'Siêu lừa' vụ vỡ nợ lớn nhất Đà Nẵng lãnh án chung thân
Đào Thị Như Lệ từng là nữ đại gia có tiếng ở Đà Nẵng, sở hữu nhiều bất động sản trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Do ôm quá nhiều bất động sản nhưng không bán được nên phải thế chấp nhiều tài sản để vay ngàn tỷ đồng nhưng vẫn không thoát khỏi vòng xoáy nợ nần và vướng vào con đường lao lý vì lừa đảo. Mới đây, Đào Thị Như Lệ (1979, trú P. An Hải Đông, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) bị TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử với 3 tội 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ'; 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'; 'Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức'.
“Siêu lừa” ngàn tỷ
Theo cáo trạng, quá trình làm ăn, Lệ quen biết với Dương Thị Ngọc Anh (1979, trú P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), nhân viên làm việc tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà. Khoảng tháng 4-2020, lợi dụng nhiệm vụ được phân công trong việc tiếp nhận, quản lý, xử lý các hồ sơ cùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của người dân nộp để giải quyết thủ tục hành chính, Ngọc Anh đã lấy 5 Giấy chứng nhận của người dân đưa cho Lệ và được Lệ cho vay số tiền 1 tỷ đồng. Sau khi các Giấy chứng nhận đến hạn giải quyết thì Ngọc Anh lấy lại và đưa Giấy chứng nhận khác cho Lệ.
Thời điểm này, Lệ vay tiền của nhiều người, đến hạn trả nợ nhưng chưa có tiền, bị các chủ nợ liên tục thúc ép. Lệ nhờ Ngọc Anh tiếp tục đưa cho Lệ các Giấy chứng nhận để đưa cho các chủ nợ nhằm giãn nợ, chờ đến khi bán được lô đất làm dự án xây dựng khu phức hợp thương mại và căn hộ ở đường Hồ Xuân Hương thì sẽ giải quyết được các khoản nợ này và giúp đỡ Ngọc Anh trong việc làm ăn, trả nợ. Do vậy, Ngọc Anh tiếp tục nhiều lần lấy tổng cộng 19 Giấy chứng nhận tại Chi nhánh đưa cho Lệ. Đến tháng 8-2020, Lệ vẫn chưa trả nợ được, bị nhiều chủ nợ đe dọa nên bỏ đi khỏi nơi cư trú. Lúc này các Giấy chứng nhận đến hạn phải trả lại cho công dân, Ngọc Anh không lấy lại được các Giấy chứng nhận nên chi nhánh đã phát hiện sự việc, trình báo Công an.
Cuối năm 2019, do dịch Covid-19, bất động sản đóng băng khiến Lệ không có đủ tiền để kinh doanh nên tìm đến nhiều người cho vay lãi nặng để vay tiền trả lãi ngân hàng cho các khoản nợ hàng trăm tỷ đồng. Chỉ trong thời gian ngắn Lệ đã gánh món nợ hàng ngàn tỷ đồng và vỡ nợ. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, gồng gánh không nổi, Lệ bắt đầu “đưa chân” vào con đường lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ khoảng tháng 1-2020 đến tháng 7-2020, Đào Thị Như Lệ có hành vi đưa thông tin gian dối để nhận tiền đặt cọc chuyển nhượng các lô đất hoặc tự ý sử dụng các Giấy chứng nhận mượn từ Ngọc Anh đưa cho người khác nói là tài sản của mình chưa sang tên để làm tin, qua đó nhận và chiếm đoạt tài sản của 5 bị hại với tổng số tiền 41,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, để thực hiện hành vi lừa đảo, Lệ còn “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức”. Cụ thể, từ ngày 26-3-2020 đến ngày 31-3-2020, Phạm Thanh (1967, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho Lệ vay tổng cộng 40 tỷ đồng với lãi suất 5%/tháng, thời hạn cho vay là 30 ngày, khi giao nhận tiền ông Thanh trừ trước 1 tháng tiền lãi. Đến ngày 8-5-2020, ông Thanh đe dọa, yêu cầu Lệ ký vào “Hợp đồng thỏa thuận về việc đặt cọc mua bán bất động sản”, tài sản là 3 lô đất thuộc khu nhà hàng dọc tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Để có thời gian thu xếp trả nợ, khoảng tháng 6-2020, Lệ liên hệ qua mạng Internet với một thanh niên (không rõ lai lịch địa chỉ) đưa mẫu văn bản của ngân hàng để người này chỉnh sửa, làm giả “Văn bản thỏa thuận ba bên về việc chuyển nhượng tài sản, số 01/062020/VBTT” ngày.../06/2020 với giá 500 ngàn đồng rồi đưa cho Phạm Thanh.
Cả ngàn tỷ đồng đã đi đâu?
Hồ sơ vụ án xác định Lệ lừa 5 người, chiếm đoạt 41,4 tỷ đồng, cùng khoản nợ 1.500 tỷ đồng với ngân hàng và ngoài xã hội. Vậy, số tiền và tài sản của Lệ hiện ở đâu vẫn là câu hỏi dư luận thắc mắc? Theo lời khai của Lệ trước tòa, bị cáo đã trả nợ vay nóng và mua các bất động sản bị kê biên, thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình điều tra chỉ kê biên được 3 bất động sản, nhưng chỉ có giấy tờ biệt thự 49- Hoàng Kế Viêm (Q. Ngũ Hành Sơn) đứng tên Lệ; còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lô đất ở đường Trần Bạch Đằng (Q. Sơn Trà) Lệ nhờ ông Đào Duy Điệp (em trai Lệ) đứng tên, sổ đỏ 5B- Quang Trung (Q. Hải Châu) nhờ nhân viên Trần Kim Cường đứng tên.
Khi được HĐXX xét hỏi, Đào Duy Điệp khai làm thợ xây ở quê TX Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), năm 2015 được chị gọi ra Đà Nẵng nhờ đứng tên các tài sản và ký khống giấy tờ, “tôi chỉ đến ký rồi về, không đọc, không biết nội dung”, Điệp khai. Còn về vai trò của Trần Kim Cường trong việc tiếp tay Lệ lừa đảo, khai trước HĐXX, Cường cho biết nếu không ký các giấy tờ Lệ đưa thì Lệ vẫn giải quyết được mọi việc vì: “Lệ có nhiều mối quan hệ ngoài xã hội có thể xử lý công việc”.
Đáng quan ngại, tuy vay mượn khoản nợ đến 1.500 tỷ đồng, nhiều vấn đề về các khoản tiền chưa được làm rõ, nhưng Lệ chỉ mới tác động gia đình nộp 50 triệu đồng cho Cục Thi hành án dân sự để bồi thường cho các bị hại. Hiện nay các chủ nợ, bị hại trong vụ án vẫn chưa được bồi thường và trong 3 tài sản của Lệ liên quan vụ án đều đã thế chấp ngân hàng.
Căn cứ các hồ sơ, chứng cứ có trong vụ án, HĐXX TAND TP Đà Nẵng tuyên bị cáo Đào Thị Như Lệ 5 năm tù về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; tù chung thân tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 1 năm tù về : “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, tổng hợp hình phạt là chung thân.