Sinh viên quốc tế 'lạ mà vui' Tết cổ truyền tại Đà Nẵng
Tết cổ truyền Việt Nam với những sinh viên quốc tế vừa có chút xa lạ vừa ấm áp, thêm cơ hội trải nghiệm và kết nối với bạn bè bốn phương.
Tết đa văn hóa
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng tổ chức Chương trình “Tết trong tôi 2025” cho lưu học sinh, thực tập sinh quốc tế đang học tập, nghiên cứu tại trường.
TS Lê Thị Phương Loan, Trưởng khoa Khoa Quốc tế học cho biết, dù đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau như Lào, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc…, các lưu học sinh rất hòa đồng, tham gia sôi nổi các hoạt động giao lưu, chia sẻ tình cảm, trải nghiệm về không khí những ngày chuẩn bị cho Tết cổ truyền của Việt Nam.
Lưu học sinh Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng được chia làm 4 đội thi với các nội dung như tìm hiểu văn hóa, kiến thức về Tết cổ truyền Việt Nam, trả lời các câu hỏi xoay quanh các phong tục, tập quán của Tết Việt như: Gói bánh chưng, trưng bày, thưởng ngoạn hoa đào, hoa mai, xông đất, mừng tuổi đầu năm, thăm bà con và chúc Tết thầy…
Phần thi ẩm thực được các lưu học sinh rất hào hứng trổ tài làm các món ăn của dân tộc mình giới thiệu với thầy, cô và bè bạn. Điểm nhấn là món ẩm thực nem rán đậm nét văn hóa Việt Nam làm nổi bật thêm hương vị ấm cúng của mâm cơm ngày Tết.
Phần thi các trò chơi dân gian mang tính teamwork như kéo co, banh đũa, nhảy bao bố tiếp sức, nhảy sạp... thực sự sôi động, thu hút sự tham gia nhiệt tình của các đội thi và khán giả cổ vũ.
Với chương trình “Trải nghiệm Tết Việt Ất Tỵ 2025”, hơn 200 học viên, sinh viên quốc tế đến từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ đang theo học, thực tập tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng có thêm cơ hội giao lưu, tìm hiểu văn hóa Việt.
PGS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết, đây là hoạt động được nhà trường tổ chức thường niên, cũng như các dịp lễ hội truyền thống của các nước bạn có lưu học sinh theo học tại Trường như Tết Bunpimay của Lào, Tết Chol Chnam Thmay của Campuchia.
Chơi mà học
Nhiều hoạt động giao lưu, tìm hiểu văn hóa mang nét phong tục tập quán truyền thống đặc sắc của Tết nguyên đán Việt Nam đã được thể hiện dưới các hình thức sinh động, thu hút, hấp dẫn như: Giới thiệu kỹ năng gói bánh chưng thể hiện nét văn hóa về lòng biết ơn tổ tiên, ông bà, mong trời đất mưa thuận gió hòa; giao lưu ẩm thực, thưởng thức các món ăn ngày tết gắn liền với những câu chuyện dân gian ý nghĩa; thể hiện thư pháp với những câu chúc nhân văn cùng các trò chơi dân gian giúp lưu học sinh trải nghiệm, cảm nhận tinh thần đoàn kết, yêu thương và nhân ái của người Việt qua bao thế hệ.
Karel, học viên lớp Tiếng Việt đến từ Cộng hòa Séc, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng chia sẻ: “Em đã học tập tại trường gần nửa năm và cảm thấy ấm áp khi lần đầu tiên được tham dự một chương trình văn hóa thú vị trải nghiệm Tết Việt. Cuốn hút và thú vị nhất với em là trải nghiệm viết thư pháp, gói bánh chưng hay may mắn được nhận phong bao lì xì nhân dịp Tết rất đặc biệt, đặc trưng của người Việt Nam.
Dù đến Việt Nam mới được hơn 1 tuần với vốn tiếng Việt chưa nhiều nhưng những lưu học sinh của Trường ĐH Udon Thani Rajabhat, Thái Lan cho biết, ấn tượng nhất đối với các bạn là được tự mình thử mặc trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam. Nhóm sinh viên Thái Lan cũng rất hạnh phúc khi nhận được giải Ba phần thi Gói bánh chưng, bánh tét. Mặc áo dài được gói bánh chưng, bánh tét tuy khá khó vì đòi hỏi khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì nhưng đây là trải nghiệm là Mookky không bao giờ quên.
Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lưu học sinh tại Trường Đại học Ngoại ngữ và Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đã nhận được quà Tết từ nhà trường. Trong đó, Trường Đại học Sư phạm có 33 học viên, sinh viên quốc tế đăng ký ở lại ký túc xá trong dịp Tết Ất Tỵ.