Sinh viên Báo chí tìm kiếm cơ hội giữa 'tâm bão' sáp nhập

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn tìm việc liên quan tới ngành báo chí, nhiều sinh viên bày tỏ sự lo lắng về cơ hội việc làm trong tương lai, đặc biệt là các bạn sinh vừa ra trường.

>

Nhiều lo lắng, băn khoăn về công việc tương lai…

Ngành báo chí luôn nằm trong nhóm những ngành có điểm đầu vào cao nhất cả nước. Tuy nhiên, giữa lúc nhiều tòa soạn đang trong quá trình sáp nhập, tinh giản bộ máy, không ít sinh viên báo chí đang loay hoay tìm kiếm cơ hội việc làm đúng với chuyên môn giữa thị trường lao động ngày càng thu hẹp.

Tiến sĩ (TS) Bùi Thị Vân, giảng viên môn Lý luận báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Dưới góc nhìn là một giảng viên có sinh viên tốt nghiệp trong thời điểm hiện tại, tôi đánh giá thị trường ngành báo đang rất khó khăn.”

TS. Bùi Thị Vân giảng viên môn Lý luận báo chí quốc tế khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (bên phải, ngoài cùng).

TS cho biết, có ba thách thức lớn mà sinh viên theo học ngành này phải đối mặt. Thứ nhất đó là cạnh tranh việc làm ngày càng khốc liệt. Số lượng vị trí tuyển dụng giảm mạnh do các cơ quan báo chí sáp nhập tinh gọn bộ máy, trong khi số lượng sinh viên tốt nghiệp vẫn giữ nguyên hoặc tăng lên. Ví dụ, một số các tòa soạn lớn sau khi sáp nhập, các phòng ban sẽ chỉ còn tuyển 2-3 vị trí phóng viên mỗi năm, trong khi đó thì có hàng trăm hồ sơ ứng tuyển từ các trường đại học trên cả nước và cả những hồ sơ từ những phóng viên đã có kinh nghiệm làm việc dày dặn. Chính vì điều này sẽ khiến tỷ lệ cạnh tranh vào vị trí phóng viên, biên tập viên ngày càng cao.

Thứ hai, yêu cầu về các kỹ năng số ngày càng cao. Các cơ quan báo chí hiện nay ưu tiên tuyển dụng những ứng viên có khả năng làm được nhiều việc cùng một lúc như viết báo, quay dựng video, biết làm đồ họa. Những sinh viên chỉ giỏi chuyên môn truyền thống thì sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh.

Thứ ba, nguy cơ chuyển hướng nghề nghiệp ngoài ngành báo chí. Do số lượng vị trí trong ngành báo chí giảm, nhiều sinh viên mới ra trường sẽ phải cân nhắc làm các công việc liên quan như truyền thông doanh nghiệp hoặc là chuyển hẳn sang các lĩnh vực khác.

Dạo một vòng các diễn đàn việc làm dành riêng cho ngành báo chí, không khó để bắt gặp hàng loạt bài đăng tìm kiếm cơ hội của các bạn trẻ, từ sinh viên năm hai đến những cử nhân đã tốt nghiệp được một năm. Tuy nhiên, thực tế phũ phàng lại được phản ánh ngay dưới phần bình luận của các bài đăng này. Thay vì những cơ hội tác nghiệp báo chí chính thống, điều nhiều bạn trẻ nhận lại phần lớn là những lời cảnh báo về sự thu hẹp của thị trường: “Đang trong thời gian sáp nhập thì hơi khó”, hoặc những lời mời chào công việc thiên về sáng tạo nội dung đơn thuần, trái với chuyên môn được đào tạo: “Công ty X tuyển dụng 1 biên tập viết content TikTok cho nghệ sĩ” hay “Inbox anh làm content”.

Bạn Nguyễn Phương Ninh, hiện đang là sinh viên học song bằng Báo Phát thanh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết: “Mình thực sự rất hoang mang. Ngành báo chí hiện nay đang đứng giữa làn sóng chuyển đổi rất mạnh mẽ, đặc biệt là sự phát triển của AI và sự thắt chặt trong cơ hội tuyển dụng. Có những thời điểm mình tự hỏi, liệu một sinh viên như mình còn có cơ hội không, trong khi những người đi trước đã dần chuyển hướng…”

Nguyễn Phương Ninh, sinh viên năm 4 tại Học viện Báo chí và tuyên truyền

Bạn Nguyễn Gia Bình, hiện là sinh viên năm 3 tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ: “Trước những biến động của ngành báo chí ảnh hưởng đến cơ hội việc làm trong ngành thì mình cũng có đôi chút hoang mang, bởi giờ đây các cơ quan, các giảm nhân sự, các giảm bộ máy khiến cơ hội tìm kiếm việc làm trong các cơ quan báo chí sẽ phần nào khó khăn hơn”. Tuy nhiên với sức trẻ, và khả năng thích ứng nhanh, Bình cũng đã có những định hướng cho riêng mình.

Gia Bình có định hướng về truyền thông sau khi ra trường.

Vượt qua nỗi sợ, vững bước tương lai

Để sinh viên có những cú xoay mình và bắt nhịp nhanh, kịp thời với sự biến động của xã hội, TS. Bùi Thị Vân nhắn nhủ: “Lời khuyên của tôi, trong bối cảnh hiện nay, các em hãy luôn chủ động học hỏi, không ngừng nâng cao và làm đa dạng các kỹ năng. Đặc biệt là kỹ năng số và truyền thông đa phương tiện, những kỹ năng phân tích dữ liệu truyền thông, đồng thời luôn giữ vững đam mê và tinh thần kiên trì trong nghề để luôn giữ vị thế chủ động trong mọi hoàn cảnh. Các em có thể phải làm việc ở những vị trí không hoàn toàn đúng ngành đã được học, nhưng đừng xem đó là thất bại mà hãy tận dụng cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, mở rộng mạng lưới quan hệ và phát triển bản thân”.

Phương Ninh cũng nhận thức rõ: “Nhiều đêm thao thức, mình nhận ra thứ duy nhất mình có là tuổi trẻ nên ngại gì mà không thử? Mình vẫn sẽ cố gắng trau dồi thêm kiến thức về nghề, song cũng sẽ thử lấn sang một số ngành liên quan như truyền thông, marketing hoặc làm về mảng nhân sự. Sự thật là ngành Báo đã trang bị cho mình nhiều kiến thức nền tảng và kỹ năng thực tiễn, rất đa nhiệm. Ví dụ như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quan sát và tư duy phản biện đều rất hữu ích và giúp mình xoay xở được trong tình hình mới”

Gia Bình cũng đã có hướng đi cho riêng mình: “Mình cũng từ sớm có định hướng sẽ rẽ sang truyền thông, và hiện tại cũng đang làm việc toàn thời gian trong một Công ty dịch vụ truyền thông lĩnh vực thể thao. Mình may mắn được hoạt động trong lĩnh vực phù hợp với sở thích của bản thân. Vậy nên mình không có quá nhiều băn khoăn khi quyết định không hoạt động trong lĩnh vực mà mình được đào tạo chuyên sâu nữa. Bản thân mình không nghĩ tấm bằng đại học và 4 năm học của mình sẽ bị lãng phí dù cho công việc của mình hiện tại khác với ngành học của bản thân".

Ảnh: NVCC

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-bao-chi-tim-kiem-co-hoi-giua-tam-bao-sap-nhap-post1760272.tpo
Zalo