Số ca mắc bệnh hô hấp tăng mạnh, bệnh viện quá tải
Ô nhiễm không khí khiến số người mắc bệnh hô hấp nhập viện tăng mạnh, gây quá tải cho các bệnh viện, làm giảm chất lượng khám chữa bệnh và tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế.
Số lượng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp tăng cao
Chất lượng không khí kém đang trở thành một trong những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng tại các thành phố lớn. Những chất ô nhiễm chủ yếu trong không khí như ozone (O3), nitơ dioxide (NO2), lưu huỳnh dioxide (SO2), carbon dioxide (CO2) và bụi mịn PM2.5 không chỉ làm suy giảm chất lượng sống, mà còn gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Bụi mịn PM2.5 là một trong những chất ô nhiễm nguy hiểm nhất, vì kích thước siêu nhỏ của chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi, thậm chí đi vào máu khi con người hít phải. Các hạt bụi này gây ra viêm nhiễm, suy yếu chức năng mạch máu và thúc đẩy quá trình vôi hóa động mạch, dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa trong thành mạch, khiến lòng động mạch bị thu hẹp, giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng như tim và não, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, huyết áp cao và các vấn đề về mạch máu.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là một trong những rủi ro sức khỏe cộng đồng lớn nhất hiện nay, gây ra hơn 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn thế giới. Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cảnh báo, chất lượng không khí kém là một trong những rủi ro lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng hiện nay. Nếu không có hành động quyết liệt, chúng ta sẽ phải đánh đổi bằng chính những thành quả y tế đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua.
Bác sỹ Bùi Thu Hương, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Phổi Trung ương) chia sẻ, mỗi khi chất lượng không khí giảm xuống mức xấu, lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng khoảng 20%. Hệ hô hấp là cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, dẫn đến nhiều ca bệnh, từ nhẹ như viêm họng, ho kéo dài, đến nặng như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)...
Đặc biệt, ở những người có bệnh mạn tính như hen suyễn hoặc COPD, tình trạng ô nhiễm không khí có thể làm khởi phát các đợt cấp tính nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí, PGS-TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao trong những thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng, khiến hệ thống y tế bị quá tải, dẫn tới thời gian điều trị kéo dài, chất lượng khám chữa bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thứ trưởng khẳng định, ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn là bài toán lớn đối với ngành y tế. Nó tạo ra áp lực ngày càng lớn lên hệ thống bệnh viện, đồng thời đe dọa trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng điều trị.
Nhiều giải pháp tổng hợp
Để đối phó với tình trạng ô nhiễm, các chuyên gia y tế khuyến nghị, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe như sử dụng máy lọc không khí trong nhà, đeo khẩu trang chống bụi mịn khi ra ngoài, đặc biệt tại các khu vực có mật độ giao thông cao hoặc đang thi công xây dựng. Khám sức khỏe định kỳ là biện pháp quan trọng để phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch và hô hấp.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi sự chung tay của toàn hệ thống chính trị - xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí. “Việc bảo vệ chất lượng không khí không thể là trách nhiệm đơn lẻ của bất kỳ ai. Đây là nhiệm vụ liên ngành, liên vùng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng lòng từ các bên liên quan, từ hoạch định chính sách đến hành động thực tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thời gian qua, Hà Nội và một số địa phương đã triển khai các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí như xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường, xóa bỏ bếp than tổ ong, giảm thiểu đốt rơm rạ, khuyến khích giao thông công cộng, trồng cây xanh... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức như tốc độ triển khai hệ thống quan trắc chậm, kiểm soát phương tiện giao thông cũ chưa hiệu quả, hiện tượng đốt rác, đốt phụ phẩm nông nghiệp vẫn phổ biến.
Không khí ô nhiễm đang trở thành “kẻ giết người thầm lặng”, tấn công sức khỏe cộng đồng âm thầm, nhưng dai dẳng. Nếu không có hành động kiên quyết và toàn diện, chúng ta sẽ phải đối mặt với một hệ thống y tế thường trực trong tình trạng báo động đỏ, không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân, mà còn làm suy yếu năng lực phát triển bền vững của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, biện pháp kiểm soát phải mạnh mẽ hơn, từ việc giám sát công trình xây dựng, hạn chế xe cũ, đến khuyến khích sử dụng năng lượng sạch và phương tiện giao thông thân thiện môi trường.
Các giải pháp như phun nước, rửa đường, kiểm soát khí thải công nghiệp và nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của ô nhiễm cần được triển khai rộng rãi, đồng bộ. Đồng thời, cần chú trọng tăng cường hệ thống y tế, đặc biệt ở tuyến cơ sở, để có thể phát hiện sớm và xử lý hiệu quả các ca bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.
Theo quan điểm của TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Việt Nam cần có hệ thống giám sát chất lượng không khí mạnh mẽ hơn, bao gồm lắp đặt thêm các trạm quan trắc và hệ thống cảm biến để phát hiện các “điểm nóng” ô nhiễm kịp thời. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát nghiêm ngặt hơn đối với các nguồn gây ô nhiễm như công trình xây dựng, giao thông và đốt rác.
“Việc giám sát và công khai dữ liệu về chất lượng không khí là rất quan trọng, để người dân có thể tham gia giám sát và thúc đẩy sự thay đổi bền vững”, ông Tùng nhấn mạnh.n
Box: