Siết quản lý các loại 'xe hợp đồng trá hình' từ 1/1/2025
Thời gian qua, xe hợp đồng trá hình đang phát triển tràn lan, gây mất trật tự ATGT, cạnh tranh với xe khách tuyến cố định. Từ 1/1/2025, xe hợp đồng sẽ được quản lý chặt chẽ hơn nhằm minh bạch và đảm bảo trật tự ATGT.
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 158/2024/NĐ-CP, quy định chi tiết về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, các quy định mới sẽ được thực hiện theo Nghị định 158/2024 quy định về vận tải đường bộ, bắt đầu áp dụng từ ngày đầu của năm mới 2025.
Theo đó, các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ người lái) hoặc xe có ít hơn 8 chỗ được cải tạo từ xe lớn hơn 8 chỗ, phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản, giữa đơn vị kinh doanh với người thuê cả chuyến xe, bao gồm cả lái xe.
Xe hợp đồng trên 8 chỗ cũng không được xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe ngoài hợp đồng đã ký kết; không được bán vé; không được thu tiền ngoài hợp đồng; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.
Lái xe sẽ chỉ được đón khách, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng đã ký, không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng do đơn vị vận tải cung cấp.
Đặc biệt, xe hợp đồng không được đón – trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh, trên các tuyến phố…
Khi vận chuyển hành khách, tài xế phải mang kèm hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết cùng danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải (trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử) – trong trường hợp lực lượng chức năng kiểm tra, sẽ phải xuất trình.
Đối với xe hợp đồng dưới 8 chỗ (không kể chỗ của người lái), quy định mới cho phép không cần thực hiện ký hợp đồng vận tải thuê cả chuyến xe, theo quy định của Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ - nói cách khác là được gom khách lẻ cho chuyến đi.
Thời gian qua, xe hợp đồng trá hình đang phát triển tràn lan, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh với xe khách tuyến cố định. Trong khi các nhà xe tuyến cố định phải vào bến, bị quản lý nghiêm ngặt thì xe trá hình tìm cách lách luật, không bị chi phối bởi các điều kiện, chế tài kinh doanh vận tải, trốn tránh đóng nhiều loại thuế, phí.
Một chuyên gia giao thông cho rằng, nghị định này nhằm siết chặt việc quản lý các loại "xe hợp đồng trá hình" (xe biển vàng kinh doanh vận tải hành khách nhưng đón trả khách lẻ tại nhiều địa điểm khác nhau), hiện đang rất phổ biến. Những chiếc xe Limousine trên 8 chỗ vận chuyển hành khách liên tỉnh lâu nay sẽ bị xử phạt nếu bị cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện vi phạm các quy định này.
Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định rõ, khi vận chuyển hành khách, ngoài các giấy tờ theo yêu cầu tại khoản 1 Điều 56 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, lái xe còn phải tuân thủ các quy định sau: Mang theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết (trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử).
Mang theo danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải (trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử). Nếu sử dụng hợp đồng điện tử, lái xe phải có thiết bị để truy cập vào nội dung hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp.
Lái xe không cần áp dụng các quy định trên trong trường hợp thực hiện hợp đồng vận tải phục vụ đám tang hoặc đám cưới.
Điều đáng chú ý, nghị định yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải lưu trữ hợp đồng vận chuyển cùng danh sách hành khách trong tối thiểu 3 năm.