Sinh viên học ngành bán dẫn được đề nghị miễn, giảm học phí
Hiện mức học phí các ngành, chương trình thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn ở các trường từ 16 đến 78 triệu đồng/ năm. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang đề nghị miễn, giảm học phí cho các sinh viên theo học ngành này.
Việt Nam là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn
Việt Nam đang được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện mới đáp ứng chưa được 20%.
Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn" đặt mục tiêu đến năm 2030, các cơ sở đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên. Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển cả về chất lượng và số lượng.
Công ty nghiên cứu Technavio dự đoán thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam sẽ tăng thêm 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng khoảng 6,5% mỗi năm.
18 trường đại học được ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành, nâng cấp phòng thí nghiệm bán dẫn. Khoảng 1.300 giảng viên sẽ được đào tạo chuyên sâu về ngành công nghiệp bán dẫn để đáp ứng được trong tương lai sẽ đào tạo, “cho ra lò” lứa sinh viên giỏi về lĩnh vực này.
Đề nghị miễn, giảm học phí cho sinh viên học ngành bán dẫn
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch 1758 triển khai hai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là Quyết định số 1018 phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Quyết định số 1017 phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Kế hoạch nhằm xác định nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thời gian để triển khai quyết liệt, thực chất bảo đảm thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.
Theo đó, trong quý IV/2024, Bộ GD&ĐT lập Tổ công tác triển khai nhiệm vụ đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục đại học xây dựng đề án đề xuất đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển công nghiệp bán dẫn.
Trong quý I/2025, Bộ sẽ lựa chọn các chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học và ban hành kế hoạch đào tạo chi tiết đến năm 2030 theo mục tiêu của chương trình. Cùng với đó là xây dựng, ban hành, hướng dẫn chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc xây dựng đề xuất dự án đầu tư các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn với tối đa 9 đề xuất dự án đầu tư.
Trong năm 2025 sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước.
Từ 2025 – 2030 sẽ tổ chức triển khai chương trình tài năng phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn tại các cơ sở giáo dục đại học. Bộ cũng ưu tiên bố trí nguồn lực và cân đối ngân sách nhà nước hằng năm để hỗ trợ, tài trợ các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn gắn với đào tạo sau đại học tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học trực thuộc.
Các ứng viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến công nghiệp bán dẫn tại nước ngoài sẽ được ưu tiên cấp học bổng tại chương trình học bổng có sử dụng ngân sách nhà nước (học bổng Hiệp định Chính phủ và các đề án).
Ngoài ra, các trường cần ưu tiên cử giảng viên đi học tiến sĩ; thu hút chuyên gia ở nước ngoài về làm việc; nghiên cứu thành lập trường, khoa... chuyên đào tạo và nghiên cứu về bán dẫn.
Đại học phải có chính sách ưu tiên, gồm học bổng, miễn giảm học phí, ký túc xá... cho sinh viên ngành bán dẫn, theo đề nghị của Bộ.
Bộ cũng yêu cầu trường đại học xây dựng chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao ở cả ba công đoạn của ngành công nghiệp bán dẫn là thiết kế, sản xuất và kiểm thử, đóng gói; tuyển sinh bảo đảm số lượng và chất lượng.
Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước với các cơ sở giáo dục đại học, các doanh nghiệp/tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn; thu hút, kết nối các chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài với các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bán dẫn. Nguồn kinh phí để thực hiện Kế hoạch này thực hiện theo các quy định, hướng dẫn có liên quan đối với Chiến lược 1018 và Chương trình 1017.
Mặc khác, tổ chức các cuộc thi, giải thưởng và khen thưởng nhằm tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý tưởng, sáng kiến, cách làm đột phá, sáng tạo trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn giúp mang lại hiệu quả cao trong hoạt động và lợi ích cho cộng đồng.