Sinh viên năm cuối và định hướng nghề nghiệp

Thời điểm cuối năm học đối với sinh viên năm cuối là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển giao từ môi trường học đường sang ngưỡng cửa cuộc đời. Đây là giai đoạn mà các bạn không chỉ hoàn thành những môn học cuối, chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp, mà còn phải đối diện với những trăn trở, lo lắng về tương lai, về con đường sự nghiệp phía trước.

Đỗ Đinh Quốc Trinh, sinh viên năm 4, ngành Sư phạm Toán (Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), đã sớm xác định được ngọn lửa đam mê với con số và ước mơ truyền lửa ấy cho thế hệ sau. Tình yêu với Toán học từ nhỏ đã thôi thúc Trinh lựa chọn con đường trở thành “người lái đò tri thức”. Không chỉ miệt mài trên giảng đường, Trinh còn tích cực trau dồi nghiệp vụ sư phạm qua các kỳ thực tập, đồng thời không ngừng hoàn thiện bản thân thông qua các hoạt động ngoại khóa. Việc tham gia chương trình “Mùa hè xanh” đã mang đến cho Trinh những bài học quý giá về làm việc nhóm, tinh thần cộng đồng và bản lĩnh cá nhân. Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” là minh chứng cho sự nỗ lực toàn diện của Trinh, tiếp thêm động lực và sự tự tin để em vững bước vào thị trường lao động.

Để thành công, một giáo viên không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn phải sở hữu tốt kỹ năng mềm, khả năng ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và tinh thần đổi mới phương pháp sư phạm. Chia sẻ với chúng tôi, Trinh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của kỹ năng mềm trong nghề giáo, bởi một người thầy giỏi không chỉ truyền đạt kiến thức, mà cần có khả năng giao tiếp hiệu quả với học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp, quản lý lớp học một cách linh hoạt, giải quyết khéo léo các tình huống sư phạm và làm việc nhóm hiệu quả với đồng nghiệp. Những kỹ năng này đã được Trinh rèn luyện qua các hoạt động Đoàn trường, tình nguyện và quá trình thực tập sư phạm. Trinh tin rằng, nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, nghiệp vụ sư phạm bài bản, cùng những kỹ năng mềm đã được trau dồi tại trường sẽ là hành trang quý báu giúp em tự tin theo đuổi và phát triển sự nghiệp trồng người.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên cần trao dồi các kỹ năng mềm bằng nhiều hình thức, làm hành trang ra trường

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên cần trao dồi các kỹ năng mềm bằng nhiều hình thức, làm hành trang ra trường

Khác sự gắn bó với con số của Trinh, Nguyễn Trường Giang, sinh viên năm 4, ngành Việt Nam học (Trường Đại học An Giang), có tình yêu sâu sắc với văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam. Giang ưu tiên những môi trường làm việc năng động, nơi em có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, không ngừng học hỏi và phát triển kỹ năng. “Em đã và đang tích cực rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai như thuyết trình, tổ chức tour, giao tiếp ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Trung), đồng thời tham gia các hoạt động ngoại khóa để nâng cao kỹ năng làm việc nhóm và trách nhiệm cộng đồng. Em cũng chủ động tìm hiểu thông tin tuyển dụng từ sớm và tham gia các khóa học kỹ năng mềm để tăng khả năng thích ứng với môi trường làm việc thực tế. Nhưng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành du lịch và những yêu cầu khắt khe về chất lượng nhân lực là những thách thức không nhỏ. Ngoài kiến thức chuyên môn, nhà tuyển dụng còn đánh giá cao kỹ năng thực hành, khả năng ngoại ngữ, tư duy linh hoạt, đặc biệt là khả năng ứng dụng công nghệ, sáng tạo và thích nghi với những thay đổi của thị trường du lịch sau đại dịch” - Trường Giang nhận định.

Trong khi đó, Nguyễn Phạm Gia Thế Ngọc, sinh viên chuyên ngành Kinh tế quốc tế (Trường Đại học An Giang) lại bị cuốn hút bởi sự kết nối toàn cầu, những biến động trong cán cân thương mại và tác động của các hiệp định quốc tế đến nền kinh tế Việt Nam. Ngọc tin rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, việc hiểu và phân tích được các xu hướng kinh tế quốc tế sẽ mở ra nhiều cơ hội để đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Để chuẩn bị cho hành trình gia nhập thị trường lao động, Ngọc đã xây dựng kế hoạch cụ thể và bài bản. Ngọc đang tập trung hoàn thiện kiến thức chuyên ngành, thông qua việc học trên lớp và tự nghiên cứu các xu hướng kinh tế quốc tế mới, nhất là các hiệp định thương mại và biến động kinh tế khu vực. Song song đó, Ngọc còn tích cực tham gia các khóa học kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và tư duy phản biện để nâng cao năng lực cá nhân. “Em chú trọng trau dồi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành, nhận thức rõ đây là một lợi thế cạnh tranh quan trọng trong lĩnh vực kinh tế quốc tế. Em cũng thường xuyên theo dõi các kênh tuyển dụng và tìm hiểu yêu cầu của các doanh nghiệp để điều chỉnh và nâng cấp kỹ năng bản thân cho phù hợp. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng này, em kỳ vọng sẽ có một khởi đầu sự nghiệp tốt” - Ngọc bày tỏ.

Có thể thấy, sự hỗ trợ từ phía nhà trường thông qua các chương trình đào tạo chất lượng, các hoạt động ngoại khóa phong phú và sự kết nối với doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và chuẩn bị hành trang cho sinh viên. Tuy nhiên, sự thành công cuối cùng vẫn phụ thuộc vào sự nỗ lực, đam mê và khả năng thích ứng của mỗi cá nhân.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/sinh-vien-nam-cuoi-va-dinh-huong-nghe-nghiep-a419254.html
Zalo