Singapore: Sẽ tiêm vaccine cho đối tượng dễ phơi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ

Singapore sẽ cung cấp vaccine cho những nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao nhất, cũng như những người tiếp xúc gần với các trường hợp được xác nhận.

Bộ trưởng Bộ Y tế Ong Ye Kung phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4.9.2024

Bộ trưởng Bộ Y tế Ong Ye Kung phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4.9.2024

Tuyên bố trên được Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung đưa ra trong cuộc họp báo về bệnh đậu mùa khỉ (còn gọi là bệnh mpox) sáng ngày 4.9, trong bối cảnh lo ngại về chủng clade 1 biến thể ngày càng gia tăng, khiến Tổ chức Y tế Thế giới phải tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ hai trong vòng hai năm.

Bộ trưởng Ong Ye Kung cho biết: “Chúng tôi không có thông tin đầy đủ về đặc điểm của loại virus đậu mùa khỉ này, nhưng chúng tôi có thông tin về cách thức hoạt động của nó, những đặc điểm chính cho phép chúng tôi xây dựng kế hoạch ứng phó”. Ông nói thêm rằng các biện pháp của Singapore có thể sẽ được điều chỉnh theo thời gian khi tình hình thay đổi và thế giới hiểu rõ hơn về loại virus này.

Chiến lược vaccine có chọn lọc

Cụ thể, vaccine JYNNEOS, được sử dụng ở Singapore để ngừa bệnh đậu mùa và bệnh bại liệt, sẽ được cung cấp miễn phí cho hai nhóm đối tượng: Những nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc với virus đậu mùa khỉ cao nhất, chẳng hạn như những người làm việc tại Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm (NCID), có thể tiêm vaccine để được tăng cường khả năng miễn dịch bên cạnh các quy trình kiểm soát lây nhiễm và sử dụng các thiết bị bảo hộ.

Đối với những người tiếp xúc gần với các trường hợp đã được xác nhận mắc bệnh, Ủy ban chuyên gia về tiêm chủng đã khuyến nghị tiêm một liều vaccine trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc. Liều này sẽ được tiêm trong thời gian họ đang cách ly. Thời gian cách ly hiện được quy định là 21 ngày, đây là thời gian ủ bệnh được quan sát thấy ở châu Phi.

Nguồn cung vaccine JYNNEOS hiện tại của Singapore dự kiến sẽ đủ cho chiến lược tiêm chủng hiện tại.

Bộ Y tế lưu ý, Chính phủ hiện tại không khuyến khích tiêm vaccine cho toàn dân vì loại virus Clade 1 "ít lây truyền hơn nhiều" so với các loại virus đường hô hấp như cúm hoặc Covid-19.

Ngoài ra, do Singapore tiến hành tiêm chủng bắt buộc đối với vaccine đậu mùa cho đến đầu năm 1981 nên sẽ một bộ phận dân số đáng kể, thường là những người từ 45 tuổi trở lên, có thể miễn dịch với virus mới này.

"Có bằng chứng xác đáng cho thấy việc tiêm vaccine đậu mùa mang lại khả năng bảo vệ chéo chống lại bệnh đậu mùa khỉ", báo cáo của Bộ Y tế cho biết thêm.

Chủng Clade 1 là chủng nguy hiểm hơn của bệnh đậu mùa khỉ. Một chủng đột biến - Clade 1b – lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 9.2023 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, được đánh giá là độc tính cao hơn và khả năng lây lan nhanh hơn. Chủng này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng các ca bệnh gần đây ở các nước châu Phi.

Cho đến nay, Singapore chưa phát hiện bất kỳ ca nhiễm nào thuộc Clade 1. Cả 14 ca được xác nhận mắc đậu mùa khỉ ở nước này trong năm nay đều thuộc nhóm phụ Clade 2 ít nghiêm trọng hơn.

Bộ trưởng Ong Ye Kung cho biết: “Chúng tôi có lý do khi lo lắng về sự lây lan của chủng Clade 1. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng loại virus này hoàn toàn có thể kiểm soát được và khó có thể dẫn đến sự gián đoạn như đã xảy ra trong thời kỳ Covid-19”.

Trong số 100 ca nhiễm bệnh tại Cộng hòa Dân chủ Congo, có khoảng ba đến bốn ca tử vong, ông Ong mô tả đây là con số khá cao và đáng lo ngại. Nhiều ca nhiễm và tử vong liên quan đến trẻ em dưới 15 tuổi.

Mặc dù số liệu thống kê thực tế ở các quốc gia phát triển như Singapore có thể thấp hơn, ông Ong cho biết đất nước này cần chú ý đến các nhóm dễ bị tổn thương hơn như người già bị suy giảm miễn dịch cũng như trẻ em.

