Sở an toàn thực phẩm đầu tiên tại miền Trung được thành lập, người dân được lợi gì?
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Đà Nẵng đã có những chia sẻ về tiến trình thành lập Sở ATTP đầu tiên tại các tỉnh miền Trung.
Ngày 26/6, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó cho phép Đà Nẵng thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) và giao HĐND TP thành lập Sở ATTP là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.
Đây được xem là bước đột phá mới trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Đà Nẵng, nhất là khi địa phương này xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của mình. Để rõ hơn tiến trình tổ chức, thành lập cũng như chức năng, nhiệm vụ vai trò của Sở ATTP, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng về vấn đề này.
Nâng tầm vai trò quản lý về an toàn thực phẩm
- Trong Nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù cho TP Đà Nẵng vừa được phê duyệt, Đà Nẵng sẽ thành lập Sở ATTP TP Đà Nẵng, ông có thể chia sẻ về đề án thành lập đơn vị này hiện đang triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Hải:
Để chuẩn bị cho việc thành lập Sở ATTP, từ rất sớm, UBND TP Đà Nẵng đã thành lập tổ xây dựng đề án thành lập Sở ATTP, theo đó Sở ATTP với đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về ATTP, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính từ Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công thương sang Sở ATTP.
Hiện Sở Nội vụ TP đang chủ trì, phối hợp cùng Ban quản lý ATTP trong công tác tham mưu cho UBND TP thực hiện các thủ tục, quy trình để thành lập Sở ATTP TP Đà Nẵng cũng như quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở ATTP TP Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Đề án thành lập Sở ATTP đã được xây dựng và lấy ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành và các cơ quan Bộ, ngành liên quan, UBND TP sẽ đề xuất HĐND TP ban hành Nghị quyết thành lập Sở ATTP và chấm dứt thí điểm hoạt động của Ban Quản lý ATTP.
Như vậy, công tác xây dựng Đề án thành lập Sở ATTP TP đang được các cơ quan chuyên môn triển khai theo đúng trình tự thủ tục và quy định hiện hành.
- Sở ATTP sẽ có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Hải: Trước hết, Sở ATTP là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, có chức năng tham mưu, giúp UBND TP quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về ATTP trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công thương sang cho Sở ATTP.
Sở ATTP có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND TP, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương.
Sở ATTP có nhiệm tham mưu, trình UBND TP các nội dung liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở về ATTP và các văn bản khác theo phân công của UBND TP; tổ chức thi hành, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án và các văn bản khác trong lĩnh vực ATTP; thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về các lĩnh vực theo nhiệm vụ quản lý nhà nước của Sở.
Về công tác chuyên môn, Sở có vai trò chủ trì, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về ATTP đối với các sản phẩm thực phẩm đặc thù của địa phương; triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh…; tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất; tổ chức các hoạt động phòng ngừa và khắc phục các sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn… Đồng thời, Sở sẽ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do UBND TP, Chủ tịch UBND TP giao và theo quy định của pháp luật.
- Được biết, việc thí điểm Ban quản lý ATTP TP đã thực hiện được 6 năm, ông có thể cho biết những kết quả mà Ban đã làm được trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Hải: Trong thời gian qua, Ban quản lý ATTP TP đã làm khá nhiều việc từ công tác quản lý nhà nước cho đến tuyên truyền ý thức cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, công tác cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã được tổ chức thực hiện toàn diện, chặt chẽ và tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp trong việc chuyển đổi, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; công tác thanh tra chuyên ngành được tiến hành nhanh chóng, chặt chẽ, hiệu quả, vừa theo đối tượng quản lý, vừa theo chuỗi cung ứng, đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP được nâng cao; công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn về ATTP được triển khai hoạt động hiệu quả, chất lượng và tiết kiệm cho cả cơ quan quản lý, cơ sở thực phẩm và người tiêu dùng.
