạn chế đi lại đối với 10 quốc gia châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, theo đó, những người từng tới 10 nước trên trong vòng 3 tuần qua sẽ bị cấm nhập cảnh vào Campuchia. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong vòng 48 giờ sau khi được công bố. Đến nay, Campuchia vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron.

Trong khi đó, Campuchia lại quyết định cho phép các quán karaoke, câu lạc bộ đêm và quán bar tại thủ đô Phnom Penh được mở cửa trở lại sau một thời gian dài ngừng hoạt động do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định y tế như bố trí nhân viên kiểm tra chứng nhận tiêm chủng và đo thân nhiệt của khách hàng ở lối vào. Ngoài ra, các cơ sở này cũng phải đảm bảo việc thực hiện hướng dẫn y tế như đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn tay, thực hiện giãn cách xã hội, tránh những không gian kín và đông người, hạn chế tiếp xúc trực tiếp... quyết định trên được đưa ra sau khi phần lớn dân số nước này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 và số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày giảm đáng kể.

Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này kêu gọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành biện pháp chống dịch, tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 tăng cường và cấm công dân tới 7 nước châu Phi, gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe. Ngoài ra, Malaysia cũng cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đã tới 7 nước nêu trên trong 14 ngày qua. Công dân Malaysia dù đã hoàn thành tiêm chủng hay không, nếu trở về Malaysia từ 7 nước nói trên, sẽ phải cách ly 14 ngày tại trung tâm cách ly.

Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho biết những người không phải cư dân Hong Kong đến từ Angola, Ethiopia, Nigeria và Zambia sẽ không được phép nhập cảnh kể từ ngày 30/11. Còn người dân Hong Hong có thể trở về nếu đã tiêm chủng nhưng sẽ phải cách ly 7 ngày tại cơ sở của chính quyền và thêm 14 ngày trong khách sạn tự trả chi phí. Ngoài ra, những người không phải cư dân Hong Kong từng đến Australia, Áo, Bỉ, Canada, CH Séc, Đan Mạch, Đức, Israel và Italy trong 21 ngày qua sẽ không được phép nhập cảnh kể từ ngày 2/12. Người dân Hong Kong đã tiêm chủng trở về từ các quốc gia này sẽ phải thực hiện 3 tuần cách ly tại khách sạn.

Minh Châu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/so-ca-mac-covid19-vuot-2626-trieu-the-gioi-tang-cuong-doi-pho-voi-bien-the-omicron-20211130222608143.htm
Zalo