Singapore báo động đỏ khủng hoảng lừa đảo

Người dân Singapore bị lừa mất 858 triệu USD trong 51.501 vụ lừa đảo được báo cáo năm 2024 – tương đương mỗi 10 phút lại có một vụ lừa thành công.

Singapore nên làm nhiều hơn nữa để bảo vệ công dân của mình khỏi các vụ lừa đảo. Ảnh: X

Singapore nên làm nhiều hơn nữa để bảo vệ công dân của mình khỏi các vụ lừa đảo. Ảnh: X

Theo tờ Asia Times, mỗi sáng, khi rời căn hộ chung cư ở Singapore, bạn dễ dàng bắt gặp một cảnh tượng quen thuộc đến lạnh người. Cửa thang máy dán kín các hình vẽ lòe loẹt mô tả những kẻ lừa đảo với nụ cười nham hiểm đang moi tiền những nạn nhân ngây thơ, những người chỉ còn biết gục xuống nức nở vì khoản tiền tiết kiệm cả đời bỗng chốc tan biến.

Bên dưới, các cụ già chen chúc quanh những hòm thư in nổi đường dây nóng chống lừa đảo của chính phủ bằng những con số đỏ chói, đôi tay run rẩy bấm từng phím gọi với nỗi sợ hiện rõ trên khuôn mặt.

Những cảnh tượng thường ngày này phản ánh sự gia tăng chóng mặt của các vụ lừa đảo ở Singapore – một hiện tượng mới lạ đối với một quốc đảo vốn nổi tiếng với tỷ lệ tội phạm cực thấp. Năm 2024, đã có 51.501 vụ được báo cáo, tương đương một vụ lừa đảo thành công mỗi 10 phút – hơn gấp ba lần con số bốn năm trước, với tổng thiệt hại lên tới 1,1 tỷ đô la Singapore (tương đương 858 triệu USD).

Theo bài viết trên Asia Times, để đối phó với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này, Singapore cần có một chiến lược toàn diện dựa trên ba trụ cột: siết chặt các biện pháp bảo vệ trong khu vực tư nhân, nâng cao hiểu biết số và mở rộng hợp tác quốc tế.

1. Củng cố phòng tuyến khu vực tư nhân

Dù chính phủ đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận trong việc phối hợp với các bên chủ chốt thuộc khu vực tư nhân – đặc biệt là các ngân hàng và nền tảng công nghệ lớn – để triển khai các biện pháp chống lừa đảo, ba “điểm mù” đang phát triển nhanh chóng cần được xử lý ngay lập tức.

Thứ nhất, là sự bùng nổ của các vụ lừa đảo liên quan đến tiền điện tử – chiếm tỷ trọng gấp gần 4 lần so với năm trước trong tổng giá trị thiệt hại năm 2024. Những vụ lừa đảo này đặc biệt nguy hiểm vì các giao dịch tiền số có tính ẩn danh và không thể đảo ngược.

Sau khi thông qua luật cho phép cảnh sát phong tỏa các giao dịch ngân hàng khả nghi, Singapore cần áp dụng các biện pháp tương tự đối với sàn giao dịch tiền điện tử, dịch vụ chuyển tiền và ví điện tử.

Ngoài ra, do bọn lừa đảo thường ép nạn nhân phải ra quyết định vội vàng, các nền tảng này nên được yêu cầu áp dụng các cơ chế “ma sát hữu ích” như tạm hoãn rút tài sản số – tương tự như mô hình đang áp dụng tại Hàn Quốc.

Thứ hai, là sự gia tăng của các vụ lừa đảo thương mại điện tử – hiện là loại hình phổ biến nhất. Chính phủ cần khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các nền tảng đã được xác minh như Facebook Marketplace và Carousell – những nền tảng đã áp dụng biện pháp kiểm tra danh tính người bán bằng giấy tờ do chính phủ cấp.

Đồng thời, các công cụ tìm kiếm cần được yêu cầu đánh dấu những đường link mạo danh dễ gây nhầm lẫn như carousellpay.com hoặc carousell.xxx.com – thường được sử dụng để giả mạo các nền tảng uy tín.

Ngoài ra, cần ban hành cảnh báo có mục tiêu đối với các mặt hàng thường bị kẻ gian lợi dụng, tiêu biểu là vé xem ca nhạc – chiếm hơn 20% tổng thiệt hại từ lừa đảo thương mại điện tử.

Thứ ba, chính phủ cần có biện pháp cứng rắn hơn đối với ứng dụng Telegram – vốn ngày càng bị giới lừa đảo ưa chuộng do khả năng kiểm soát nội dung lỏng lẻo và thiếu xác minh danh tính. Các vụ lừa đảo liên quan đến Telegram tăng 137,5% chỉ trong nửa đầu năm 2024, và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn khi đây đã là ứng dụng được tải nhiều thứ năm ở Singapore.

2. Nâng cao nhận thức số

Dù việc triển khai ứng dụng ScamShield – công cụ phát hiện lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo của chính phủ – là bước tiến đáng hoan nghênh, nó không thể thay thế phòng tuyến thiết yếu nhất: trình độ hiểu biết số. Điều này càng quan trọng khi ứng dụng không tương thích với các nền tảng nhắn tin mã hóa phổ biến như Telegram hay WhatsApp.

Mặc dù có các khóa học như SG ScamWISE và Tertiary Courses Singapore, tỷ lệ tham gia vẫn rất thấp, phần lớn do tâm lý chủ quan đang lan rộng. Có tới 84% người Singapore tự tin cho rằng mình có thể phát hiện lừa đảo, nhưng chỉ 40% thực sự nhận diện đúng email giả mạo – cho thấy sự cần thiết của việc đưa giáo dục chống lừa đảo trở thành bắt buộc tại trường học và nơi làm việc.

Giáo dục chống lừa đảo cũng nên bắt đầu sớm hơn – hiện nay học sinh ở Singapore thường chỉ bắt đầu được học về lừa đảo ở tuổi 13, trong khi trung bình các em đã dùng điện thoại từ năm 10 tuổi.

Các chiến dịch giáo dục công cộng cũng cần cảnh báo về mối đe dọa ngày càng lớn từ các chiêu trò siêu tinh vi dựa trên AI – như giả mạo giọng nói và hình ảnh để bắt chước người quen. Các hoạt động này nên tập trung vào người cao tuổi – nhóm thường không quen với công nghệ mới – và hướng dẫn họ cách xác minh thông tin từ người gửi đáng ngờ.

Dù các công cụ AI vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, chính phủ cần phổ biến các dấu hiệu nhận biết như hình ảnh bị méo mó, khẩu hình không khớp giọng nói, và khuyến khích cài đặt phần mềm phát hiện AI, trong bối cảnh công nghệ deepfake ngày càng tiến hóa.

Giáo dục cộng đồng cũng phải giải quyết vấn nạn không báo cáo – một yếu tố cản trở lớn trong việc truy lùng tội phạm. Có tới 64% người nhận tin nhắn lừa đảo không báo cáo – phần vì tin rằng mình không thể bị lừa, phần vì nghĩ rằng báo cũng chẳng ích gì.

Do đó, các sáng kiến nâng cao hiểu biết số cần nhấn mạnh rằng phòng chống lừa đảo là trách nhiệm chung – rằng ngay cả những người cảnh giác nhất cũng có thể là nạn nhân, và rằng báo cáo kịp thời sẽ giúp phá vỡ các mạng lưới tội phạm.

Một nguyên nhân khác khiến nhiều người không báo cáo là xấu hổ – theo khảo sát ở Anh, 27% nạn nhân không trình báo vì ngại ngùng. Singapore cần xóa bỏ định kiến này bằng cách khắc họa lừa đảo như một hiểm họa phổ biến và dễ gặp, đồng thời phát động chiến dịch với các nhân chứng thực tế chia sẻ việc báo cáo giúp họ lấy lại tài sản.

Các dịch vụ tiếp nhận tố cáo cũng cần cho phép ẩn danh và cung cấp hỗ trợ tâm lý, nhằm xóa bỏ cảm giác tủi nhục vốn khiến nhiều nạn nhân chọn cách im lặng.

3. Thắt chặt hợp tác khu vực

Trụ cột thứ ba trong chiến lược chống lừa đảo của Singapore phải là tăng cường hợp tác xuyên quốc gia. Dù khoảng 90% vụ lừa đảo ở Singapore có nguồn gốc từ nước ngoài, nước này mới chỉ tham gia một số chiến dịch truy quét xuyên biên giới với số lượng hạn chế.

Bên cạnh việc mở rộng các chiến dịch như vậy, lực lượng cảnh sát Singapore nên phối hợp nhiều hơn với các nước láng giềng trong các cuộc diễn tập mô phỏng chung – nhằm kiểm tra khả năng phản ứng và phối hợp, điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các hoạt động lừa đảo ngày càng tinh vi và khó truy vết.

Là quốc gia giàu nhất Đông Nam Á tính theo thu nhập bình quân đầu người, Singapore luôn là mục tiêu hấp dẫn của giới lừa đảo. Và chúng ta đang chạy đua với thời gian – mỗi ngày trôi qua, các đường dây gian lận lại tinh vi hơn và tận dụng công nghệ mới nhanh hơn.

Chúng ta đã có bước khởi đầu đáng khích lệ, nhưng nếu muốn bảo vệ hàng chục nghìn người dân khỏi cảnh tan cửa nát nhà, chúng ta phải hành động quyết liệt hơn nữa.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/singapore-bao-dong-do-khung-hoang-lua-dao-20250527164336049.htm
Zalo