Siết quản lý học sinh sử dụng điện thoại trong trường học
Thực hiện Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã áp dụng biện pháp hạn chế học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học khi chưa được giáo viên cho phép, thậm chí cấm mang điện thoại đến trường nhằm tạo môi trường lành mạnh, giúp các em nâng cao chất lượng học tập, phát triển toàn diện.
Hệ lụy từ việc lạm dụng điện thoại
Điện thoại thông minh lâu nay trở thành thiết bị phổ biến, gần gũi với giới trẻ, trong đó có học sinh (HS) ở đủ mọi lứa tuổi. Ngoài là phương tiện liên lạc với gia đình, người thân khi cần thiết, nó còn là công cụ hữu ích giúp các em tiếp cận nhiều hơn về công nghệ, thông tin để phục vụ việc học tập, hiểu biết, nhất là giai đoạn cả nước ta trải qua đại dịch COVID-19.
Thế nhưng, việc HS lạm dụng điện thoại ở trường học thời gian qua đã gây ra không ít hệ lụy. Thực tế, ở một số trường học trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra các vụ việc như: HS sử dụng điện thoại dẫn tới hậu quả bạo lực mạng, bạo lực học đường, một số em tham gia hội nhóm trên mạng xã hội, bị bạn bè xấu rủ rê và tụ tập đánh nhau cũng như có những hành vi phạm pháp.
Còn có trường hợp, HS ở một trường THCS thuộc huyện X. dùng điện thoại quay cóp trong giờ kiểm tra bị giáo viên bắt gặp, thu điện thoại, trừ điểm. Đáng buồn hơn là lợi dụng khi nhiều bạn khác trong lớp lên nộp bài cuối giờ, HS sử dụng điện thoại quay cóp nói trên đã lén cô lấy trộm chiếc điện thoại của mình ở bàn giáo viên và không hề thừa nhận việc đã làm. Vụ việc sau đó được giáo viên và nhà trường thông báo cơ quan Công an đến giải quyết. Hậu quả là em HS đó bị hạ hạnh kiểm, thông báo tới gia đình.
Quá trình tác nghiệp ở cơ sở, chúng tôi cũng nhận được nhiều chia sẻ từ các thầy cô giáo: HS đang ở lứa tuổi “trăng tròn” nên không tránh khỏi có tình cảm với bạn khác giới. Các em nhắn tin, liên lạc với nhau qua điện thoại, có giờ học chỉ chăm chăm vào cặp sách xem điện thoại có tin nhắn không, dẫn tới kết quả học tập sa sút…
Ngoài ra, việc HS sử dụng điện thoại thông minh ở trường học sẽ khiến các em mất nhiều thời gian, giờ ra chơi chỉ ngồi một chỗ lướt lướt mạng xã hội, không có nhu cầu trò chuyện với bạn bè, hay tham gia các hoạt động thể chất.
Trong báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều làm giảm hiệu suất học tập, tăng cảm xúc tiêu cực của trẻ em.
Cụ thể, việc HS quá lạm dụng sử dụng điện thoại thông minh không chỉ làm giảm khả năng tập trung học tập, mà còn khiến các em “nghiện”, lệ thuộc vào công nghệ; làm tăng tình trạng HS gian lận thi cử và giảm sự tương tác với mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, việc sử dụng quá nhiều điện thoại còn ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần, tăng nguy cơ béo phì và việc phát triển các kỹ năng xã hội lành mạnh của các em.
Hạn chế điện thoại - nhiều hiệu ứng tích cực
Trước thực trạng HS sử dụng điện thoại di động trong giờ học dẫn tới nhiều hệ lụy xấu, ngày 15/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, quy định: “HS không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Căn cứ Thông tư này, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các trường học trên địa bàn nghiêm túc thực hiện.
Theo đó, nhiều trường đã áp dụng biện pháp hạn chế HS sử dụng điện thoại trong giờ học, thậm chí cấm mang điện thoại đến trường, kể cả giờ ra chơi nhằm tạo môi trường lành mạnh giúp các em nâng cao chất lượng học tập, phát triển thể chất, nhân cách.
Điển hình như Trường THCS Thắng Lợi, thuộc phường Cải Đan (TP. Sông Công). Ngay từ buổi họp đầu năm, các phụ huynh đã thống nhất 100% với giáo viên chủ nhiệm không cho HS mang điện thoại tới trường.
Cô Hà Thị Luyến, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: Mấy năm nay, Trường thực hiện việc cấm hẳn HS mang điện thoại trong trường học. Chúng tôi nhận thấy hiệu quả rõ rệt là các em tập trung hơn vào bài giảng, tránh những phiền nhiễu không cần thiết và những vụ bạo lực học đường. Đặc biệt, giờ ra chơi, các em tham gia nhiều trò chơi dân gian, các môn thể thao, giúp xả stress và tái tạo năng lượng cho những giờ học tiếp theo.
