Singapore đề nghị đăng cai tổ chức APEC 2030

Ngày 16/11, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho biết nước này đã đề nghị trở thành nơi tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2030.

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong tại Lima, Peru ngày 15/11/2024. Ảnh: MDDI

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong tại Lima, Peru ngày 15/11/2024. Ảnh: MDDI

Trong khuôn khổ lễ bế mạc APEC năm 2024 tại Lima, Peru, CNA dẫn lời ông Wong nhận định APEC tiếc tục duy trì vai trò của mình như một nền tảng quan trọng cho hợp tác kinh tế, đặc biệt khi 21 nền kinh tế thành viên cùng nhau chiếm gần một nửa thương mại toàn cầu.

Thủ tướng Lawrence Wong cho biết: "Singapore coi đây là một nhóm quan trọng, không chỉ đối với thương mại và đầu tư, vì APEC cũng đóng vai trò là nơi ươm mầm cho các ý tưởng xung quanh các lĩnh vực hợp tác khác như chuỗi cung ứng, nền kinh tế kỹ thuật số và tính bền vững".

Do đó, ông khẳng định Singapore sẽ đóng góp phần của mình nhằm hỗ trợ APEC theo nhiều cách khác nhau, trong đó bao gồm tổ chức APEC. "Chúng tôi đã đề nghị tổ chức APEC vào năm 2030," ông nói thêm. Lần gần đây nhất mà quốc gia này làm chủ nhà tổ chức APEC là vào năm 2009.

Đối với các câu hỏi về bài học rút ra từ APEC năm nay, ông Wong nhận định rằng việc thế giới đang ở thời điểm chuyển giao là một điều được “công nhận rộng rãi”. Ông cho biết: "Có những thế lực mạnh mẽ đang định hình quỹ đạo của các sự kiện trong những năm tới".

Trong bối cảnh sự căng thẳng địa chính trị tăng cao, ông cho biết nhiều vấn đề đang được xem xét qua lăng kính an ninh thay vì thông qua hợp tác kinh tế đôi bên cùng có lợi. Do đó, ông đánh giá cao việc các nền kinh tế tiến hành “cách đúng đắn” để giải quyết những mối lo ngại là thông qua việc “tăng cường liên kết thương mại và đầu tư để đảm bảo rằng thương mại mang lại lợi ích cho tất cả người dân và tìm cách để tăng trưởng toàn diện hơn".

Tuy nhiên, mỗi quốc gia sẽ phải đối mặt với những hạn chế cũng như hoàn cảnh trong nước riêng và do đó sẽ không thể hành động cùng một tốc độ, ví dụ như trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, ông nhấn mạnh điều quan trọng là các quốc gia ít nhất phải có sự hiểu biết rộng rãi về điểm khởi đầu và điểm cuối.

Cụ thể, ông giải thích: "Chúng tôi nhận ra rằng không phải quốc gia nào cũng có thể hành động cùng nhau, vì vậy chúng tôi sẽ cố gắng tập hợp các nền kinh tế có cùng chí hướng để hành động trước”. Trong số các nền kinh tế APEC, các nền kinh tế nhỏ hơn và cởi mở hơn như Singapore, New Zealand và Chile thường tập hợp lại để trở thành "những người tiên phong".

"Chúng tôi hy vọng điều này sẽ cho phép chúng tôi một lần nữa đóng vai trò là người tiên phong để tìm ra các quy tắc, tiêu chuẩn cần thiết cho trao đổi và hợp tác xung quanh các giải pháp xanh và carbon thấp, và điều đó sẽ cho phép nhiều hoạt động thương mại xuyên biên giới hơn trong các hoạt động hạn chế phát thải carbon,” ông cho biết.

Ông bày tỏ rằng: "Nếu chúng tôi có thể đưa ra khuôn khổ này, hy vọng rằng cuối cùng nó có thể phát triển thành một sáng kiến quốc tế khác".

Trước đây, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (P4) từng được Brunei, Singapore, Chile và New Zealand tiên phong ký kết năm 2005. Tới năm 2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết giữa 11 quốc gia, bao gồm Brunei, Singapore, Chile và New Zealand.

Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số ban đầu được Singapore, Chile và New Zealand ký kết vào năm 2020, thiết lập các cách tiếp cận và hợp tác mới trong các vấn đề thương mại kỹ thuật số. Hàn Quốc là quốc gia tham gia thỏa thuận này vào năm 2024.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/singapore-de-nghi-dang-cai-to-chuc-apec-2030-35699.html
Zalo