Siêu bão ngày càng mạnh, nguyên nhân do đâu?

Dù các siêu bão có cơ chế hình thành hết sức phức tạp và do nhiều yếu tố tác động nhưng các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu có ảnh hưởng không nhỏ đến cường độ của siêu bão.

Nhân tố biến đổi khí hậu

Thời gian qua, thế giới đã phải chứng kiến hàng loạt siêu bão cực mạnh.

Có thể kể đến siêu bão Helene đang hoành hành dữ dội tại Mỹ, siêu bão Yagi tàn phá Philippine, Trung Quốc và Việt Nam, siêu bão Boris đổ bộ vào Trung Âu gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và của.

Siêu bão Helene gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của tại bang Florida, Mỹ (Ảnh: EPA).

Siêu bão Helene gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của tại bang Florida, Mỹ (Ảnh: EPA).

Các nhà khoa học nhận định, các siêu bão trên khắp thế giới dường như đã mạnh dần lên trong những năm qua và thủ phạm chính được chỉ ra là tình trạng biến đổi khí hậu khiến các dòng hải lưu trên đại dương nóng lên qua đó làm gia tăng sức mạnh và độ hủy diệt của bão.

Theo hãng tin EuroNews, dù có tên gọi khác nhau tại nhiều nơi trên khắp thế giới, nhìn chung, các cơn bão đều gây ra gió mạnh dữ dội, mưa lớn kéo dài khiến mực nước biển dâng cao trong thời gian ngắn.

Các cơn bão được ví như những động cơ xoay khổng lồ sử dụng nhiệt độ, độ ẩm không khí làm năng lượng. Bão thường hình thành tại các vùng biển nhiệt đới gần xích đạo nơi những luồng khí nóng bốc lên từ bề mặt đại dương. Không khí bị thiếu hụt khi đó sẽ gây ra áp thấp khiến những dòng khí mới liên tục xoay vòng xung quanh vùng áp thấp để bù đắp.

Luồng khí nóng và hơi ẩm bốc lên cao sẽ lạnh dần hình thành lên những đám mây và bắt đầu chuyển động theo vòng xoay ngày một nhanh hơn cho đến khi hình thành mắt bão. Áp lực không khí lớn ở trên cao khi đó sẽ bị ép xuống dưới vùng yên lặng trong mắt bão.

Để có thể cung cấp đủ năng lượng cho một cơn bão, nhiệt độ bề mặt đại dương cần phải duy trì ít nhất ở mức 27oC. Những vòng xoáy trong bão này sẽ chuyển động ngược chiều kim đồng hồ ở bán cầu Bắc và xuôi chiều kim đồng hồ ở bán cầu Nam.

Bão sẽ suy yếu dần khi đổ bộ vào đất liền do không còn được cung cấp năng lượng từ mặt nước ấm của đại dương. Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn được bão gây ra những thảm họa thiên tai khôn lường trước khi suy yếu và tan đi.

Các nhà nghiên cứu từng dự báo năm 2024 sẽ là năm có những trận bão dữ dội ở Đại Tây Dương do nhiệt độ bề mặt đại dương tại đây đã đạt mức cao kỷ lục. Tỷ lệ xảy ra siêu bão đổ bộ vào Mỹ vì thế sẽ cao hơn khá nhiều so với mức trung bình trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, thời tiết nóng ấm khiến cho độ ẩm tăng cao đồng nghĩa với việc lượng mưa trong bão ngày càng dữ dội. Cụ thể, lượng mưa trong siêu bão Harvey đổ bộ vào Mỹ năm 2017 ước tính cao gấp 3 lần so với một cơn bão thông thường và biến đổi khí hậu một lần nữa được cho là tác nhân chính.

Đã có những bằng chứng cho thấy nhiều cơn bão có thời gian đổ bộ và hoành hành trên đất liền lâu hơn trước là do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng cao có thể đóng vai trò quyết định đến mức độ hủy diệt của các cơn bão. Ngoài ra, triều cường do bão gây ra còn khiến những đợt lũ lụt vốn đã nghiêm trọng càng tồi tệ hơn.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), dù số lượng bão trên khắp thế giới không tăng lên nhiều nhưng số lượng siêu bão có cường độ ở mức cao nhất lại tăng nhanh chóng. Một nghiên cứu hồi tháng 7 chỉ ra rằng, các siêu bão ở Đông Nam Á đang hình thành sát đất liền hơn, cường độ gia tăng nhanh hơn và tồn tại lâu hơn.

Nên có thêm một cấp độ bão mới?

Trước sự tàn phá dữ dội của các siêu bão trong thời gian qua và khả năng sẽ xảy ra nhiều siêu bão mạnh hơn trong thời gian tới, các nhà khoa học khuyến nghị cần thêm cấp độ 6 vào thang 5 cấp độ bão truyền thống Saffir-Simpson (theo đánh giá của Mỹ và châu Âu).

Siêu bão Yagi gây mưa to, gió lớn với sức tàn phá khủng khiếp khi đổ bộ vào đảo Hải Nam, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Siêu bão Yagi gây mưa to, gió lớn với sức tàn phá khủng khiếp khi đổ bộ vào đảo Hải Nam, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Điều này là bởi những nghiên cứu gần đây cho thấy thang cảnh báo bão 5 cấp độ truyền thống Saffir-Simpson, được xây dựng từ hơn 50 năm trước có thể sẽ không thể hiện được hết sức mạnh thực sự của những siêu bão sắp tới.

Chính vì thế, các nhà khoa học đề xuất thêm cấp độ 6 dành cho những siêu bão có sức gió vượt trên 309km/h, cao hơn đáng kể so với mức 252km/h dành cho siêu bão cấp độ 5 cao nhất hiện nay. Thậm chí, một số nhà khoa học còn cảnh báo, thang bão cấp độ 6 vẫn chưa đủ để mô tả sức tàn phá kinh khủng của những siêu bão với sức gió lên đến trên 322km/h.

"Việc thế giới vẫn duy trì thang cảnh báo bão 5 cấp độ trong khi những siêu bão ngày mạnh sẽ dẫn đến việc những nguy cơ tiềm ẩn trong những siêu bão ngày càng bị xem nhẹ", ông Jim Kossin nhà nghiên cứu khí tượng và bão lũ tại Quỹ First Street cảnh báo.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại không đồng tình với quan điểm nêu trên và cho rằng thang cấp độ 6 là không cần thiết. Bởi việc nâng một mức cảnh báo bão có thể phát đi một tín hiệu sai tới người dân khi mà cấp độ bão được đo bằng sức gió trong khi dòng nước lũ mới là "sát nhân" nguy hiểm nhất trong các siêu bão.

Ông Jamie Rhome, Phó giám đốc Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ cho biết, khi phát đi cảnh báo bão, trung tâm thường sẽ hướng sự tập trung vào những yếu tố có thể gây thảm họa thiên tai như triều cường, gió, lượng mưa, dòng nước lũ thay vì đưa ra một thang cảnh báo bão cụ thể.

Theo ông Rhome, thang cảnh báo bão cấp 5 Saffir-Simpson đã đủ đề cập đến mức độ tàn phá của gió trong các siêu bão nên sẽ không cần thiết phải có thêm một cấp độ cảnh báo nữa ngay cả khi có những siêu bão mạnh hơn.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sieu-bao-ngay-cang-manh-hon-nguyen-nhan-do-dau-192241001153940901.htm
Zalo