Singapore: Triển khai các sáng kiến hỗ trợ phụ nữ theo đuổi STEM
Seraphina Chua, 21 tuổi, sinh viên ngành máy tính và tư vấn bảo mật công nghệ thông tin (CNTT) tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), thường xuyên phải đối mặt với định kiến rằng 'công việc kỹ thuật phù hợp với nam giới hơn'.

Ảnh minh họa
Nỗ lực mở rộng nhân lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
"Có những lúc tôi cảm thấy bị phớt lờ hoặc đánh giá thấp và phần lớn điều này có thể xuất phát từ định kiến giới, dù là vô tình hay cố ý. Khi đó, tôi thấy mình phải chứng minh bản thân nhiều hơn so với các bạn nam, dù khả năng của tôi cũng như họ", Chua chia sẻ.
Định kiến giới tạo nên rào cản vô hình, ngăn cản nhiều phụ nữ như Chua bước vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ. Việc khuyến khích phụ nữ vượt qua rào cản đã trở thành ưu tiên của Chính phủ Singapore, các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp và cả những phụ nữ đang làm việc trong ngành này.
Tại Singapore, tỷ lệ nữ sinh theo học lĩnh vực AI vẫn thấp hơn đáng kể so với nam sinh. Trong 5 năm qua, sinh viên nữ chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng số sinh viên ngành này tại các trường bách khoa và đại học.
Việc thu hút phụ nữ tham gia lĩnh vực AI vẫn là một thách thức, ngay cả khi Chính phủ nước này đang nỗ lực mở rộng nhân lực AI lên 15.000 người để trở thành quốc gia đi đầu trong công nghệ mới nổi này.
Lý giải về vấn đề khoảng cách giới trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), John Thong, Phó Chủ tịch kiêm Hiệu phó Viện Công nghệ Singapore, cho rằng một phần nguyên nhân đến từ quá trình xã hội hóa sớm.
Bên cạnh đó, việc thiếu hình mẫu phụ nữ trong lĩnh vực AI và các vị trí lãnh đạo công nghệ cũng có thể khiến nhiều nữ sinh e ngại khi lựa chọn con đường này.
Tại Viện Công nghệ Singapore và Đại học Quốc gia Singapore, nữ sinh theo học các chương trình STEM và AI chiếm khoảng 25% tổng số sinh viên. Người phát ngôn của Đại học Quản lý Singapore cho biết, các ngành học liên quan đến máy tính của trường có khoảng 35% sinh viên nữ đăng ký.
Trong khi đó, số lượng nữ theo học các chương trình đại học và thạc sĩ về AI và máy học tại Đại học Quốc gia Singapore trong năm học vừa qua đã tăng khoảng 40% so với 3 năm trước. Đại học Công nghệ Nanyang cũng ghi nhận mức tăng tương tự.
Eleana Liew, Giám đốc điều hành Accenture ở Singapore, nhận định: "Chúng tôi xem AI là công nghệ số tiếp theo - một lực lượng có thể thúc đẩy năng suất trên hơn 900 ngành nghề bằng cách tự động hóa công việc thường ngày, cho phép con người tập trung vào những nhiệm vụ có giá trị cao hơn".
Bà nhấn mạnh rằng khi AI đang tái định hình các ngành công nghiệp và cuộc sống, phụ nữ cần đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi này.
Nuôi dưỡng đam mê công nghệ từ sớm
Báo cáo "Khoảng cách giới toàn cầu năm 2024" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy, phụ nữ chỉ chiếm 28,2% lực lượng lao động trong lĩnh vực STEM, so với 47,3% ở các ngành khác. Theo các chuyên gia, sự chênh lệch này không chỉ hạn chế nguồn nhân tài trong ngành công nghệ đang phát triển của Singapore mà còn có nguy cơ duy trì bất bình đẳng giới, đặc biệt trong phát triển AI.
Để mở rộng cơ hội cho phụ nữ trong công nghệ, Singapore đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm thu hút sự tham gia của trẻ em gái và phụ nữ. Bà Josephine Teo, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kỹ thuật số và Thông tin, cho biết sáng kiến "SG Women In Tech" đã tiếp cận được hơn 115.000 nữ sinh ở các trường tiểu học, trung học cũng như các cơ sở giáo dục đại học, kết nối các em với những hình mẫu phụ nữ trong lĩnh vực này.
Đây là sáng kiến của Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm nhằm hỗ trợ phụ nữ theo đuổi sự nghiệp STEM.
Các trường bách khoa và đại học tại quốc đảo này cũng tích cực tạo điều kiện cho nữ sinh theo học STEM. Chẳng hạn, Đại học Công nghệ Nanyang đang triển khai chương trình Thúc đẩy Phụ nữ trong Kỹ thuật, Nghiên cứu và Khoa học (Powers), trang bị cho sinh viên nữ kỹ năng cần thiết để theo đuổi sự nghiệp STEM.
Đồng thời, các buổi hội thảo, tọa đàm và chương trình cố vấn cũng được triển khai nhằm nuôi dưỡng đam mê công nghệ cho nữ sinh.
Nguồn: Strait Times