Sinh viên Trung Quốc chuộng bữa ăn ít béo và xu hướng sống lành mạnh
Bữa ăn nhẹ đang dần thay thế món chiên rán trong căng tin trường đại học tại Trung Quốc, phản ánh sự chuyển mình về nhận thức sức khỏe của thế hệ trẻ.

Sinh viên xếp hàng trong căng tin của Đại học Hồ Châu để mua các bữa ăn được thiết kế riêng để kiểm soát cân nặng. Ảnh: VCG
Lối sống lành mạnh lên ngôi
"Ức gà tiêu đen, gạo lứt, hạt diêm mạch với ớt chuông và sữa chua ít béo" – món ăn trưa được nhiều sinh viên lựa chọn tại căng tin tầng ba của Tòa nhà Qingyan, Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh.
Mỗi ngày, hàng dài sinh viên xếp hàng trước quầy thực phẩm lành mạnh, gọi món “bộ tiêu chuẩn” đã trở thành thói quen cá nhân.
Theo Global Times, khi nhận thức về sức khỏe ngày càng phổ biến trong giới trẻ, các trường đại học trên khắp Trung Quốc – từ Bắc Kinh, tỉnh Cát Lâm ở Đông Bắc đến Chiết Giang ở miền Đông – đã bắt đầu cải tổ thực đơn tại căng tin. Các món ăn ít dầu mỡ, ít muối và dễ tùy chỉnh đang được sinh viên đón nhận mạnh mẽ.
Tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, từ tháng 4, nhà trường triển khai các suất ăn nhẹ “cân bằng dinh dưỡng, ít béo, tốt cho sức khỏe” với giá trung bình dưới 30 NDT (khoảng 100.00 nghìn đồng). Mỗi phần ăn được định lượng cụ thể và tính toán theo tỉ lệ dinh dưỡng khoa học.
“Tôi từng nghĩ đồ ăn lành mạnh rất nhạt nhẽo, nhưng giờ thấy chúng khá ngon,” Lý Vũ Đồng, sinh viên năm cuối, chia sẻ. Sau 21 ngày ăn theo khung giờ cố định tại căng tin, cô giảm được 1,3 kg và cảm thấy tinh thần lẫn thể chất cải thiện rõ rệt.
Ăn đúng hơn là ăn ít
Không chỉ là trào lưu tạm thời, các bữa ăn nhẹ đang trở thành lựa chọn thực tế để sinh viên duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học. Mỗi khẩu phần được cân đối khoảng 30 gram, dễ kết hợp và thuận tiện cho người ăn một mình.
Mô hình này góp phần phá vỡ định kiến rằng ăn uống lành mạnh đồng nghĩa với chi phí cao và sự cầu kỳ.
Tại Đại học Bách khoa Thiên Tân, hơn 300 sinh viên mỗi ngày chọn ăn tại quầy thực phẩm lành mạnh. Theo Tân Hoa Xã, điều này cho thấy giới trẻ không thờ ơ với sức khỏe, nhưng từ lâu thiếu các công cụ cụ thể để hiện thực hóa điều đó trong đời sống hàng ngày.
Trên các nền tảng giao đồ ăn, gà rán và trà sữa vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, các cuộc kiểm tra sức khỏe gần đây cho thấy tỷ lệ sinh viên mắc gan nhiễm mỡ đang tăng – hậu quả của việc tiêu thụ quá nhiều đường và dầu mỡ.
Cùng lúc, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã phát động chiến dịch kéo dài ba năm nhằm quản lý cân nặng, khuyến khích lối sống lành mạnh và phòng ngừa bệnh mạn tính.
Nhiều sinh viên đã chủ động tham gia chiến dịch, bắt đầu tập thể dục thường xuyên và tìm hiểu kỹ về dinh dưỡng.
“Chúng tôi chứng kiến sự chuyển dịch rõ nét từ thói quen thưởng thức món ngon sang việc ưu tiên sức khỏe và sự cân bằng,” La Siêu Phàm, chuyên gia phục hồi chức năng thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia, nhận định. Ông nhấn mạnh rằng ăn đúng cách không đồng nghĩa với việc ăn ít hay nhịn ăn, mà là cung cấp đủ dưỡng chất theo cách khoa học.
Trước đây, không ít sinh viên áp dụng chế độ ăn giảm cân cực đoan như chỉ ăn rau trộn và lòng trắng trứng. “Cân nặng có thể giảm nhanh, nhưng đi kèm với suy giảm miễn dịch, chóng mặt, rụng tóc,” ông La cảnh báo.
Thay đổi tư duy từ căn bếp trường học
Căng tin giờ đây không chỉ là nơi ăn uống mà còn trở thành “lớp học dinh dưỡng” của sinh viên. Khi những câu hỏi như “Món này có bao nhiêu protein?” hay “Có phiên bản ít đường không?” trở nên phổ biến, điều đó cho thấy một thế hệ sinh viên đang học cách làm chủ bữa ăn của mình.
“Các quầy thức ăn lành mạnh trong trường học giống như những mô hình thử nghiệm, thúc đẩy ngành công nghiệp ẩm thực nghĩ lại về khẩu vị và nhu cầu của người trẻ,” chuyên gia thực phẩm Vương Dư Hùng tại Hàng Châu nhận định.
Theo ông, trào lưu này từng phổ biến trong giới nhân viên văn phòng, nhưng gần đây lan nhanh sang nhóm sinh viên, lực lượng vốn bị cho là eo hẹp về tài chính.
Trên thực tế, nhiều đơn hàng giao đồ ăn của sinh viên hiện kèm ghi chú chi tiết như “ít muối”, “không đường” hay “gấp đôi protein”, minh chứng cho sự thay đổi trong thói quen và quyền tự chủ trong ăn uống.
“Điều quan trọng không chỉ là món gì có trong đĩa, mà còn là nhận thức đằng sau đó,” ông Vương nói. “ Đối với thế hệ trẻ ngày nay, ăn uống lành mạnh không còn là một thói quen thụ động nữa mà là một lựa chọn chế độ ăn uống có ý thức gắn liền với trách nhiệm, kỷ luật và tự chăm sóc.”