Không riêng Trường THCS Thắng Lợi mà hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt việc hạn chế HS sử dụng điện thoại trong trường học. Tại các buổi sinh hoạt dưới cờ, các trường cũng tuyên truyền, nhắc nhở HS, nếu em nào vi phạm yêu cầu viết kiểm điểm, thông báo cho phụ huynh và nặng hơn là bị xử lý kỷ luật bằng cách hạ hạnh kiểm. Còn ở nhiều trường phổ thông khác, dù không cấm HS mang điện thoại đến trường, nhưng thống nhất giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm trong quản lý bằng việc thu điện thoại đầu giờ đến khi tan học mới trả lại HS. Tiêu biểu là Trường THCS Nguyễn Du (TP. Thái Nguyên).
Cô Lê Thị Loan, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du: Theo chỉ đạo của Trường, ngay từ đầu năm học, tại buổi họp phụ huynh HS, chúng tôi đã ký cam kết với phụ huynh về việc quản lý sử dụng điện thoại di động của HS ở trường. Từ khi thực hiện quy định này, tôi thấy các em tập trung học tập và đạt kết quả tốt hơn.
Còn em Phạm Châu Anh, học sinh lớp 8A7, Trường THCS Nguyễn Du thì nói: Không dùng điện thoại trong trường học, giờ ra chơi con và các bạn nói chuyện, chơi thể thao với nhau nhiều hơn, thấy vui vẻ hơn thay vì chăm chăm vào điện thoại như trước kia.
Thói quen lành mạnh cần được duy trì
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngày 21/10/2024 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 2579/SGDĐT-CCTT-PC về việc tăng cường quản lý việc sử dụng điện thoại trong nhà trường, nâng cao văn hóa ứng xử học đường, văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho HS.
Theo công văn này, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các phòng giáo dục, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, thống nhất với phụ huynh và HS triển khai triệt để hơn việc quản lý HS không sử dụng điện thoại trong giờ học khi chưa được sự cho phép của giáo viên. Chúng tôi cũng yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh các hoạt động tập thể, sáng tạo nhiều hoạt động ngoại khóa, vui chơi, làm mới mô hình thư viện, tổ chức giảng dạy sử dụng phương tiện của nhà trường không phải để HS sử dụng điện thoại.
Đồng tình với nội dung này, bà Phạm Thị Thu Yến, ở phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên) cho rằng: Tôi đang có con học THPT, thấy việc hạn chế HS sử dụng điện thoại di động trong trường học là thực sự cần thiết. Ở nhà, tôi chỉ cho con dùng điện thoại, phục vụ học tập và giải trí trong khoảng thời gian nhất định dưới sự giám sát của bố mẹ.
Bên cạnh việc cấm hoặc hạn chế HS mang, sử dụng điện thoại trong trường học, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các trò chơi dân gian hoặc đổi mới mô hình thư viện thu hút HS tham gia. Tiêu biểu như Trường THPT Gang Thép. Với mục tiêu xây dựng trường học thân thiện, hạnh phúc, lấy người học làm trung tâm, những năm qua, Nhà trường đã có nhiều hoạt động tập thể, ngoại khóa để HS có không gian phát triển toàn diện bản thân ngoài giờ học.
Thầy giáo Phạm Bá Huân, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường, cho biết: Nhà trường thành lập các câu lạc bộ như: Thể thao, sách và hành động, sáng tác và truyền thông… thu hút đông đảo HS tham gia, tạo sân chơi cho các em phát triển toàn diện, hạn chế dùng điện thoại di động. Đồng thời, Trường tổ chức đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS, giúp các em không lệ thuộc vào điện thoại thông minh.
Thực tế cho thấy, việc hạn chế HS sử dụng điện thoại trong trường học đã và mang lại nhiều lợi ích trong nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để đảm bảo môi trường học tập tốt, giúp các em phát triển toàn diện nhân cách, thể chất, cũng như phát huy hiệu quả được các tính năng của thời công nghệ số trong học tập, rất cần các cơ sở giáo dục linh hoạt các giải pháp để triển khai thực hiện phù hợp.
Tháng 7-2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đề xuất các nước cấm điện thoại thông minh trong trường học nhằm cải thiện khả năng học tập của học sinh và bảo vệ các em khỏi bạo lực mạng. Qua khảo sát 200 hệ thống giáo dục trên thế giới, UNESCO ước tính cứ 6 quốc gia thì có một nước cấm điện thoại thông minh trong trường học. Mới đây nhất, vào cuối tháng 8-2024, Bộ Giáo dục Pháp thử nghiệm cấm học sinh tại 200 trường tiểu học, THCS sử dụng điện thoại (học sinh phải nộp điện thoại từ cổng trường trước khi bắt đầu ngày học). Pháp dự kiến triển khai nội dung này trên toàn quốc từ năm 2025.