Đối với công tác lấy mẫu giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm được thực hiện toàn diện trên tất cả các nhóm sản phẩm thực phẩm và được lấy từ nhiều đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung cấp dịch vụ trong chuỗi cung ứng nên việc phát hiện, truy xuất và ngăn chặn thực phẩm không an toàn hiệu quả hơn…
Đặc biệt, với vai trò của mình, Ban đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP một cách xuyên suốt, khoa học. Các đoàn thanh tra, điều tra xử lý ngộ độc luôn trực 24/7, sẵn sàng thực thi công vụ khi có sự cố ATTP xảy ra; công tác phối hợp chuyên môn với UBND quận huyện luôn được thực hiện thường xuyên liên tục, toàn diện và đồng bộ; công tác hỗ trợ, chỉ đạo chuyên môn ATTP cho tuyến cơ sở luôn kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra.
Bên cạnh đó, Ban luôn duy trì quan hệ hợp tác với các tỉnh cung ứng nông sản cho TP, tạo sự gắn kết với các tỉnh bạn, xây dựng chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm an toàn cho địa phương.
Hợp tác quốc tế về an toàn thực phẩm
- Với mục tiêu thành lập Sở ATTP, ông có thể cho biết định hướng của Sở ATTP trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Hải: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện bộ máy tổ chức khi Sở ATTP được thành lập; đồng thời nâng cao vị thế trong công tác ATTP bằng các hoạt động hợp tác quốc tế; tập huấn, trao kinh nghiệm chuyên môn về ATTP, học tập mô hình quản lý nhà nước, vận hành các công đoạn sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm... với các nước trên thế giới. Từ đó đề xuất, tham mưu UBND TP những giải pháp quản lý ATTP hiệu quả, đáp ứng thực tiễn và nhu cầu hội nhập.
Tiếp tục nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho cộng đồng và người hành nghề. Đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong công tác cấp phép an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo ATTP cho người dân, chúng tôi sẽ tiếp tục xây thực phẩm sạch trong cả hai khâu sản xuất và kinh doanh; phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, nông sản sạch, truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng; phát triển mô hình kinh doanh hiện đại và cải thiện kinh doanh truyền thống - xây dựng mô hình chợ thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung công tác chống thực phẩm bẩn bằng cách tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra thông qua việc triển khai mô hình các Đội Quản lý ATTP tại các quận - huyện; phòng, ngừa ngộ độc thực phẩm; không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính; giảm số vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ; điều tra, xử lý kịp thời 100% vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo; khống chế tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 6 người/100.000 dân. Cùng với đó, sẽ đầu tư công tác kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu, xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm là phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025 để phục vụ công tác quản lý ATTP.
- Vậy khi thành lập Sở ATTP thì người dân sẽ được lợi gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Hải: Việc thành lập Sở ATTP là một nhu cầu thực tiễn, bởi Đà Nẵng là TP du lịch và dịch vụ, hơn 90% lương thực, thực phẩm được cung cấp từ các địa phương khác, nên công tác kiểm soát ATTP rất cần được quan tâm đặc biệt và cần có một cơ quan quản lý nhà nước về ATTP có đủ địa vị pháp lý để giải quyết nhu cầu từ thực tiễn đề ra.
Chính vì vậy, Sở ATTP TP ra đời sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân Đà Nẵng và du khách trong việc sử dụng thực phẩm càng ngày sạch hơn.
Bên cạnh đó, việc thành lập Sở ATTP sẽ nâng cao vai trò và vị thế của lĩnh vực ATTP của địa phương, từ địa vị hành chính một đơn vị trực thuộc Sở, được nâng cấp thành một Sở độc lập sẽ giúp cho công tác đảm bảo ATTP được tốt hơn, chủ động hơn.
Đặc biệt, việc thành lập Sở ATTP giúp việc quản lý ATTP xuyên suốt trong chuỗi cung ứng hàng hóa, từ trang trại sản xuất đến bàn ăn, từ đó nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về ATTP, thông qua việc này cơ quan quản lý nhà nước đáp ứng tốt hơn, lắng nghe tốt hơn nhu cầu nguyện vọng của người dân về một nền thực phẩm an toàn và sạch.
Hơn nữa, việc thành lập Sở ATTP sẽ giúp cho người dân làm các thủ tục hành chính về ATTP được thống nhất và nhanh chóng và thuận tiện.
- Vậy khi nào Đà Nẵng sẽ chính thức thành lập Sở ATTP, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Hải: Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nên chúng tôi đang nỗ lực để việc thành lập Sở ATTP theo đúng lộ trình đặt ra. Sớm đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội.