'Siêu Trăng xanh' xuất hiện vào đúng Rằm tháng 7, ở Việt Nam có thể quan sát?

Siêu Trăng xanh nổi bật sẽ chiếu sáng rực rỡ trên bầu trời vào tuần tới. Cụ thể, Trăng tròn tháng 8 diễn ra vào đêm ngày 18 (rạng sáng ngày 19/8, đúng vào đêm Rằm tháng 7 Âm lịch), hứa hẹn sẽ là một cảnh tượng tuyệt đẹp.

Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), siêu Trăng xanh năm nay sẽ rơi đúng vào Rằm tháng 7 Âm lịch ở Việt Nam (đêm 18, rạng sáng 19/8). Theo đó, Mặt Trăng sẽ nằm ở phía đối diện của Trái Đất và được chiếu sáng hoàn toàn bởi Mặt Trời, xảy ra lúc 1h27' (giờ Việt Nam) ngày 19/8.

Lần trăng tròn này được các bộ lạc người Mỹ bản địa đầu tiên gọi là Trăng cá tầm vì cá tầm lớn ở Ngũ Hồ và các hồ lớn khác dễ bị đánh bắt hơn vào thời điểm này trong năm. Mặt Trăng này còn được gọi là Trăng Ngô xanh và Trăng Ngũ cốc. Bởi vì đây là lần trăng tròn thứ 3 trong số 4 lần trăng tròn trong mùa này nên nó được gọi là Trăng xanh.

Siêu Trăng xanh đầu tiên của năm 2024 sẽ chiếu sáng rực rỡ trên bầu trời vào đêm Rằm tháng 7 Âm lịch. (Ảnh minh họa: Unsplash)

Siêu Trăng xanh đầu tiên của năm 2024 sẽ chiếu sáng rực rỡ trên bầu trời vào đêm Rằm tháng 7 Âm lịch. (Ảnh minh họa: Unsplash)

Trăng xanh diễn ra 2 - 3 năm 1 lần. Trăng xanh theo mùa gần đây nhất là vào tháng 10/2020 và tháng 8/2021 và Trăng xanh theo mùa tiếp theo sẽ xảy ra vào tháng 5/2027. Không cần ống nhòm ngắm sao và kính thiên văn để ngắm trăng tròn, nhưng nếu có thì sẽ giúp nhìn thấy các chi tiết trên bề mặt Mặt Trăng mà mắt thường không nhìn thấy được.

Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), Trăng xanh là một vấn đề thuần túy mang tính văn hóa của nhiều quốc gia phương Tây trước kia. Theo đó, "Trăng xanh của mùa" là cách hiểu khởi điểm của thuật ngữ "Blue Moon". Chúng ta biết rằng mỗi năm có 12 tháng, mỗi tháng có 30 - 31 ngày (trừ tháng 2 chỉ có 28 - 29 ngày). Trong Âm lịch mà Việt Nam cùng nhiều nước phương Đông sử dụng thì tính theo chu kỳ trăng, mỗi năm có 12 tuần trăng.

Tuy nhiên, độ dài của tuần trăng chỉ có 29,53 ngày nên tháng âm lịch chỉ dài 29 hoặc 30 ngày. Như vậy 12 tuần trăng thực ra chưa đủ 12 tháng Dương lịch. Trong Dương lịch, chúng ta biết rằng 4 mùa được chia tương đối đều, mỗi mùa có độ dài 3 tháng và được định mốc bởi 2 lần phân hoặc chí (chẳng hạn từ xuân phân đến hạ chí, từ hạ chí đến thu phân...).

Vì 3 tháng này dài hơn 3 tuần trăng nên nếu một lần trăng tròn rơi vào một trong vài ngày đầu tiên của một mùa thì một trong số vài ngày cuối cùng của mùa đó có thể là lần trăng tròn thứ 4 (trong khi lẽ ra một mùa chỉ có thể có 3 lần trăng tròn). Trong trường hợp đó, lần trăng tròn thứ 3 trong số 4 lần trăng tròn của một mùa được gọi là Trăng xanh. Theo cách tính này, cứ khoảng 3 năm thì có một lần Trăng xanh của mùa.

Trăng xanh của tháng dùng để chỉ lần trăng tròn thứ 2 trong tháng Dương lịch. Vì chu kì tuần trăng là 29,53 ngày, trong khi mỗi tháng có 30 hoặc 31 ngày. Vậy nên nếu thời điểm trăng tròn rơi vào ngày mùng 1 của một tháng thì ngày 30 hoặc 31 của tháng đó cũng sẽ lặp lại pha này của Mặt Trăng. Lần trăng tròn thứ 2 của một tháng này được gọi là Trăng xanh. Trăng xanh của tháng như vậy dễ xảy ra hơn, khoảng 2 năm đến dưới 3 năm một lần.

Để ngắm nhìn siêu trăng, mọi người không cần thiết bị đặc biệt nào, chỉ cần tìm một nơi thoáng đãng để có thể quan sát rõ ràng. Tuy nhiên, nếu có ống nhòm ngắm sao và kính thiên văn thì sẽ giúp nhìn thấy các chi tiết trên bề mặt Mặt Trăng mà mắt thường không nhìn thấy được.

Linh Lê (tổng hợp)

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/sieu-trang-xanh-xuat-hien-vao-dung-ram-thang-7-o-viet-nam-co-the-quan-sat-post1664199.tpo
Zalo