Siết quản lý hoạt động bến thủy tại nhiều tỉnh phía Nam

Cục Đường thủy nội địa VN rà soát công tác quản lý bến thủy trên các tuyến đường thủy quốc gia, đảm bảo an toàn.

Nhiều tồn tại, vướng mắc trong quản lý bến thủy

Cục Đường thủy nội địa VN vừa có văn bản gửi các tỉnh Bình Dương, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ, đề nghị siết các biện pháp quản lý bến thủy trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia qua địa bàn.

Trước đó, theo Phó cục trưởng Tống Hoàng Kha, Cục Đường thủy nội địa VN đã lập các đoàn kiểm tra kiểm tra trực tiếp tại địa bàn các tỉnh phía Nam trong tháng 9, tháng 10/2024, phát hiện nhiều hạn chế, vướng mắc cả về quản lý hồ sơ và hiện trường.

Đoàn kiểm tra kiểm tra hiện trường bến thủy nội địa tại Kiên Giang.

Đoàn kiểm tra kiểm tra hiện trường bến thủy nội địa tại Kiên Giang.

Tại TP Cần Thơ, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều bến không có gờ chắn xe, thiếu thiết bị đệm chống va; Thiết bị xếp dỡ không có đăng ký, đăng kiểm theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Còn tại An Giang, Kiên Giang, các lỗi vi phạm phổ biến là không có trụ va neo; bến không có gờ chắn xe, thiếu thiết bị chống va, kè bảo vệ bến sạt lở không đảm bảo an toàn. Thiết bị xếp dỡ không có đăng ký, đăng kiểm theo quy định hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn theo quy định.

Thực trạng tương tự tại Bình Dương, Đồng Tháp, chủ yếu là các vi phạm: Thiếu báo hiệu tại bến, thiếu trụ neo…

Cùng đó tại các tỉnh vẫn tồn tại bến thủy nội địa quá thời hạn hoạt động, vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động.

Về công tác quản lý, cấp phép, qua kiểm tra hồ sơ xác suất cho thấy, đa số các bến thủy nội địa đã được địa phương cấp phép, công bố nhưng lại không có trong quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa của địa phương.

Các bến thủy nội địa được cấp giấy phép hoạt động và công bố lại hoạt động trên phần đất không phải là đất giao thông, không đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất theo quy định của Luất Đất đai. Mục đích sử dụng đất khi được giao đất của các chủ bến chủ yếu là đất trồng cây, trồng lúa, đất đô thị... Ngoài ra có một số bến không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nhân lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực đường thủy nội địa, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước cũng như đối với vấn đề đánh giá bến đủ điều kiện và không đủ điều kiện để tiếp tục gia hạn cấp phép hoạt động theo quy định.

Xử lý nghiêm bến trái phép, đảm bảo an toàn

Trước thực trạng trên, Cục Đường thủy nội địa VN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ban hành, sửa đổi, bổ sung quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có quy hoạch chi tiết cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh được thể hiện đầy đủ, bảo đảm đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

Chỉ đạo UBND cấp huyện giải tỏa bến thủy nội địa không được quy hoạch. Tổ chức kiểm tra, rà soát các bến thủy nội địa không còn hoạt động để hoàn thiện hồ sơ đóng, giải tỏa theo quy định; Ban hành quy định thuê mặt nước gắn liền với bến thủy nội địa.

Bến vật liệu tại An Giang.

Bến vật liệu tại An Giang.

Đối với sở GTVT các tỉnh, cơ quan này đề nghị rà soát, hoàn thiện việc bàn giao đầy đủ hồ sơ bến thủy nội địa (bao gồm cấp phép, công bố, công bố lại, gia hạn) để UBND cấp huyện thực hiện; Hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện việc công bố, công bố lại, gia hạn bến thủy nội địa cho tổ chức, cá nhân thống nhất trong tỉnh.

Đồng thời chỉ đạo lực lượng thanh tra, bộ phận chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra bến thủy nội địa trên địa bàn, các vị trí xếp dỡ hàng hóa thủy nội địa, vận tải hành khách vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định. Có giải pháp kịp thời, bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Đối với UBND cấp huyện, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Tuân thủ đúng quy trình, trình tự, thời hạn thủ tục hành chính cho ý kiến, công bố, công bố lại, gia hạn và hướng dẫn tổ chức, cá nhân trình hồ sơ theo quy định.

Kiểm tra, rà soát, làm việc cụ thể với các chủ bến đối với các bến hết hạn (nhất là các bến hết hạn đã lâu); yêu cầu chủ bến thực hiện đúng các quy định pháp luật.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/siet-quan-ly-hoat-dong-ben-thuy-tai-nhieu-tinh-phia-nam-19224112816530083.htm
Zalo