Sinh động không gian nghề truyền thống

Tọa lạc bên bờ sông Hương và ở vị trí đắc địa của quận Thuận Hóa (số 15 Lê Lợi), không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, trình diễn nghề truyền thống (gọi tắt là không gian nghề) đang là địa điểm tham quan, mua sắm, trải nghiệm nghề hấp dẫn với du khách.

Học sinh hào hứng khi được vẽ tranh trên nón lá tại không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm và trình diễn nghề truyền thống

Học sinh hào hứng khi được vẽ tranh trên nón lá tại không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm và trình diễn nghề truyền thống

Đưa vào hoạt động từ đầu năm 2024, không gian nghề được UBND quận Thuận Hóa giao Trung tâm Văn hóa Thể thao và Thông tin quận phối hợp với Công ty TNHH Phát triển sản phẩm văn hóa cung đình Triều Nguyễn tổ chức hoạt động. Không gian nghề quy tụ hơn 30 cơ sở nghề và làng nghề truyền thống, như: Nghề chằm nón, hương trầm, diều, may áo dài, hoa giấy, mây tre đan…, tạo nên một không gian nghề sinh động và nhộn nhịp. Tại đây, du khách không chỉ xem các nghệ nhân chằm nón, se hương hay xoay trầm, xếp hoa giấy mà còn có thể trải nghiệm tự tay làm ra các sản phẩm nghề mình yêu thích dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

Để tạo sự phong phú và đa dạng cho không gian, thời gian qua, công ty đã lựa chọn và phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản có nguồn gốc sản xuất tại Huế. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có chứng nhận OCOP, sản phẩm đạt giải thưởng cấp quốc gia/thành phố, sản phẩm đạt giải thưởng đổi mới sáng tạo và sản phẩm có tính độc đáo riêng có để thu hút khách.

Ngoài không gian trưng bày, đây còn là nơi tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm của các làng nghề truyền thống phục vụ học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm, góp phần phát huy giá trị cũng như giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ; đồng thời, từng bước hình thành điểm du lịch hấp dẫn để người dân, du khách tham quan, check-in, mua sắm hàng lưu niệm, đặc sản và trải nghiệm.

Theo quản lý Không gian nghề, bà Anh Thư, ngoài không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống, Trung tâm còn tổ chức thuyết minh giới thiệu về nguồn gốc lịch sử của làng nghề bằng 3 thứ tiếng: Việt - Anh - Pháp; trưng bày một số công cụ, dụng cụ sản xuất liên quan đến các nghề; nghệ nhân thao diễn và khách tham quan có thể tương tác trải nghiệm để có thể tự tay làm ra sản phẩm, sau đó mua về sử dụng hoặc làm quà tặng.

“Không gian nghề như một thành phố thu nhỏ, hội tụ đầy đủ các sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống và các sản phẩm đặc trưng của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đến Huế, nếu không có nhiều thời gian để đi thăm các làng nghề thì không gian nghề là nơi phù hợp để vừa tham quan, cùng nghệ nhân thao diễn nghề và mua sắm quà tặng”, chị Minh Hằng, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Phó Bí thư Quận ủy, Quyền Chủ tịch UBND quận Thuận Hóa, ông Nguyễn Đình Bách cho biết, năm 2025, quận tập trung vào phát triển các nghề, làng nghề truyền thống thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, cải tiến mẫu mã bao bì, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường; kết nối tour, tuyến với các làng nghề để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, như: làng hoa giấy Thanh Tiên, in tranh làng Sình (phường Dương Nỗ); điểm du lịch Rú Chá - Cồn Tè (phường Thuận An); làng nghề đúc đồng (phường Phường Đúc)… Mặt khác, vận động các địa phương tiếp tục xây dựng các sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương; hỗ trợ các dự án đầu tư khôi phục, phát triển nghề, làng nghề truyền thống và sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ - đặc sản phục vụ du lịch và xuất khẩu nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm lưu niệm, quà tặng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và du khách.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/sinh-dong-khong-gian-nghe-truyen-thong-150881.html
Zalo