Siết quản lý các cơ sở làm đẹp 'chui'

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết sẽ xem xét, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 96/2023/NĐ-CP nhằm tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép, núp bóng các thẩm mỹ viện, spa.

 Liên tiếp ghi nhận các ca biến chứng sau làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ núp bóng thẩm mỹ viện. Ảnh: BV Việt Đức

Liên tiếp ghi nhận các ca biến chứng sau làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ núp bóng thẩm mỹ viện. Ảnh: BV Việt Đức

Giá đắt cho sự chủ quan

Nhu cầu làm đẹp ngày càng lớn. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn cơ sở y tế có chuyên môn, nhiều người lại dễ dàng đặt niềm tin vào những lời quảng cáo "có cánh" trên mạng xã hội hay lời truyền miệng không kiểm chứng.

Chỉ cần vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, khách hàng có thể được "tiêm filler thần tốc", "trẻ hóa da tức thì", "cắt mí chuẩn Hàn"... mà không biết liệu người thực hiện có chứng chỉ hành nghề hay không, quy trình có đảm bảo an toàn hay không?

Thực tế, đã có những ca biến chứng dẫn đến hoại tử da, mù mắt, nhiễm trùng nặng, thậm chí tử vong. Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã cấp cứu cho 2 trường hợp tai biến nghiêm trọng do tiêm filler (chất làm đầy) làm đẹp. Một trong số đó là chị N.C.T. (31 tuổi, sống tại Hà Nội).

Trước đó, qua mạng xã hội, chị T. thấy một thẩm mỹ viện quảng cáo phương pháp tiêm filler nâng ngực "nhanh chóng, hiệu quả" nên đã tìm đến. Sau tiêm, chị thấy nổi các khối lổn nhổn trong ngực và thường xuyên sưng đau. Kết quả, chị bị áp xe hai bên ngực và phải tới Bệnh viện Việt Đức điều trị.

Một ca khác, chị Đ.T.N. (30 tuổi, ở Hà Tĩnh) tiêm filler vào trán và thái dương tại một cơ sở spa. Khi mới tiêm 0,5cc vào giữa trán, chị N. đã cảm thấy sụp mí, hoa mắt, chóng mặt và nôn mửa. Ngay lập tức, chị được tiêm thuốc giải nhưng vẫn cảm thấy khó chịu, nôn nao không đỡ.

Tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu đi nhanh chóng, sau đó 1 ngày, mắt chị N. đã gần như mù. Chị N. phải tới khám tại Bệnh viện Mắt trung ương, sau đó chuyển đến Bệnh viện Việt Đức.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - Hàm mặt - Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức, những biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ như trên không hiếm.

"Mỗi năm, Việt Nam có trên dưới chục ca mù hoàn toàn sau khi nâng mũi bằng tiêm chất làm đầy. Các biến chứng có thể từ nhẹ tới nặng. Đáng nói, đa phần các ca tai biến nặng được thực hiện bởi những cơ sở không có giấy phép thực hành phẫu thuật thẩm mỹ", PGS.TS Nguyễn Hồng Hà chia sẻ.

Lỗ hổng trong quản lý và chế tài

Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, tuổi làm đẹp hiện nay ngày càng trẻ hóa, có những thanh niên 18-19 tuổi đã muốn "sửa đủ thứ". Theo TS Lê Hữu Doanh, nên tránh lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ khi còn quá trẻ do cơ thể còn đang hoàn thiện.

Khi quyết định thẩm mỹ, cần đến những cơ sở thẩm mỹ được phép hoạt động để tránh gặp biến chứng sau làm đẹp. Các tai biến thường gặp, gồm: Tai biến do tiêm filler, botox, laser, peel da không an toàn, các can thiệp vượt quá mức của cơ sở thực hiện...

Mới đây, cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 96/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh do bất cập trong quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở spa, dịch vụ chăm sóc mẹ và bé, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm (phun, xăm...).

Theo Nghị định này, loại hình dịch vụ như các cơ sở nêu trên không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, dẫn đến rất khó khăn trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra. Một số cơ sở sau khi bị xử phạt lại "mọc lại" chỉ sau vài tuần, thậm chí chỉ đổi tên, đổi địa chỉ là tiếp tục hoạt động.

Mặt khác, nhiều hoạt động làm đẹp đang được "ngụy trang" dưới mác spa, chăm sóc da, hoặc hoạt động tại nhà riêng, khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận.

Hồi đáp vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực từ năm 2024), các loại hình cơ sở khám chữa bệnh liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ bao gồm: Bệnh viện đa khoa có khoa thẩm mỹ hoặc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ; Bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ; Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.

Người đứng đầu ngành y tế nhìn nhận, ngoài các cơ sở chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ, vẫn tồn tại nhiều cơ sở thẩm mỹ không phép, hoạt động không đúng quy định pháp luật, núp bóng dưới các hình thức như cơ sở làm đẹp, chăm sóc da, tóc, thẩm mỹ viện, spa.

"Đáng chú ý, nhân lực tại các cơ sở này thường chưa được đào tạo bài bản, đúng phạm vi hành nghề. Một số trường hợp chỉ tham gia các khóa đào tạo nghề cơ bản về chăm sóc, làm đẹp, phun xăm theo hình thức hướng dẫn thực hành, nhưng vẫn thực hiện các kỹ thuật như tiêm filler, botox... có thể gây hậu quả và biến chứng nghiêm trọng", Bộ trưởng Y tế nêu.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ đang rà soát các nội dung cần điều chỉnh trong Nghị định 96/2023 của Chính phủ để phù hợp với thực tế và bảo đảm việc quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.

"Bộ Y tế sẽ xem xét, báo cáo Chính phủ để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định này nhằm tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ", Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.

Hoàng Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/siet-quan-ly-cac-co-so-lam-dep-chui-20250508110623804.htm
Zalo