Chuyển hàng trăm tấn rau quả từ Nam ra Bắc phục vụ người dân
Siêu thị MM Mega Market khẳng định có đủ hàng hóa dự trữ cho cả tháng, trong khi Co.opmart đã chuyển 200 tấn rau từ Nam ra Bắc để phục vụ người dân vùng bão lũ.
Những ngày qua, nhiều chuỗi siêu thị trên toàn quốc đã huy động toàn bộ nhân lực, vật lực để cung ứng hàng hóa cho các điểm bán khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu sau bão gây mưa lũ. Dù gặp nhiều khó khăn, các đơn vị vẫn nỗ lực để không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Hoạt động 24/24
Nhiều ngày qua, chuỗi siêu thị MM Mega Market ghi nhận lượng tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm khô như dầu ăn, bột mì, mì gói, đồ hộp, các loại đồ khô... tăng trên 50%, có lúc tăng 80% tại các trung tâm khu vực miền Bắc.
Các sản phẩm pin, đèn pin, bếp cồn, cồn khô, nước ngọt và bánh mỳ được tăng cường hơn thường ngày, dự kiến còn có nhu cầu trong những ngày kế tiếp.
Trong khi đó, sức mua và lượng khách tại siêu thị Co.opmart cũng tăng 50% so với ngày thường. Các đơn hàng đặt trực tuyến tăng gấp 2-3 lần, tập trung vào nhóm các thực phẩm khô như mì, bún, miến, phở ăn liền, lương khô, sữa, bánh kẹo.
Đơn hàng được nhân viên sắp xếp, nỗ lực giao trong ngày. Đối với những khu vực đang bị giao thông chia cắt, Co.opmart trao đổi với khách hàng nhằm tìm kiếm giải pháp giao nhận thuận tiện nhất.
Ngoài việc đảm bảo nguồn hàng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn, Co.opmart tiếp tục giảm giá sâu 15-40% đối với các mặt hàng thiết yếu.
Đại diện Saigon Co.op cho biết đơn vị đã nhanh chóng tăng lượng hàng dự trữ dành cho khu vực miền Bắc gấp 3 lần ngày thường. Trung tâm phân phối miền Bắc của hệ thống tại Bắc Ninh được đặt trong trạng thái khẩn trương, toàn bộ nhân viên được chia ca kíp, tăng ca làm việc để hoạt động 24/24 với nhiệm vụ xử lý và điều phối xe vận chuyển hàng hóa.
Số lượng xe được Saigon Co.op điều hướng từ các trung tâm khác đến phục vụ riêng cho thị trường miền Bắc theo đó tăng gấp 3 lần ngày thường. Ngoài xe chuyên dụng, xe bảo ôn, trung tâm phân phối Saigon Co.op đã sử dụng cả xe tải nhỏ để di chuyển nhanh chóng trên các tuyến đường.
Nhờ vậy, dù một số vùng đang bị ngập úng, Saigon Co.op vẫn đảm bảo đường vận chuyển thông suốt từ toàn quốc đến Trung tâm phân phối miền Bắc và từ đó đến hệ thống Co.opmart, Co.op Food.
Chuyển hàng trăm tấn rau từ Nam ra Bắc
Saigon Co.op cũng đã tăng cường mặt hàng rau lá từ Đồng Nai, Lâm Đồng, Đà Lạt và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong đó, 200 tấn rau quả bao gồm rau muống, cải ngọt, bí đao, cải thảo, dưa leo, cà chua, xà lách, ớt chuông, bầu, bí, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu, dưa lưới, cam... từ các nhà vườn, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ vận chuyển liên tục từ Nam ra Bắc.
Ngoài ra, Co.opmart cũng hướng dẫn nhà cung ứng thịt gia súc, gia cầm giao sản phẩm trực tiếp đến siêu thị. Như vậy, sản phẩm sẽ giữ được độ tươi mát, đồng thời khai thác tối đa hệ thống vận chuyển của 2 bên.