“Chúng ta chưa cần áp dụng các biện pháp khắc nghiệt và gây gián đoạn như những gì chúng ta đã làm trong thời kỳ Covid-19. Chưa có quốc gia nào làm như vậy vào lúc này”, ông nói thêm.

“Cách tốt nhất là ngăn chặn sự lây lan của virus, điều trị thích hợp cho những người bị nhiễm bệnh và có chiến lược tiêm vaccine thực sự hiệu quả”.

Nguy cơ lây truyền của biến chủng Clade 1

Bộ Y tế cũng chưa định khuyến khích đeo khẩu trang bắt buộc đối với người khỏe mạnh vì bằng chứng hiện tại cho thấy virus đậu mùa khỉ lây lan chủ yếu qua tiếp xúc vật lý gần. Tuy nhiên, nếu có bằng chứng cho thấy nguy cơ lây nhiễm qua đường hô hấp tăng đáng kể, chẳng hạn như bên ngoài hộ gia đình và những địa điểm công cộng, Bộ Y tế sẽ xem xét thực hiện việc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng và ở những gia đình có đông người.

Các triệu chứng của mpox bao gồm đau đầu dữ dội, sốt hoặc phát ban. Bệnh chủ yếu lây từ người sang người thông qua tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh.

Ông Ong cho biết: “Điểm khác biệt giữa chủng Clade 1 và Clade 2 là sự bùng phát toàn cầu của Clade 2, được ghi nhận bùng phát dữ dội nhất vào năm 2022, chủ yếu xảy ra ở những đối tượng có quan hệ tình dục đồng giới nam”.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng chủng Clade 1 đang hoành hành ở Cộng hòa Dân chủ Congo lại không lây lan chủ yếu qua “đường quan hệ tình dục” mà còn qua tiếp xúc gần giữa thành viên sống chung trong gia đình.

Các biện pháp đối phó hiện tại của Singapore

Bộ Y tế Singapore cho biết, tại các trường mẫu giáo và trường học ở Singapore đang được áp dụng các biện pháp để phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm khác và điều này cũng có tác dụng đối với phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ; đồng thời lưu ý rằng học sinh sẽ được cung cấp hình ảnh trực quan các triệu chứng.

Cùng với Bộ Nhân lực và Cơ quan Môi trường Quốc gia, Bộ Y tế đang tiến hành xét nghiệm nước thải tại các ký túc xá của công nhân nhập cư. Những người mới có giấy phép lao động cũng phải trải qua kiểm tra nhiệt độ và kiểm tra thị lực.

Nếu có bất kỳ trường hợp nghi ngờ nào ở người lớn và trẻ em thuộc Clade 1 được xác định, họ sẽ được đưa đến NCID và Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em. Các gia đình có cả người lớn và trẻ em sẽ được đưa đến Bệnh viện Đại học Quốc gia.

Khi một ca bệnh Clade 1 được xác nhận, Bộ Y tế sẽ ngay lập tức bắt đầu truy vết tiếp xúc. Những người tiếp xúc gần sẽ được cách ly tại một cơ sở do chính phủ chỉ định. Các trường hợp Clade 1 sẽ tiếp tục được cách ly tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho đến khi họ không còn khả năng lây nhiễm để ngăn ngừa nguy cơ virus lan ra cộng đồng.

Singapore đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa tại biên giới kể từ ngày 23.8 bằng cách tiến hành kiểm tra nhiệt độ và thị giác tại các trạm kiểm soát hàng không và đường biển đối với du khách và phi hành đoàn đến từ những nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Bộ Y tế đã thông báo rằng tất cả du khách phải báo cáo các triệu chứng liên quan đến mpox như sốt hoặc phát ban, cũng như lịch sử di chuyển của họ thông qua Tờ khai nhập cảnh.

WHO cho biết trong năm nay đã có hơn 18.000 trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ và khoảng 630 trường hợp tử vong được ghi nhận tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Con số đó bao gồm hơn 5.000 ca bệnh và 31 ca tử vong tại các khu vực nơi biến thể Clade 1b mới, nguy hiểm hơn đang lây lan.

Vào ngày 15.8, Thụy Điển đã công bố trường hợp đầu tiên nhiễm chủng Clade 1b bên ngoài châu Phi. Sau đó, vào ngày 22.8, Thái Lan đã xác nhận trường hợp đầu tiên được biết đến ở châu Á nhiễm chủng Clade 1b. Bệnh nhân là một người đàn ông quốc tịch châu Âu, 66 tuổi tới Bangkok trên chuyến bay đến từ Châu Phi vào ngày 14.8 và được đưa đến bệnh viện với các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ.

Quỳnh Vũ (Theo CNA)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/singapore-se-tiem-vaccine-cho-doi-tuong-de-phoi-nhiem-benh-dau-mua-khi-i386739/
Zalo