Sinh viên khối ngành y dược có thể được miễn học phí
Đây là một trong 8 đề xuất, kiến nghị của Bộ Y tế gửi tới Chính phủ, các bộ ngành, trong báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2025, diễn ra sáng nay 24/12.
Theo Bộ Y tế để thu hút người học vào học nhóm ngành sức khỏe với chính sách hỗ trợ tương đương với ngành Sư phạm. Bộ này kiến nghị sinh viên y, dược được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Y tế có đề xuất chủ trương này. Trước đó, tại Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2025 ban hành hồi tháng 7, Bộ Y tế từng đề xuất nghiên cứu chính sách đãi ngộ, thu hút như hỗ trợ học phí cho sinh viên y dược như sinh viên sư phạm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó có 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ. Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện. Số bác sĩ tốt nghiệp năm 2023 là 11.297; số dược sĩ tốt nghiệp là 8.470 và số điều dưỡng tốt nghiệp là 18.178.
Trong năm học 2024 - 2025, không tính ngành thuộc chương trình đào tạo liên kết, y khoa là ngành có học phí cao nhất tại các trường, dao động từ 45 đến 55 triệu đồng/năm. Riêng Trường Đại học Dược Hà Nội có chương trình liên kết đào tạo với ĐH Sydney, Australia có học phí ngành Dược học lên tới 150 triệu đồng khi học tại Việt Nam.
Theo Bộ Y tế, quy mô nhân lực y tế của Việt Nam tăng không đáng kể trong 10 năm qua (chỉ 2,33%). Tổng nhân lực ngành y hiện là hơn 431.700 người, thấp hơn nhiều so với dự kiến hơn 632.500 người (theo quy hoạch tới năm 2020).
Nhân lực y tế tập trung chủ yếu ở tuyến tỉnh, huyện (hơn 86%), trong khi ở tuyến trung ương chỉ chiếm 8,33%. Tỷ lệ bác sĩ ở trung ương chiếm gần 10% và điều dưỡng là 8,45%.
"Thiếu về số lượng và chất lượng, đồng thời mất cân đối về nhân lực y tế cả về phân bố và cơ cấu cán bộ chuyên môn", Bộ Y tế nhìn nhận thẳng thắn về thực trạng này. Tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh viện công lập có cơ cấu nhân lực chuyên môn lâm sàng chưa đáp ứng được với yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân và có nguy cơ không đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn bệnh nhân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt chú trọng tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư phát triển ngành y tế.
Phó Thủ tướng cho biết ngành y tế phải đối diện với nhiều thách thức trong năm tới như cơ cấu bệnh tật có nhiều thay đổi; tình hình dịch bệnh trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, khó ứng phó; quy mô dân số tăng; xu hướng già hóa dân số; nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao và đa dạng...
Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu ngành y tế tập trung xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực y tế dự phòng; triển khai các nội dung, chính sách dân số để bảo đảm mức sinh thay thế.
Đồng thời, tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả".
Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Hiện nay sinh viên khối ngành sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học; được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.