Về phía Aeon, bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc Thu mua khu vực miền Bắc và miền Trung, cho biết vẫn liên tục làm việc với nhà cung cấp để vận chuyển rau từ Đà Lạt ra miền Bắc, đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân.
Đại diện Central Retail Việt Nam cũng cho biết đã chuẩn bị những chuyến xe tăng cường hàng hóa cho miền Bắc. Theo đó, trung bình mỗi chuyến xe đi từ Đà Lạt giao cho miền Trung và miền Bắc 40 tấn hàng hóa, nay tăng lên 75-80 tấn. Nhờ vậy, các siêu thị GO!, Big C đã tăng gấp đôi sản lượng rau củ so với ngày thường.
Với mặt hàng thịt, cá, thủy hải sản các loại, đại diện hệ thống bán lẻ này cho hay một số nhà cung cấp tại tâm bão đang chịu tác động khiến khu nuôi trồng, nhà máy bị hư hỏng, mất nước, mất điện, ảnh hưởng tới việc sản xuất.
Tuy nhiên, hiện các nhà cung cấp cũng đang cố gắng khắc phục sau mưa lũ và tăng cường sản xuất để đáp ứng hàng hóa cho siêu thị, lượng hàng vẫn đang đảm bảo giao từ 90% nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, siêu thị cũng tăng cường nhập hàng đông lạnh để bổ sung thêm nhu cầu tăng rất cao của khách hàng.
Hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+/WiN tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn về thiệt hại cơ sở vật chất và hàng hóa. Theo thống kê sơ bộ của Masan đến ngày 11/9, gần 700 cửa hàng tại miền Bắc bị thiệt hại, nặng nhất là hư hỏng hàng hóa do ngập nước, cúp điện kéo dài, các tài sản như tủ đông, tủ mát, máy tính... bị ngâm nước.
Dù vậy, đại diện Masan cho biết đang nỗ lực duy trì hoạt động, đảm bảo an toàn cho người lao động nhằm cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng.
"Hiện tại, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ, cùng các sản phẩm thiết yếu như gạo, mì... vẫn được cung cấp đầy đủ với giá cả ổn định", đại diện Masan nhấn mạnh.
Từ ngày 8/9, đơn vị này cũng chuyển gần 100 tấn rau củ thiết yếu mỗi ngày từ miền Nam và Lâm Đồng ra miền Bắc, nhằm bù đắp thiếu hụt do thiệt hại của các nông trường miền Bắc sau bão.
Đủ hàng dự trữ để cung ứng trong 1 tháng
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market Việt Nam cho biết đơn vị này đang tăng cường nhân sự cho các kho miền Bắc để ổn định việc cung ứng hàng, đảm bảo quầy bánh tươi luôn đủ cho khách mua trữ hoặc ăn liền không cần chế biến.
Vị này khẳng định trữ lượng hàng hóa của chuỗi có khả năng cung ứng lên đến 1 tháng cho miền Bắc nhờ chuỗi cung ứng khép kín và 5 trạm thu mua - cung ứng hàng hóa, 2 kho trữ hàng lớn tại Bình Dương, cùng 6 kho giao hàng B2B.
"Việc di chuyển xe hàng từ Nam ra Bắc, và từ các kho miền Bắc đến các khách hàng của MM vẫn được đảm bảo và tăng cường số lượng gấp 3 lần. Tuy nhiên, không tránh khỏi sẽ có chậm trễ do điều kiện đường xá đang chịu ảnh hưởng của lũ và mưa ở khu vực Trung Bắc Bộ", bà Nga cho hay.
Bên cạnh việc cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân, theo bà Nga, MM Mega Market sẵn sàng chung tay với các đơn vị cứu hộ cứu nạn hoặc các đơn vị thiện nguyện cần một lượng hàng lớn cứu trợ để cung cấp, với mức chiết khấu tốt nhất theo từng đơn hàng.