Sinh vật kỳ bí tồn tại trong hổ phách đến 99 triệu năm

Sinh vật kỳ bí này là một loài ong, tồn tại nguyên dạng trong hổ phách đến 99 triệu năm, bắt giữ những sinh vật khác và buộc chúng sống ký sinh trên cơ thể mình.

Các nhà sinh vật học nghiên cứu 16 mẫu ong nhỏ được bảo quản trong hổ phách có niên đại từ thời kỳ Kỷ Creta. Chúng từng được phát hiện trước đây ở Myanmar.

Loài ong chưa từng được biết đến, hiện được đặt tên Sirenobethylus Charybdis. Chúng có cấu trúc giống bẫy Venus trên bụng. Chiếc bẫy có thể cho phép nó bắt những con côn trùng khác, các nhà nghiên cứu báo cáo trong tạp chí BMC Biology hôm 27/3.

"Khi tôi nhìn vào mẫu đầu tiên, tôi nhận thấy phần mở rộng ở đầu bụng, tôi nghĩ đó là bọt khí. Thường thì bạn sẽ thấy bọt khí quanh các mẫu vật trong hổ phách", ông Lars Vilhelmsen, đồng tác giả nghiên cứu, chuyên gia về ong, đồng thời là người quản lý tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch ở Copenhagen, cho biết.

"Nhưng sau khi nhìn vài mẫu khác và quay lại với mẫu đầu tiên, tôi phát hiện đây thực sự là một phần cơ thể của con vật".

Ông Vilhelmsen và các đồng nghiệp từ Đại học Capital Normal ở Bắc Kinh xác định sinh vật này có thể di chuyển vì nó được bảo quản ở các vị trí khác nhau trên các mẫu vật khác nhau.

"Đôi khi phần cánh dưới, theo cách gọi của chúng tôi, mở ra, đôi lúc nó đóng lại", ông Vilhelmsen cho biết. "Rõ ràng đây là cấu trúc di động và được sử dụng để nắm bắt thứ gì đó".

So sánh gần nhất được tìm thấy trong tự nhiên ngày nay là cây bẫy Venus. Đây là loài cây ăn thịt với lá có thể đóng lại khi con mồi bay vào, theo nghiên cứu mới. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng loài ong có thể không có ý định giết chết con mồi bằng hành động bắt. Thay vào đó, họ cho rằng loài ong này tiêm trứng vào cơ thể con mồi bị mắc kẹt trước khi thả nó ra. Chúng sử dụng sinh vật này làm vật chủ bất đắc dĩ cho trứng của mình.

Sinh vật Sirenobethylus Charybdis (Ảnh: CNN)

Sinh vật Sirenobethylus Charybdis (Ảnh: CNN)

Sau đó, ấu trùng bắt đầu cuộc sống như những ký sinh trùng bên trong hoặc trên cơ thể của vật chủ. Sau này, chúng có thể ăn sạch vật chủ, ông Vilhelmsen cho biết. Vật chủ có thể là một côn trùng bay có kích thước tương tự loài ong.

Các loài ong ký sinh hiện tại có hành động tương tự, mặc dù không hoàn toàn giống. Ví dụ, một nhóm ong được gọi là ong chim cu đẻ trứng trong tổ của một loài ong khác. Ấu trùng sẽ ăn thịt con non của vật chủ khi chúng nở.

Hóa thạch hổ phách cung cấp cái nhìn hấp dẫn về quá khứ qua hình ảnh ba chiều. Ngoài thực vật và hoa, một cái đuôi khủng long, một con cua, một con kiến địa ngục, một con nhện mẹ cùng đàn con, và một con đom đóm cũng được tìm thấy bị chôn vùi trong nhựa cây.

Một người yêu thích hóa thạch từng mua hổ phách chứa Sirenobethylus Charybdis. Loài này có nguồn gốc từ khu vực Kachin ở Myanmar gần biên giới với Trung Quốc. Các nhà khoa học từng quyên góp nó cho Phòng Thí Nghiệm về Tiến Hóa Côn Trùng và Thay Đổi Môi Trường của Đại học Normal Capital vào năm 2016, các tác giả cho biết.

Hóa thạch hổ phách là một trong những phát hiện thú vị nhất trong ngành cổ sinh vật học những năm gần đây. Tuy nhiên, vấn đề đạo đức về nguồn gốc hổ phách từ khu vực này là vấn đề gây tranh cãi. Một số nhà sinh vật học từng kêu gọi hoãn nghiên cứu về hổ phách lấy từ Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021.

Quỳnh Anh (Nguồn: CNN)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/sinh-vat-ky-bi-ton-tai-trong-ho-phach-den-99-trieu-nam-ar934299.html
Zalo